“Tôi từng đi dạo trên đảo Tri Tôn”...
“Anh em tôi từng đi dạo trên đảo Tri Tôn”... Tôi giật mình khi nghe các anh em ngư dân Huỳnh Sanh, Huỳnh Hiệp, Huỳnh Khôi ở cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành nói. Nếu ai làm công tác nghiên cứu về Hoàng Sa thì đây là những nhân chứng, tư liệu quý để viết về tiến trình người Việt Nam kiên cường bám giữ đảo.
Ở Madagascar có hòn đảo Nosy Boraha, một thời là hang ổ khét tiếng của bọn cướp biển. Còn ở quần đảo Hoàng Sa cũng có hòn đảo được các ngư dân ví như hang ổ của bọn cướp biển, đó là đảo Tri Tôn. Vào một buổi chiều cách đây chưa lâu, tôi gặp được anh em ngư dân Huỳnh Sanh và Huỳnh Hiệp. “Đi trên đảo Tri Tôn gặp bãi cát vàng và lính Trung Quốc đóng co cụm ở một góc…”, vài câu nói đầu tiên của ông Sanh đã khiến tôi giật mình và gặng hỏi lại “có phải hòn đảo đang nằm rất gần với Việt Nam phải không?”. Ông Sanh lẳng lặng gật đầu, mắt nhìn ra phía biển khơi xa xăm như đang tìm lại một vùng đất đã vuột mất khỏi tầm tay.
Tôi từng tìm đến rất nhiều ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng chưa nghe ai nói chuyện “đã từng đặt chân lên đảo Tri Tôn”. Có những ngư dân từng chỉ “chạm” đến đảo thì đã bị bắt. Đó là các ngư dân Dương Chính, tàu cá mang số 71; Nguyễn Văn Lợi, số 72; Dương Minh Thạnh, mang số 73. Họ có nhiệm vụ tiếp tục mở đường trở lại Cát Vàng (Hoàng Sa). Vào ngày 16.2.1982, nhóm tàu này tiếp cận đảo gần nhất là Tri Tôn, nhưng lập tức bị lính Trung Quốc bắt giữ. Bọn lính nhảy lên tàu để kiểm soát. Tên sĩ quan săm soi khắp người ngư dân rồi ra hiệu nắn bóp. Vậy là bọn lính sờ tay, bóp vai, sờ hông để xem có đúng là dân biển hay không. Người phiên dịch thì hỏi dồn dập: “Có súng không? Ba lô đâu? Cờ đâu? Ra đây làm nhiệm vụ gì…?”. Ông Thạnh thấy tình thế như vậy nên quay ra nói: “Trung Quốc với Việt Nam như môi với răng mà sao làm giống đế quốc Mỹ quá vậy?”. Lúc đó người phiên dịch mới hạ giọng, sau đó đoàn tàu bị đẩy đuổi đi hướng khác.
Tôi lần tìm rất nhiều ngư dân để phỏng vấn về Tri Tôn, nhưng mọi thứ vẫn vô vọng. Ngư dân mô tả, Trung Quốc xây dựng ngôi nhà trên đảo có hình dáng nhìn từ xa rất giống chiếc tàu. Nhiều cuộc phỏng vấn ngư dân giúp tôi tìm ra điểm chung, đó là vì đảo này gần Việt Nam và bị cưỡng chiếm nên bọn lính trên đảo luôn tỏ vẻ hung hăng, nhưng vẫn không giấu được sự run sợ. Có thể, nỗi sợ đó từ việc Trung Quốc cưỡng chiếm đảo không chính danh nên lo bị hận thù.
Gần 10 năm sau cuộc phỏng vấn các ngư dân Lý Sơn thì tôi mới gặp may, được 2 ngư dân ở Quảng Nam kể chuyện từng trèo lên đảo Tri Tôn.
Đảo Tri Tôn nằm cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ 121 hải lý. Đảo có địa hình là một cồn cát rộng, dài gần 2km, nằm trong nhóm đảo lớn ở quần đảo Hoàng Sa. Vì sao Tri Tôn lại quan trọng đến mức như vậy? Vì đây là một trong những điểm để Trung Quốc tạo cớ vẽ đường cơ sở 28 điểm, trong đó đảo Tri Tôn có 7 điểm. Những điểm nối này khiến Trung Quốc làm bàn đạp bành trướng rộng hơn về phía Việt Nam. Năm 2014, Trung Quốc từng kéo giàn khoan Hải Dương 981 ra vùng biển này, nhưng bị Việt Nam kiên quyết phản đối và tổ chức đấu tranh.
Đau đáu Tri Tôn
…Sạt, chiếc thúng câu mực của các ngư dân chạm vào bãi cát vàng vào một buổi bình minh trên biển. Ngư dân Huỳnh Hiệp ngó vô đảo thấy một dãy núi thấp, bờ cát trắng nguyên sơ; cách không xa là một ngôi nhà giống hình chiếc tàu thủy, một vài chiếc tàu tuần tra nhỏ, chiếc máy bay chuồn chuồn già nua bay tới bay lui. Đó là những hồi ức mà các ngư dân ở cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam từng đặt chân lên đảo Tri Tôn, nhớ lại.
Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực đảo Tri Tôn, anh em ông Sanh từng là cựu chiến binh nên không tỏ vẻ ngao ngán mà còn nói thẳng thừng “chừ giao cho tui khẩu B40 thì anh em tôi dẹp cái đó xong liền”.
Năm 1981, chàng thanh niên Huỳnh Hiệp rời chiến trường Campuchia về quê nhà, gia đình xem như “con được sinh lần thứ 2” thì năm 1982, người em trai là Huỳnh Khôi tiếp tục được gọi nhập ngũ, sang Campuchia, đến năm 1986 và trở về với thân thể lành lặn. Gia đình có 3 anh em trai đều hò nhau “thôi xuống thuyền đi câu mực khơi, nghề biển cực, nhưng cũng đỡ hơn hồi chiến trường K rất nhiều”.
Nghề câu mực thời đó xem như hái ra tiền. Vì giá vàng là 250.000 đồng/chỉ thì giá mực đã là 45.000 đồng/kg. Nghề câu mực khá nguy hiểm, vì tàu thuyền thô sơ, cứ nửa đêm thì vị thuyền trưởng nấu 12 gói mì tôm đổ vào bát rồi chạy đến 12 chiếc thúng để phân phát cho anh em. Biển Hoàng Sa thỉnh thoảng lại nổi một cơn dông trong đêm. Khi dông gió tan thì đoàn thúng trôi tứ tán, có thúng biến mất, có lúc tìm ra người, có lúc thì biệt tăm.
Sau 10 năm sống chết với nghề biển, anh em ông Hiệp sắm được chiếc tàu câu mực loại lớn. Mỗi khi mở biển, người em là Huỳnh Khôi cầm lái cho tàu chạy về hướng đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để lấy điểm, sau đó đi tiếp 24 giờ theo kim la bàn 120 độ là tới đảo Tri Tôn. “Cứ nhắm mắt chạy cũng trúng đảo” – ông Hiệp cười và nhớ lại. Tàu ra đảo và cứ buổi chiều thả thúng cho anh em đi câu, tới khuya thì thúng trôi về hướng đảo Tri Tôn, tàu mẹ cứ thế lẽo đẽo bám theo, tới sáng thì hòn đảo nằm sát bên hông tàu. Nhiều lần đoàn tàu và thúng trượt cả lên trên đảo. Tàu của ông Hà là người địa phương bị mắc cạn nên bọn lính Trung Quốc ra thu giữ hết mực.
Cứ sáng sớm, các ngư dân lại ngó về hòn đảo Tri Tôn, sau đó nhìn mặt nhau cười. Vì ngư dân ngồi thúng đi câu mực với chiếc đèn tre, sau này nâng cấp thành đèn lon, rồi tân tiến hơn thì sử dụng bóng đèn nối bình ắc quy. Thời câu mực với chiến đèn lon thì mặt mũi ai cũng đen nhẻm muội khói. Hiện nay các ngư dân câu được loại mực nhỏ (15 - 20 con/kg), còn thời đó thì số mực lớn câu được mỗi đêm phải tính bằng trăm, mỗi ngư dân câu được khoảng 200 con/đêm, mực ông vôi rất to (3 con nặng 1kg). Ngồi câu mực, các ngư dân phải liên tục thò tay xuống đo nước. Bởi mực giật lên bỏ đầy trên thúng rất nhanh và phải kiểm tra xem thúng bị chìm lút tới mức nào.
Ngày nào tàu cũng thả neo cách đảo Tri Tôn khoảng 1 - 2 hải lý. Từng nhiều lần lên đảo, vì vậy anh em ông Sanh, Hiệp, Khôi là những người mô tả tường tận nhất về đảo Tri Tôn. Đó là phía trong đảo có một cụm đèn xanh luôn bật sáng, phía ngoài gần đó là bãi san hô nằm ngang mặt nước có chiều dài khoảng 2 hải lý và khi thủy triều dâng cao thì thuyền nhỏ có thể băng qua được, một mặt đảo có bãi cát vàng dài đến 2 hải lý. Chi tiết “bãi cát vàng” này có thể cũng từng được các nhà hàng hải phương Tây mô tả và triều đình nhà Nguyễn gọi Hoàng Sa là đảo Cát Vàng.
Vì sao sự mô tả của anh em ông Sanh rất quan trọng, và những dấu chân của họ từng in trên đảo lại được tôi đặc biệt chú ý như vậy? Bởi vì từ năm 2000, tàu cá của bà con ngư dân Quảng Nam khi đi khơi về thì đều phải vòng tránh xa đảo trên 10 hải lý. Có những lần trời đổ dông bão, ngư dân cần phải đi men theo đảo để trở về nhà thì cũng không được yên thân. Hễ thấy tàu cá Việt Nam băng qua gần đó thì tàu chiến Trung Quốc lại rượt đuổi và nã súng đùng đùng.
Hòn đảo nằm gần Việt Nam nhất bị Trung Quốc cướp đoạt từ sau trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Có thể nỗi lo sợ vì không chính danh, nên bọn lính biến nơi này thành hang ổ giống như lãnh địa cướp biển, không cho tàu đến gần, thậm chí bắn như vãi đạn. Nhưng, sự hung hãn đó vẫn không thể làm chùn bước các ngư dân Việt Nam bám biển quê hương.