Nâng cao chất lượng dân số: Đối diện nhiều thách thức

LÊ QUÂN 30/12/2020 11:51

Tại hội thảo về vấn đề dân số và phát triển nhân Tháng hành động Quốc gia về dân số (từ ngày 1 đến 31.12) và Ngày dân số Việt Nam (26.12) do Bộ Y tế vừa tổ chức, chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững” tiếp tục được đưa ra bàn luận. Khá nhiều thách thức để nâng cao chất lượng dân số đã được đề cập, trong đó có việc chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, mất cân bằng giới tính khi sinh hay việc già hóa dân số nhanh đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các địa phương trên cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng.

Tư vấn sức khỏe sinh sản góp phần cải thiện chất lượng dân số. Ảnh: T.S
Tư vấn sức khỏe sinh sản góp phần cải thiện chất lượng dân số. Ảnh: T.S

Chú trọng nhiều mặt

Ông Phan Đình Nhân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết,  Quảng Nam đã và đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) chiếm hơn 65%, tỷ lệ phụ thuộc chung dưới 50%. Hiện dân số toàn tỉnh có hơn 1,6 triệu người. Chất lượng dân số, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện về nhiều mặt. Trong đó, việc sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… được triển khai ở nhiều địa phương.

Các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ngày càng đáp ứng được sự kịp thời, đa dạng và có chất lượng. Đến nay, 70% số bà mẹ mang thai và hơn 85% trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh tật.

“Người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (10,8%), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi (3,2%) đã giảm nhiều trong những năm gần đây và tỷ suất tử vong mẹ cũng giảm, chiếm tỷ lệ 18,22/100.000 sơ sinh sống. Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng được chú trọng” - ông Phan Đình Nhân nói. 

Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình hoạt động, tư vấn về sức khỏe sinh sản, đặc biệt, với các đối tượng là trẻ vị thành niên. Hằng tháng, tại các trường THPT đều có cán bộ dân số đến nói chuyện về sức khỏe sinh sản, tư vấn tâm lý cho lứa tuổi mới lớn. Cùng với sức khỏe của trẻ vị thành niên, vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được chú trọng.

Bà Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm đã triển khai xây dựng mô hình “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ” và đã được công nhận danh hiệu xuất sắc. Ngoài ra, thông qua việc đào tạo cô đỡ thôn bản, các địa phương miền núi đã giảm thiểu rất nhiều tình hình tử vong mẹ và các vấn đề sau sinh. Năm 2020, Sở Y tế đã phối hợp Trường Cao đẳng Y tế tổ chức đào tạo được 60 cô đỡ thôn bản. 

Vẫn còn thách thức

Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng công tác dân số trên địa bàn Quảng Nam vẫn phải đối diện rất nhiều thách thức. Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng vẫn còn rất khó khăn.

Bà Lê Thị Quyết cho biết, người dân vẫn chưa chủ động được nguồn cung cấp phương tiện tránh thai, nhất là nguồn tiếp thị xã hội. Trong khi đó, các chương trình phát hiện tỷ lệ mang gene Thalassamia của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được đầu tư đầy đủ; tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, ly hôn, ly thân sớm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Chính những điều này để lại những hậu quả lớn, làm giảm chất lượng dân số của các thế hệ tương lai.   

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các địa phương đáp ứng dịch vụ tránh thai miễn phí cho đối tượng chính sách của chương trình mục tiêu dân số/kế hoạch hóa gia đình. Cùng với đó, mở rộng triển khai tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai/dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng có khả năng chi trả, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ để người dân tham gia. Ngoài ra, địa phương cần hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…

LÊ QUÂN