Doanh nghiệp ở Indonesia tái chế rác thải thành mặt hàng thời trang
(QNO) - Không chỉ tạo sinh kế cho nhiều người, doanh nghiệp XSProject (Indonesia) đóng góp rất ý nghĩa trong cuộc chiến chống rác thải và bảo vệ môi trường.
Trên các kệ hàng của nhà xưởng 3 tầng ở ngoại ô Jakarta (Indonesia) chất đầy sản phẩm đầy màu sắc từ ví, túi xách đến tạp dề, khẩu trang, đế lót ly...
Kiểm tra kỹ hơn, khách hàng sẽ biết rằng những sản phẩm này thực sự được làm từ bao bì bột giặt đã bỏ đi hay vật liệu làm biển quảng cáo đã qua sử dụng... Gần lối vào cửa hàng là những bao bố từ một công ty nhập khẩu hạt cà phê, đang chờ được cắt theo kích cỡ và may thành túi mua sắm.
Trong 16 năm qua, doanh nghiệp xã hội XSProject tái chế rác thải thành các mặt hàng thời trang sang trọng và đầy màu sắc như thế, thu hút khách trong và ngoài nước, như các đơn đặt hàng từ Singapore, Australia...
Mỗi tháng, XSProject sản xuất hơn 3.000 sản phẩm. Nhà quản lý XSProject - bà Retno Hapsari cho biết, XSProject được thành lập bởi người con quê hương Indonesia đang sinh sống tại Mỹ - Ann Wizer.
Bà nói: “Có loại rác thải như bao bì nhiều lớp không thể bán cho các nhà máy tái chế. Chúng tôi nói những người thu gom hãy mang rác này bán lại cho XSProject. Chúng tôi sẽ làm sạch chúng và tạo ra các sản phẩm bằng những vật liệu này”.
Ngày nay, XSProject có nhiều dòng sản phẩm được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau mà nếu không chúng sẽ bị đổ ra và gây ô nhiễm môi trường. Công ty thậm chí còn làm các đơn đặt hàng từ các vật liệu như hộp đàn guitar và túi chơi golf. Ngoài công nhân ở xưởng, XSProject hợp đồng với các công nhân may tự do để đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm ngày càng tăng.
Rất khiếm tốn, nhà quản lý của XSProject nói rằng bà chỉ là một nhà tiếp thị, một người phát ngôn của XSProject và nhấn mạnh còn bộ não sáng tạo đằng sau các sản phẩm là 7 công nhân mà công ty tuyển dụng.
Bà Retno Hapsari nói: “Chúng tôi chỉ cung cấp cho công nhân những kỹ năng mới bằng cách đăng ký họ vào các khóa học may. Giờ đây, họ có thể chỉ cần nhìn vào một vật liệu và biết sản phẩm cuối cùng sẽ như thế nào. Họ là những người pha trộn màu sắc, trộn chất liệu và đưa ra các thiết kế. Cạnh đó, chúng tôi nhận được đề xuất và ý tưởng từ khách hàng về những gì chúng tôi nên sản xuất tiếp theo. Điều quan trọng là phải lắng nghe khách hàng”.
Mỗi tháng, XSProject tạo ra lợi nhận 35 - 70 nghìn USD. Số tiền này sẽ quay trở lại quỹ tài trợ cùng tên với công ty - XSProject để hỗ trợ kinh phí giáo dục, đời sống cho lao động.
Với khoảng 85 nghìn tấn rác nhựa đổ ra môi trường mỗi năm, Indonesia trở thành quốc gia gây ô nhiễm nhựa tồi tệ thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Do vậy, thương hiệu nổi bật của XSProject cũng nhằm gây áp lực buộc các công ty phải suy nghĩ về các cách thay thế để đóng gói và bán sản phẩm của họ thân thiện hơn với môi trường.
Bà Retno Hapsari cho biết: “Tôi sẽ rất vui nếu một ngày nào đó không còn chất thải để làm những công việc tái chế này. Nó có nghĩa là công việc của chúng tôi ở đây đã hoàn thành”.
XSProject đang cộng tác với nhiều trường học tại Indonesia để thực hiện các chương trình liên quan đến tái chế rác thải. Các sinh viên đồng thời cũng giúp bán sản phẩm và số tiền thu được sẽ được chuyển đến quỹ XSProject. Quan trọng hơn, thế hệ trẻ sẽ hiểu thêm về tác hại của rác nhựa và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thông qua công việc thực tế của XSProject.