Tại sao dùng 5G tại Việt Nam không cần đổi sim
(QNO) - Mạng 5G tại Việt Nam không đòi hỏi người dùng phải đổi sim như khi chuyển từ 3G lên 4G trước đây, do được phát triển trên nền tảng 4G có sẵn. Vinaphone, Viettel và Mobifone đã bắt đầu thử nghiệm thương mại mạng 5G ở Việt Nam từ tháng 11. Cả ba nhà mạng đều xây dựng 5G dựa trên nền tảng 4G có sẵn. Theo thuật ngữ kỹ thuật, đây là mạng 5G NSA.
Các nhà mạng trên thế giới triển khai 5G theo hai hình thức: 5G NSA (Non-standalone) - mạng 5G không độc lập và 5G SA (Standalone) - mạng 5G độc lập. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước cũng triển khai 5G NSA, như Mỹ, Pháp, Australia, Anh, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha...
Mạng 5G NSA được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng 4G LTE hiện có. Với mô hình này, các trạm 5G mới sẽ kết nối đến mạng lõi 4G cũ để hoạt động. Việc triển khai theo hình thức NSA sẽ giúp tận dụng được vùng phủ sóng sẵn có cũng như các thiết bị tại trạm phát 4G. Nhờ vậy, chi phí ban đầu thấp hơn nhiều cũng như thời gian triển khai lắp đặt nhanh hơn đáng kể.
Ở mô hình NSA, tốc độ truy cập bao gồm cả tải xuống và tải lên đều không khác biệt lớn so với mạng 5G SA. Nhược điểm là độ trễ (latency) cao hơn so với mô hình mạng 5G SA độc lập. Tuy nhiên, độ trễ này vẫn thấp hơn so với mạng 4G LTE hiện tại và không ảnh hưởng nhiều tới đa số nhu cầu sử dụng hiện tại của người dùng phổ thông.
Với mạng 5G NSA, hệ thống của nhà mạng vẫn tiến hành xác thực thuê bao thông qua nền tảng 4G. Do phương thức không thay đổi nên người dùng có thể dùng luôn sim 4G cũ để dùng trên mạng 5G mới. Đây cũng là ưu điểm lớn khiến người dùng dễ tiếp cận và trải nghiệm công nghệ mạng di động mới hơn.
Mạng 5G SA là đích đến của các nhà mạng khi bắt đầu triển khai 5G. Sử dụng kiến trúc đầu cuối mới với sóng mm và tần số sub-GHz khiến chế độ này không sử dụng cơ sở hạ tầng của 4G LTE hiện có. SA sử dụng băng thông rộng di động nâng cao eMBB có tốc độ siêu nhanh và độ trễ cực thấp. Ngoài ra, khi sử dụng mạng 5G SA tốc độ gigabit, chi phí sử dụng dữ liệu mà người dùng phải trả cũng sẽ thấp hơn.
Theo Alepo, các nhà mạng đều bắt đầu với mạng NSA và sẽ chuyển sang kiến trúc SA khi nhu cầu sử dụng đủ lớn và đủ thời gian cho việc lắp đặt các trạm lõi 5G. Hiện các thiết bị 5G chưa phổ biến nên nhu cầu về kiến trúc dựa trên SA vẫn còn khá ít ỏi.
Trong tương lai, sự hội tụ của NSA và SA sẽ giúp các nhà mạng chuyển sang một mạng 5G đầy đủ. Tất cả điện thoại 5G ban đầu đều hỗ trợ tốt cho mạng 5G NSA và sẽ tồn tại ít nhất trong một thập kỷ trước khi kiến trúc SA thay thế hoàn toàn.