Truyền thông quốc tế đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam

NAM VIỆT 29/12/2020 16:41

(QNO) - Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, đạt được mục tiêu kép trong kiểm soát dịch bệnh và duy trì phát triển kinh tế.

Một nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Ảnh: AFP
Một nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Ảnh: AFP

Hãng tin AFP (Pháp) viết, kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng tốt hơn mong đợi, ​​ở mức 2,9%. Nhiều năm qua, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Mặc dù có sự sụt giảm so với năm ngoái, kết quả hoạt động của Việt Nam có vẻ khả quan trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi nhiều quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao do vi rút corona mới, Việt Nam - dân số 96 triệu người đến nay ghi nhận ít hơn 1.500 trường hợp nhiễm và có 35 trường hợp tử vong. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh giúp cho nhiều nhà máy duy trì hoạt động hoặc nhanh chóng mở của trở lại.

Trước đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo con số tăng trưởng GDP Việt Nam là 2,4% trong khi nền kinh tế thế giới giảm 4,4%. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Việt Nam có thể đạt được nhiều thành công hơn vào năm 2021 với nền kinh tế dự kiến ​​tăng trưởng khoảng 6,8% và sau đó ổn định ở mức khoảng 6,5%.

Theo Reuters (Anh), tăng trưởng kinh tế năm 2020 chậm lại do đại dịch Covid-19, thiên tai và nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Hãng tin này trích lại số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), Việt Nam có thể xuất siêu 19,06 tỷ USD trong năm 2020 và giá tiêu dùng bình quân tăng 3,23%.

Reuters trích lại đánh giá của GSO: “Đây là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, giữa những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đây được coi là một thành công đối với Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới”.

Phản ứng mạnh với đại dịch, Việt Nam nhanh chóng ngăn chặn sự bùng phát của vi rút corona mới, cho phép hoạt động kinh tế phục hồi nhanh hơn so với nhiều nền kinh tế tại châu Á.

Công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 3,98%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, trong khi khu vực dịch vụ tăng 2,34% và khu vực nông nghiệp tăng 2,68%, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây công bố báo cáo thường niên về 193 quốc gia, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7% trong các năm từ 2021 - 2025. Trong 10 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt 6,6% và đến năm 2035 sẽ giữ vị trí 19 trên thế giới.

Trong số ra ngày 29.12, trang tin asia.nikkei (Nhật Bản) viết, Việt Nam cùng với 2 quốc gia khác tại Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia sẽ hồi phục kinh tế hoàn toàn vào năm 2021, như trước đại dịch.

Nhà nghiên cứu Yuta Tsukada của Viện Nghiên cứu Nhật Bản nói: “Nhiều công ty toàn cầu đang đổ xô đến Việt Nam, nhờ vậy xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi”.

Tất nhiên, tất cả nền kinh tế bao gồm 6 nền kinh tế dẫn đầu ASEAN là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines vẫn còn đối đầu với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19...

Dù vậy, Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong 6 nền kinh tế nói trên có tăng trưởng kinh tế thực trong năm 2020 nhờ vào khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 rất tốt.

NAM VIỆT