Những đột phá khoa học năm 2020

QUỐC HƯNG 22/12/2020 16:43

(QNO) - Bên cạnh đột phá về vắc xin phòng ngừa Covid-19, những công trình khám phá khoa học nổi bật khác cũng gây nhiều chú ý trong năm 2020.

Phi thuyền SpaceX Crew Dragon tiếp cận Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: shutterstock
Phi thuyền SpaceX Crew Dragon tiếp cận Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: shutterstock

Du hành vũ trụ

Cuộc đua vào vũ trụ năm 2020 đã thay đổi. SpaceX (Mỹ) trở thành tập đoàn tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia vào không gian. Đó là vào tháng 5, phi thuyền Crew Dragon của SpaceX chở 2 phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào không gian từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Cape Canaveral, bang Florida). Hơn 2 tháng sau đó, phi thuyền SpaceX đưa các phi hành gia NASA trở về trái đất an toàn. Cuộc phóng được cho mở ra triển vọng về ngành công nghiệp vũ trụ thương mại trong tương lai.

Giải mã Protein

Công ty DeepMind (Anh) phát triển thành công phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự đoán chính xác cấu trúc của protein sau quá trình cuộn gập, giúp các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về các loại bệnh tật cũng như thuốc men giúp con người chống lại chúng. Công trình DeepMind được đánh giá có ý nghĩa tuyệt vời, sẽ thay đổi tương lai của nghiên cứu sinh học cấu trúc và protein.

Mạng trí tuệ nhân tạo của DeepMind có thể suy ra hình dạng 3D của protein từ chuỗi axit amin của nó. Ảnh: DeepMind
Mạng trí tuệ nhân tạo của DeepMind có thể suy ra hình dạng 3D của protein từ chuỗi axit amin của nó. Ảnh: DeepMind

Công nghệ chỉnh sửa bộ gen

Năm nay chứng kiến ​​giải Nobel Hóa học được trao cho 2 nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (người Pháp) và Jennifer A Doudna (người Mỹ) vì phát hiện ra công nghệ chỉnh sửa bộ gen Crispr/Cas9. Đây là một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gen để chỉnh sửa chính xác DNA của động vật, thực vật và vi sinh vật. Vì thế, khám phá này giúp phát triển các liệu pháp điều trị mới để chữa nhiều căn bệnh, gồm cả ung thư.

Giải quyết đói nghèo, giảm nạn phá rừng

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khoản trợ cấp để xóa đói giảm nghèo còn có tác dụng phụ giảm nạn phá rừng. Nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thực hiện chi trả phúc lợi cho các hộ gia đình nghèo có điều kiện để họ đảm bảo cho con cái họ đi học, khám sức khỏe… Mặc dù không phải là thuốc chữa bách bệnh, xóa đói giảm nghèo có thể góp phần làm giảm nạn phá rừng, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Phát hiện dấu hiệu sự sống trên sao Kim

Các nhà khoa học tìm thấy một loại khí cho thấy dấu hiệu của sự sống trong bầu khí quyển sao Kim và phát hiện này được người đứng đầu NASA - ông Jim Bridenstine gọi là “bước phát triển có ý nghĩa nhất” trong cuộc săn tìm sự sống ngoài trái đất. Được biết sao Kim có nhiệt độ bề mặt lên tới khoảng 464 độ C - quá nóng để duy trì sự sống.

“Nuôi” thịt trong phòng thí nghiệm

Thịt được “nuôi” đã được xuất hiện trên bàn ăn. Ảnh: Reuters
Thịt được “nuôi” xuất hiện trên bàn ăn. Ảnh: Reuters

Các nhà hóa sinh đã và đang “phát triển” thịt bằng cách lấy một vài tế bào từ động vật và sau đó kích thích tăng trưởng bằng các chất dinh dưỡng thích hợp. Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore vừa phê duyệt việc kinh doanh loại thịt “nuôi” này, do công ty khởi nghiệp Eat Just của Mỹ phát triển. Các chất thay thế thịt được chấp nhận tạo ra một sự thay đổi lành tính trong cách chúng.

QUỐC HƯNG