13 giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII

M.L 23/12/2020 16:00

(QNO) - Ngày 22.12, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3742/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Mục tiêu của kế hoạch là tập trung phát triển kinh tế; trong đó có chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Nhiệm vụ chung đối với các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố là chủ động triển khai, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy đến cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của nền kinh tế theo chức năng quản lý nhà nước của đơn vị và theo địa bàn quản lý, làm cơ sở xây dựng quy hoạch tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm; kế hoạch tài chính năm và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm, 5 năm của tỉnh; đảm bảo tất cả nguồn lực của nền kinh tế được quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực hiện có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.

Thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo lộ trình phù hợp, hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo từng vùng, miền, ngành, lĩnh vực; điều chỉnh cơ cấu nội bộ các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, tạo sự chuyển biến thực chất trong từng ngành, lĩnh vực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng, phát huy hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo tồn các di sản văn hóa, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường du lịch; tạo nhiều việc làm, gắn kết phát triển thành thị và nông thôn. Giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao mức sống dân cư, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo.

Xây dựng bộ máy chính quyền kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; chú trọng công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và điều kiện thực tế của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai với 13 giải pháp trọng tâm gồm 160 chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Các giải pháp trọng tâm bao gồm: (1) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị. (2) Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (3) Cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. (4) Phát triển mạnh kinh tế biển, vùng đồng bằng ven biển và Khu kinh tế mở Chu Lai giai đoạn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. (5) Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi. (6) Khai thác tiềm năng, lợi thế liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. (7) Cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch. (8) Nâng cao chất lượng GD-ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân. (9) Phát triển khoa học và công nghệ; bảo vệ tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. (10) Đảm bảo an sinh xã hội. (11) Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. (12) Đảm bảo quốc phòng - an ninh. (13) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh.

M.L