Dấu ấn xây dựng văn hóa cơ sở

VĨNH LỘC 21/12/2020 07:32

Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh...

Xây dựng đời sống văn hóa, các làng quê xứ Quảng được chỉnh trang, gìn giữ không gian sạch đẹp. Ảnh: X.H
Xây dựng đời sống văn hóa, các làng quê xứ Quảng được chỉnh trang, gìn giữ không gian sạch đẹp. Ảnh: X.H

Từ phố phường văn minh…

Theo Sở VH-TT&DL, phong trào xây dựng “Tộc văn hóa” ra đời từ thực tiễn triển khai xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Quảng Nam. Đây là một mô hình vận động, tạo sự lan tỏa lớn trong các dòng họ và cách làm sáng tạo của tỉnh Quảng Nam và được nhiều tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 1.368/4.045 lượt tộc họ được công nhận tộc văn hóa (đạt tỷ lệ 33,68%). Đặc biệt, đã có 2.264 lượt tộc họ tổ chức phát động tham gia “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. X.H

Từ 3 năm nay, tuyến đường Phan Châu Trinh đoạn từ Hai Bà Trưng đến ngã tư Lê Lợi, phường Minh An, TP.Hội An đã không còn tình trạng ô tô đậu đỗ lộn xộn.

Ông Nguyễn Văn Vinh - Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị phường Minh An cho biết, có được kết quả trên là quá trình tuyên truyền, bám sát cơ sở thường xuyên của địa phương mà lực lượng nòng cốt là Đội kiểm tra quy tắc đô thị, đặc biệt là sự hợp tác, ủng hộ của người dân. Tại các phường nội thị khác như Cẩm Phô, Cẩm Châu, Tân An… văn minh đô thị trở thành một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Thương - Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP.Hội An nói, với mục tiêu xây dựng thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch và vùng đất “nhân tình thuần hậu”, những năm qua việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị luôn được các cấp, ngành quan tâm lồng ghép vào phong trào nên mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, trong mỗi buổi giao ban vào sáng thứ Hai và chiều thứ Sáu hằng tuần, lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố thường xuyên lưu ý các địa phương chú trọng xây dựng văn minh đô thị, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế tại từng tuyến đường, từng khu phố để giải quyết cải thiện, nhờ đó trật tự đô thị trên địa bàn được giữ gìn đảm bảo.

Đặc biệt, sự tham gia tích cực của người dân và các đoàn thể đã góp phần làm cho phong trào càng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, thành lập Nghiệp đoàn xích lô văn hóa là một trong những mô hình độc đáo của Hội An, qua đó giúp việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong giao tiếp ứng xử với khách càng thêm gần gũi, thiện cảm.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, với đặc thù là thành phố du lịch, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là nhiệm vụ thường xuyên và ưu tiên hàng đầu của địa phương.

“Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố thống nhất hằng năm giao các ngành xây dựng nội dung chấm điểm, trên cơ sở đó, cơ quan thường trực tổng hợp kết quả để tham mưu Ban chỉ đạo thành phố xem xét công nhận danh hiệu văn hóa, qua đó góp phần thúc đẩy các địa phương nỗ lực thi đua” - ông Lanh nói.

 …đến tộc họ văn hóa

Không chỉ được xem là nơi lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc, các tộc họ còn đóng vai trò tác động tích cực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tại Điện Bàn, xây dựng tộc họ văn hóa trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa 20 năm qua.  Đến nay toàn thị xã có 66 dòng họ với 1.125 tộc, 994 nhà thờ tộc. Trong đó, có 551 tộc xây dựng tộc ước và 243 tộc được công nhận tộc văn hóa, nhiều tộc đạt danh hiệu văn hóa hàng chục năm liên tục.

Nổi bật có thể kể đến tộc Lê Viết phường Điện An, Nguyễn Phi làng Cẩm Lậu xã Điện Phong. Trong đó, tộc Nguyễn Phi đã xây dựng được quy chế tộc văn hóa với bản quy ước chính thức gồm 5 chương 26 điều dựa trên 4 tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Theo bà Lương Thị Mỹ Linh - Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Điện Bàn, tộc Nguyễn Phi không chỉ tiêu biểu trong tuyên truyền vận động con cháu xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, giữ gìn thuần phong mỹ tục mà còn điển hình trong xây dựng tình đoàn kết tương trợ, sống hòa thuận thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nhất là giáo dục con cháu rèn luyện đạo đức, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.

“Không chỉ bảo ban con cháu sống làm việc tuân thủ pháp luật, đạo đức, một số tộc còn có sáng kiến trồng cây kỷ niệm như cây tiến sĩ, thạc sĩ nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho con cháu. Ngoài ra, một số tộc họ phối hợp với chính quyền, đồng hành với các ban ngành, hội đoàn thể vận động gia đình, con cháu trong tộc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” - bà Linh nhận xét.

VĨNH LỘC