Mặt trời nhân tạo của Hàn Quốc lập kỷ lục chạy ở 100 triệu độ trong 20 giây

An Trương 29/12/2020 14:30

(QNO) - Hàn Quốc đã chạy thành công thiết bị nhiệt hạch siêu dẫn, còn được gọi là "mặt trời nhân tạo" trong thời gian kỷ lục 20 giây.

Lò phản ứng tokamak KSTAR được ví như “mặt trời nhân tạo“. Ảnh: Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia Hàn Quốc.
Lò phản ứng tokamak KSTAR được ví như “mặt trời nhân tạo“. Ảnh: Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia Hàn Quốc.

Bằng cách khắc phục một số nhược điểm của chế độ ITB (Internal Transport Barrier) và làm nóng lõi plasma hiệu quả, lò phản ứng nhiệt hạch tokamak KSTAR do các nhà khoa học Hàn Quốc tại Viện Năng lượng nhiệt hạch Hàn Quốc (KFE) cùng với Đại học quốc gia Seoul (SNU) và Đại học Columbia (Mỹ) vận hành đã duy trì được plasma ở nhiệt độ cao trong 20 giây. 

Khoảng thời gian 20 giây có vẻ không nhiều nhưng điều làm nên kỷ lục thế giới mới cho “mặt trời nhân tạo” này đó là việc duy trì được năng lượng plasma ở nhiệt độ trên 100 triệu độ C. Kỷ lục cũ cũng do chính KSTAR thiết lập năm 2019 với thời gian 8 giây. KFE đã tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển hệ thống để đưa thời gian duy trì plasma nhiệt độ cao lên đến 300 giây vào năm 2025.

Ông Si-Woo Yoon - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KSTAR thuộc KFE giải thích: “Thành công của KSTAR sẽ là một bước ngoặt quan trọng, đảm bảo các công nghệ cho hoạt động plasma hiệu suất cao trong thời gian dài, một thành phần quan trọng của lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thương mại trong tương lai”.

Mục tiêu của dự án mà các nhà khoa học đang thực hiện đó là duy trì và khai thác thành công năng lượng tổng hợp hạt nhân từ đó để cung cấp năng lượng điện một cách bền vững. Nếu thành công, nghiên cứu này sẽ mở ra ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng khổng lồ của thế giới.

Tiến sĩ Young-Seok Park từ Đại học Columbia, người đã góp phần tạo ra plasma nhiệt độ cao khẳng định năng lượng nhiệt hạch có thể là câu trả lời cho sự phụ thuộc bấy lâu nay của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích của năng lượng nhiệt hạch, các nhà khoa học vẫn còn lo ngại về những rủi ro liên quan đến việc phát triển sức mạnh hạt nhân.

An Trương