Khơi dậy khát vọng vươn lên
Dù đạt được nhiều thành quả tích cực, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn phải đối diện với nhiều thực trạng trong đời sống mới. Điều này đòi hỏi hướng đi thực chất hơn, khơi dậy được khát vọng vươn lên trong cộng đồng và mỗi người dân.
Thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị, TP.Tam Kỳ đã làm thay đổi hình ảnh của đô thị qua việc tập trung xây dựng tuyến phố văn minh. Từ việc các tiêu chí còn mờ nhạt, chưa có quy định cụ thể, ngành văn hóa thành phố đã tham mưu xây dựng bộ tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị, với mục tiêu hướng tới xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp và thân thiện. Điều này cũng được các thôn, khối phố đưa vào quy ước trình UBND thành phố phê duyệt và tổ chức họp dân triển khai thực hiện.
Thời gian tới, theo UBND TP.Tam Kỳ, để phong trào xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, một trong những nội dung của cuộc vận động, đi vào chiều sâu, UBND tỉnh cần quan tâm vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp, chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân ở vùng nông thôn.
Đối với đô thị, cần quan tâm phát động phong trào xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; đặc biệt quan tâm giải quyết một hệ lụy cơ bản của vấn đề đô thị hóa - đó là tình trạng người dân mất đất sản xuất, thất nghiệp và tập trung về khu vực đô thị lấn chiếm vỉa hè buôn bán hàng rong làm kế mưu sinh, do đó cần giải quyết tốt vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người mất đất sản xuất, nhường đất cho các dự án, công trình.
Theo nhìn nhận của Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh, sau 20 năm triển khai cuộc vận động, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, năng lực tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ vào đời sống của người dân ngày càng nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tính cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm vẫn đứng trước nguy cơ mai một; bạo lực gia đình còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chất lượng chưa cao, hiệu quả phát huy tác dụng trong đời sống xã hội và cộng đồng dân cư đạt thấp. Chất lượng xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa còn mang tính hình thức; trong khối doanh nghiệp, công tác vận động đăng ký xây dựng “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” còn gặp khó khăn và việc thực hiện còn lúng túng.
Ở nhiều địa phương, vấn đề quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gặp nhiều khó khăn. Một số nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhà làng truyền thống hư hỏng nhưng thiếu nguồn vốn, thiếu cơ chế hỗ trợ sửa chữa. Nhiều địa phương bố trí kinh phí không đủ cho các hoạt động tối thiểu của phong trào...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục xác định mục tiêu “… Bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị, nhân cách tốt đẹp của con người Quảng Nam; khơi dậy khát vọng vươn lên, cống hiến cho quê hương, đất nước”. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương toàn tỉnh phải phát triển phong trào theo hướng thực chất, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng các danh hiệu gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kiên trì đẩy lùi tệ nạn xã hội, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đây chính là những điều kiện để xây dựng hình ảnh con người văn hóa Quảng Nam.
Bên cạnh đó, cần gắn kết và phát huy phong trào với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phát triển văn hóa, du lịch nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng, vận hành phát huy các thiết chế văn hóa bằng các cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.