Viết tiếp truyền thống, đồng hành vì nhân dân

PHAN THÁI BÌNH 01/01/2021 05:45

Ngày 6.1.1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ đất nước bằng việc tham gia bầu ra Quốc hội. Cùng với lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, luôn đồng hành và gắn bó với nhân dân.

Đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo, người dân địa phương bên di tích “Giếng nước Quốc hội”. Ảnh: VINH ANH
Đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo, người dân địa phương bên di tích “Giếng nước Quốc hội”. Ảnh: VINH ANH

Nghe dân nói - nói dân nghe

Viết tiếp truyền thống 75 năm Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã tổ chức nhiều hoạt động, thường xuyên đồng hành và gắn bó mật thiết với nhân dân, với cử tri, làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử.

“Tôi thấy Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã thể hiện được hình ảnh, vai trò và dấu ấn của mình trong hoạt động chung của Quốc hội. Các ĐBQH gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân nên nắm bắt kịp thời các tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, của cử tri. Những tiếng nói của ĐBQH tỉnh Quảng Nam luôn bám sát vào thực tiễn, có hơi thở của cuộc sống”. (Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu)

Bước vào những năm đầu nhiệm kỳ khóa XIV, tình hình trong nước có nhiều diễn biến thuận lợi, kinh tế ổn định và liên tục phát triển với nhiều điểm sáng. Nhưng những năm tiếp theo, với nhiều sự cố lớn về môi trường, thiên tai, dịch bệnh xảy ra đã tác động, ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư của người dân. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn, đặc biệt là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được triển khai đã làm ảnh hưởng nhất định đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận nhân dân.

Ở khu vực miền núi, nông thôn, bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đời sống, sản xuất của đại đa số nhân dân vẫn còn khó khăn. Yêu cầu đặt ra từ thực tiễn này là làm sao những tâm tư, nguyện vọng của người dân, khó khăn từ cơ sở được chuyển tải đến các cơ quan có thẩm quyền, người có trách nhiệm để từ đó đề ra chủ trương, quyết sách đúng đắn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tâm huyết và trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn bám sát cơ sở để kịp thời lắng nghe tiếng nói của người dân. Các ĐBQH tỉnh đã không ngần ngại đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, những điểm nóng về ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng... để nghe dân nói - nói dân nghe. Thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri và thực tiễn hoạt động cơ sở, ĐBQH tỉnh hiểu rõ thực trạng đời sống và sản xuất của người dân miền núi,vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay hết sức khó khăn.

Xuyên suốt tại nhiều kỳ họp, nhiều diễn đàn khác nhau của Quốc hội, kể cả chất vấn và kiến nghị qua giám sát, các ĐBQH Quảng Nam kiến nghị Quốc hội cần có một chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này. Và một trong những quyết sách lớn được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ khóa XIV là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cũng thông qua tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề nóng được ĐBQH Quảng Nam ghi nhận, kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết kịp thời như: giải pháp đảm bảo an toàn giao thông các tuyến quốc lộ trên địa bàn Quảng Nam; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đầu tư kè chống sạt lở bờ biển Hội An; giải quyết chế độ, chính sách cho người có công...

Di tích “Giếng nước Quốc hội” được nâng cấp, trở thành địa chỉ đỏ tại địa phương. Ảnh: VINH ANH
Di tích “Giếng nước Quốc hội” được nâng cấp, trở thành địa chỉ đỏ tại địa phương. Ảnh: VINH ANH

Khí chất Quảng Nam

Hoạt động giám sát, khảo sát cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh chú trọng triển khai, mang lại nhiều kết quả hết sức thiết thực, đặc biệt là kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước.

Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn, Đoàn ĐBQH tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị tại địa phương để tổ chức giám sát, khảo sát các chuyên đề riêng của Đoàn ĐBQH như: công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển GD-ĐT; việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tín dụng có hỗ trợ của nhà nước và thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khảo sát về công tác phân chia, cắm mốc địa giới hành chính; việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo...

Qua giám sát, khảo sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đưa ra 277 kiến nghị, đề xuất. Nhiều nội dung kiến nghị, đề xuất sau giám sát được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, được Quốc hội đưa vào nội dung các nghị quyết kỳ họp, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; phát triển hạ tầng giao thông...

Chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các đại biểu Quảng Nam tham gia rất tích cực. Với 23 lượt chất vấn trực tiếp, 3 nội dung chất vấn bằng văn bản, các ĐBQH Quảng Nam khóa XIV đã gửi đến các thành viên Chính phủ nhiều nội dung mang hơi thở của cuộc sống, tập trung vào những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân, những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước, những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật... Trong chất vấn, các ĐBQH Quảng Nam luôn thể hiện rõ “khí chất” của con người xứ Quảng, tranh luận đến cùng khi vấn đề chưa được làm sáng tỏ, không chấp nhận những câu trả lời nửa vời, hứa nhưng không thực hiện.

Một trong những hoạt động sôi nổi nhất và để lại nhiều ấn tượng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của các ĐBQH Quảng Nam phải kể đến là tham gia góp ý xây dựng pháp luật. Tại các kỳ họp Quốc hội, ĐBQH Quảng Nam đã tham gia thảo luận, tranh luận góp ý, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến trong từng dự án luật, trong từng điều khoản cũng như chi tiết đến từng câu chữ, chuyển tải được yêu cầu thực tiễn của xã hội vào luật, thể hiện trách nhiệm chung đối với công tác lập pháp của Quốc hội.

Ngoài ra, ĐBQH Quảng Nam còn tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều kiến nghị, đề xuất về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ngân sách nhà nước, xem xét các báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; tham gia nghiên cứu khoa học, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; công tác xã hội và nhiều hoạt động khác tại địa phương.

PHAN THÁI BÌNH