Khó kiểm soát an toàn giao thông
Thiếu hụt lực lượng, trang thiết bị chuyên dụng cùng với sự thiếu quyết liệt trong quản lý, xử lý hành vi vi phạm từ một bộ phận người thực thi công vụ khiến trật tự an toàn giao thông (ATGT) luôn diễn biến phức tạp.
Vi phạm tràn lan
Tại huyện Núi Thành, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy sát nhiều khu dân cư thường xuyên bị xâm hại bởi tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn để cơi nới công trình gây ảnh hưởng tầm nhìn nơi giao nhau giữa đường bộ với đường sắt, nguy hại đến an toàn chạy tàu. Vẫn ở địa phương này, người tham gia giao thông chạy ngược chiều ngay trước chợ Trạm, trèo dải phân cách cứng quốc lộ (QL) 1 để qua đường là hình ảnh phản cảm dễ dàng bắt gặp. Cảnh tượng biến lòng, lề đường làm nơi buôn bán diễn ra phức tạp tại nhiều trục giao thông trọng điểm, khu dân cư đông đúc.
Tại huyện Thăng Bình, một thanh tra viên thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hành lang an toàn tuyến QL14E bị tiểu thương chợ Bình Quý và người dân địa phương lấn chiếm để làm nơi giao dịch suốt nhiều năm qua. Hay ven các tuyến QL, tỉnh lộ (ĐT) như ĐT617, QL14B, QL14D, QL40B hay QL14G, người dân lấp mương thoát nước dọc, mở đường trái phép cho xe tải chở cây keo, khiến mỗi lần xuất hiện mưa những nơi này bị nước mưa kéo theo đất, đá sạt lở tràn ra mặt đường gây ách tắc lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, tình trạng xe chở quá tải, cơi nới thành, thùng có dấu hiệu tái diễn, nhất là tại địa phương có nhiều mỏ vật liệu. Nhận định trên phản ánh đúng thực trạng hiện nay tại địa bàn Quảng Nam, điển hình như khu vực các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn và thị xã Điện Bàn, nơi tập trung nhiều mỏ vật liệu xây dựng.
Ông N.V.D, một người dân cư trú tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên) cho biết, QL14H ngày nào cũng tấp nập xe tải chở cát lưu thông, mà phương tiện nào cũng chứa cát quá thành, thùng xe bảo sao tuyến đường không nhanh chóng bị xuống cấp. Hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng nề, môi trường ô nhiễm, tính mạng của người dân bị ảnh hưởng cũng do xe tải chở quá tải trọng cho phép, tài xế phóng nhanh vượt ẩu, tiêu điểm có thể kể gồm ĐT617 (Núi Thành), QL14H (Duy Xuyên - Nông Sơn), ĐT609 (Điện Bàn - Đại Lộc), ĐT609B (Đại Lộc).
Tại các địa phương như Duy Xuyên, Đại Lộc, đặc biệt là Hội An, người dân sử dụng ghe thô sơ, kể cả thúng chai để di chuyển trên sông nước nhưng không mang dụng cụ cứu sinh nên rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi phương tiện gặp sự cố.
Câu chuyện trách nhiệm
Chỉ rõ về tồn tại, hạn chế trong đảm bảo trật tự ATGT hiện nay, Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho rằng, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, nên điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, chở quá số người quy định...
Vấn đề vi phạm hành lang ATGT; xe quá tải vẫn còn diễn ra trên các tuyến đường nhưng chưa được xử lý triệt để. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được hai ngành công an và GTVT triển khai quyết liệt, tuy nhiên do lực lượng còn mỏng, lại thiếu trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đồng bộ, hiện đại nên một số hành vi vi phạm chưa được phát hiện, nhất là các tuyến đường liên xã, địa bàn nông thôn.
Thống kê 5 năm qua, các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đã phát hiện gần 250 nghìn trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, xử phạt hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, một cựu cán bộ từng kinh qua vai trò thực hiện đảm bảo trật tự ATGT khẳng định, con số vừa đề cập chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm của người dân.
Ngoài lực lượng mỏng như phân tích, nguyên nhân tồn tại còn do một số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ này hạn chế về trình độ, năng lực. Tình trạng không bám địa bàn, không thường xuyên tuần tra tại “điểm nóng” phức tạp, rồi việc xử lý thiếu kiên quyết, hoặc qua loa, chiếu lệ từ phía lực lượng thực thi công vụ đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân “nhờn luật”.
Đơn cử như trên tuyến ĐT609B, đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông (Đại Lộc), xe tải có tổng tải trọng hơn 3 tấn thời gian gần đây chạy vào giờ cao điểm của mỗi sáng, trưa, chiều tối bất chấp đã có biển báo cấm giờ. Bởi vì, cánh tài xế nắm bắt được cảnh sát giao thông đang vắng bóng, cho nên không ngần ngại lưu thông. Trên địa bàn tỉnh nói chung, lực lượng chức năng hầu như bỏ ngỏ chuyện nhắc nhở, xử phạt người điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, mặc dù pháp luật quy định bắt buộc phải thực hiện.
Tai nạn giao thông luôn diễn biến phức tạp, người chết và bị thương vẫn ở mức cao có phần lớn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT ở địa bàn dân cư. Một bộ phận người đứng đầu tại cơ sở còn nặng tư tưởng đảm bảo trật tự ATGT là trách nhiệm của công an, thanh tra giao thông. Chính vì vậy, những bến đò ngang chưa đủ điều kiện, thậm chí không được cấp phép vẫn hoạt động, để khi xảy ra sự cố thương tâm, chính quyền địa phương mới cuống quýt xử lý thì đã quá muộn.