Trồng rừng cho... biển
Những hàng cây phong ba và dứa dại đã bắt đầu bén rễ, ra lá non trên bờ cát An Bàng (Hội An), ước mơ về một màu xanh trên bãi bồi đang dần hiện hữu. Đây là một trong nhiều nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp về việc tạo ra điểm đến xanh trong tương lai.
Du lịch... trồng cây
Ông Lê Ngọc Thuận – chủ nhà hàng Deck house (An Bàng) nhìn hàng cây phong ba xanh ngát phía trước nhà hàng đầy vẻ mãn nguyện. Đây là công sức và tâm huyết của ông gần 2 năm qua. “Ban đầu tôi không nghĩ cây thích nghi và lớn nhanh như vậy, hy vọng trong vài năm tới bãi biển nơi đây sẽ xanh, mát hơn” - ông Thuận nói.
Vài năm trước, ông Thuận đã nghĩ đến việc “xanh hóa” bờ biển An Bàng, nhưng ông cũng chỉ thực hiện được trong phạm vi nhỏ trước khu vực nhà hàng của mình. Dù vậy, giấc mơ về một bãi biển xanh mát vẫn luôn cháy bỏng trong ông, đặc biệt sau những cơn bão, tình trạng sạt lở xảy ra liên tiếp thời gian qua.
Tháng 12.2020, ông Thuận quyết định tổ chức một lễ hội âm nhạc và ẩm thực tại nhà hàng của mình, lợi nhuận thu về được ông trích lại mua cây trồng ven biển. Kết quả, gần 50 triệu đồng lợi nhuận đã mua hơn 2.500 cây phong ba phân phát cho các chủ nhà hàng ven biển An Bàng trồng trong phạm vi cơ sở của mình.
“Để bà con tin, làm theo thì mình phải làm trước. Có thể cây không ngăn được sạt lở biển, nhưng chí ít nó cũng hạn chế phần nào tác động của sóng gió, đồng thời tạo màu xanh khỏa lấp đi những vết sạt lở, tan hoang do xâm thực gây ra” - ông Thuận nói.
Vài năm gần đây, du lịch xanh, du lịch trách nhiệm đã trở thành xu hướng chủ đạo trong cộng đồng doanh nghiệp Hội An. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đứng ra tổ chức trồng cây nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Một số tour như trồng dừa nước ở Cẩm Thanh, thu nhặt rác trên sông, trên biển… đã mang lại hiệu ứng tích cực.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hội An, nếu như trước đây du lịch trồng cây chỉ dành cho khách Âu, Mỹ thì nay khách Việt cũng sẵn sàng bỏ tiền tham gia, chứng tỏ sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là những du khách trẻ tuổi về bảo vệ môi trường.
“Tôi vừa bán tour du lịch trồng dừa nước cho hơn 100 khách Việt trong một buổi giá 800 nghìn đồng/người. Thật ra, nếu biết khai thác và truyền thông tốt chúng ta có thể đạt được 2 mục tiêu là có thêm cây xanh do khách trồng, và doanh nghiệp có nguồn thu từ những hoạt động này” - ông Tuấn phân tích.
Những cánh rừng tương lai
Một số ý kiến rằng, sau thiên tai và dịch bệnh, việc nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và khách du lịch với môi trường sẽ góp phần quan trọng hướng tới cuộc sống xanh và du lịch bền vững. Ông Lê Quốc Việt – Giám đốc khách sạn Santa Sea Villa Hội An nhìn nhận, để đạt mục tiêu này cần nhiều nỗ lực đóng góp từ phía cộng đồng, doanh nghiệp và du khách nhằm tạo sự lan tỏa, hướng đến mục tiêu hình thành những cánh rừng phục vụ du lịch.
“Năm 2020 rất đặc biệt với môi trường, thiên nhiên, do vậy các doanh nghiệp muốn làm một cái gì đó để tái tạo môi trường, đồng thời cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc trồng 1 tỷ cây xanh. Chúng tôi muốn biến nó thành hành động và gắn với du lịch, từ đó lan tỏa ra cộng đồng nên mọi người rất hứng khởi. Chỉ cần mỗi khách đến Hội An, Quảng Nam tham gia trồng một cây xanh, tôi tin rằng tương lai sẽ hình thành lên những cánh rừng đẹp. Đặc biệt, bản thân du khách cũng thấy trách nhiệm hơn, tự hào hơn vì đã đóng góp vào việc bảo vệ môi trường” - ông Việt chia sẻ.
Từ tháng 11.2020, sau những đợt bão lũ và sạt lở, ông Việt đã xây dựng kế hoạch trồng các loại cây dừa, phi lao, phong ba dọc biển Tân Thành và ven sông Cổ Cò (Hội An). Để thực hiện ý tưởng này, ông Việt và ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã ra Hà Nội làm việc với Công ty Du lịch Hà Nội Redtour bàn cách xây dựng những tour du lịch theo hướng bảo vệ môi trường. Theo đó, khách về Hội An sẽ được đến thăm các điểm sạt lở, thiên tai, nhất là các huyện miền núi, sau đó mỗi khách sẽ trồng một cây xanh, cùng cộng đồng trách nhiệm để hình thành những khu rừng trong tương lai.
“Có thể chúng tôi sẽ nhận một khu đồi trọc nào đó tại các huyện miền núi Quảng Nam để khách trồng cây, đây sẽ là điểm nhấn cho tour du lịch. Nguồn kinh phí từ đóng góp của du khách và các công ty du lịch thông qua việc cấu thành vào giá tour” - ông Việt chia sẻ.
Dự kiến, trong năm 2021 khoảng 1.000 khách sẽ về Quảng Nam du lịch trồng rừng. Trước mắt, ông Việt đã phối hợp với UBND phường Cẩm An (TP.Hội An) trồng hơn 1 nghìn cây dương liễu và dứa dại tại bờ biển Tân Thành kết hợp với vệ sinh bãi biển.