Các quỹ tài chính ngoài ngân sách: Tồn tại hay giải thể?

TRỊNH DŨNG 25/12/2020 06:27

Các quỹ tài chính ngoài ngân sách tồn quỹ quá lớn, trong khi đó doanh nghiệp không thể tiếp cận. Liệu có nên giải thể thay vì giữ lại các quỹ này?

Khu phố chợ Nam Phước là một trong những dự án có phần cho vay từ Quỹ đầu tư phát triển. Ảnh: T.D
Khu phố chợ Nam Phước là một trong những dự án có phần cho vay từ Quỹ đầu tư phát triển. Ảnh: T.D

Tồn quỹ quá lớn

Việc sắp xếp, kiện toàn từ 13 quỹ tài chính ngoài ngân sách xuống còn 12 (nhất là các quỹ có tính chất hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo toàn và phát triển vốn) có đôi chút thay đổi khi cho vay và đầu tư trực tiếp đã gia tăng.

“Ông lớn” của các quỹ này là Quỹ Đầu tư phát triển. Năm 2020, quỹ này đã ký hợp đồng cho vay 6 dự án với tổng mức vốn 212 tỷ đồng, gồm 4 dự án lĩnh vực y tế, giáo dục, 1 dự án khu phố chợ và 1 dự án khu dân cư. Hiện có 19 hợp đồng tín dụng (tổng hạn mức cho vay 700 tỷ đồng) còn hiệu lực. Dư nợ tín dụng đạt 399,5 tỷ đồng (đạt 140% kế hoạch năm, đạt 122,8%/vốn chủ sở hữu 325 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Tiên Thạch – Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển cho hay, năm 2020, quỹ tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận do đã bán và thu hồi toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Quảng Nam. Tổng doanh thu ước đến ngày 31.12.2020 là 52,6 tỷ đồng (thu lãi cho vay các dự án hơn 20,7 tỷ đồng, thu góp vốn hơn 14,2 tỷ đồng, thu phí ủy thác 2,8 tỷ đồng và thu từ đầu tư tài chính khác hơn 14,8 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 25,5 tỷ đồng.

Ba quỹ ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển cũng có những chuyển động trong năm 2020. Quỹ Hỗ trợ ngư dân đã quyết định cho vay 9 trường hợp với tổng giải ngân là 20 tỷ đồng, giải ngân đạt kế hoạch. Quỹ Phát triển đất hiện có 10 hợp đồng ứng vốn của 6 đơn vị còn hiệu lực với tổng hạn mức ứng vốn hơn 135,2 tỷ đồng, dư nợ vốn ứng hơn 62,4 tỷ đồng, chỉ đạt 15,6% kế hoạch và 12,7% vốn chủ sở hữu (489 tỷ đồng). Yếu kém nhất là Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhỏ và vừa. Kể từ khi thành lập (ngày 13.4.2016) đến nay, quỹ này chỉ nhận được 3 hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, lại không có trường hợp nào đủ điều kiện cấp bảo lãnh. Quỹ chưa thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng cho bất cứ trường hợp nào vì không đủ chuẩn.

Theo thống kê, ở thời điểm 31.12.2019 các quỹ ngoài ngân sách có kết dư là hơn 742,9 tỷ đồng và tổng nguồn phát sinh trong năm nay là hơn 394,2 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ từ ngân sách địa phương hơn 80,8 tỷ đồng), nhưng tổng sử dụng nguồn vốn trong năm chỉ khoảng 310,6 tỷ đồng và tổng nguồn dư đến ngày 31.12.2020 đã lên khoảng 826,5 tỷ đồng. Tồn quỹ nhiều nhất thuộc về Quỹ Đầu tư phát triển (hơn 247,4 tỷ đồng), Quỹ Phát triển đất (423 tỷ đồng) và Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (hơn 108,8 tỷ đồng).

Giải thể hay tồn tại?

Có thể thấy ngay việc Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải giải thể vì không cho ai vay được. Đến lúc cần cân nhắc việc giải thể hay để tồn tại các quỹ khi tồn quỹ quá lớn, việc ứng vốn cho các dự án để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch chưa nhiều. Chưa kể, nhiều năm qua HĐND tỉnh đã quyết định nâng cao năng lực hoạt động nhưng các quỹ này vẫn “gửi ngân hàng lấy lãi” là chủ yếu!

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói tiền lãi chủ yếu từ tiền gửi ngân hàng đã từng bị chất vấn, nhưng không hề có sự thay đổi nào đáng kể. Tác dụng làm “vốn mồi” và “cú hích” của công cụ tài chính nhà nước làm động lực phát triển tại địa phương đã không thành hiện thực. Quỹ Phát triển đất thừa tiền trong khi các địa phương thiếu tiền để giải phóng mặt bằng thì tại sao không thể cho vay? Có cần thiết phải giữ lại các quỹ này hay không?

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, sử dụng tài chính, tiền, tài sản của Nhà nước cần tính đến hiệu quả. Nếu hoạt động tốt thì duy trì sự tồn tại của nó; nếu không thì cần đặt câu hỏi là cần sự có mặt của các quỹ này không, hay là chuyển sang mô hình khác.

Dưới góc nhìn của các địa phương, ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, phát triển nhà ở xã hội hay thương mại chỗ nào có lợi nhuận thì doanh nghiệp đã làm hết rồi. Quỹ nên đột phá đầu tư, cho vay ưu tiên sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, xây dựng hoàn thiện các dự án nông nghiệp sạch, hữu cơ... để tạo động lực cho khu vực này phát triển. Thế nhưng điều này chưa xảy ra trên thực tế.

Ông Nguyễn Tri Ấn – Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói, cần có chuyên đề bàn riêng về các quỹ. Nhu cầu kinh phí giải phóng mặt bằng lớn tại sao không ứng, lại để vốn tồn dư? Tại sao cứ để vốn nằm nhàn rỗi? Không thể không xử lý. Đã có nhiều cuộc bàn bạc nhưng chưa đi tới đâu...

Câu chuyện về các quỹ tài chính ngoài ngân sách (nhóm bảo tồn và phát triển vốn) chủ yếu gửi ngân hàng lấy lãi luôn nóng trên các hội nghị hay diễn đàn tài chính. Muốn hay không, ngân sách vẫn phân bổ tiền hàng năm. Cần đánh giá hiệu quả của từng quỹ tài chính để có thể loại bỏ hay sắp xếp lại cho hợp lý một cách dứt khoát.

TRỊNH DŨNG