Khắc phục triệt để những tồn tại, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

VĂN SỰ 18/12/2020 16:52

(QNO) - Sáng nay 18.12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm (2010 - 2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị. Đến dự có ông Trần Văn Môn - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương.

Quang cảnh hội nghị diễn ra sáng nay 18.12.   Ảnh: VĂN SỰ
Quang cảnh hội nghị diễn ra sáng nay 18.12. Ảnh: VĂN SỰ

Thành quả lớn

Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh nhìn nhận, khi bắt tay triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn. “Khảo sát cho thấy, thời điểm cuối năm 2010, toàn tỉnh có 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó 48 xã chưa đạt tiêu chí nào. Lúc đó, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của tỉnh chỉ 2,61 tiêu chí/xã” - ông Tấn nói.

Ông Ngô Tấn cho hay, trong giai đoạn 2010 - 2020, bằng nhiều kênh vốn huy động, Quảng Nam đầu tư hơn 33.432 tỷ đồng cho chương trình NTM. Từ nguồn vốn này, 10 năm qua tỉnh ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất. Tính đến giữa tháng 12.2020 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 200 xã xây dựng NTM trên toàn tỉnh là 16,02 tiêu chí/xã, tăng 13,41 tiêu chí/xã so với năm 2010. Dự kiến, đến cuối năm nay cả tỉnh có 116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.

Những năm qua, đoàn viên thanh niên tích cực tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn. Ảnh: VĂN SỰ
Những năm qua đoàn viên thanh niên tích cực tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn. Ảnh: VĂN SỰ

Đáng ghi nhận là đến nay Quảng Nam có xã Đại Hiệp (Đại Lộc) đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn lên 12 xã, trong đó có 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Về xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, tính đến đầu tháng 12.2020 toàn tỉnh đã có 155 thôn được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn. Dự tính, đến cuối năm nay Quảng Nam sẽ có không dưới 180 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, vượt ít nhất 47 thôn so với mục tiêu đặt ra.

“Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, 10 năm qua diện mạo nhiều làng quê xứ Quảng không ngừng khởi sắc. Đặc biệt, nhờ lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh nên đời sống người dân ở khu vực nông thôn cải thiện đáng kể. Theo thống kê, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 40,5 triệu đồng, tăng 30,3 triệu đồng so với năm 2010. Hiện giờ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,3%, giảm hơn 18,9% so với năm 2010” - ông Ngô Tấn nói.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.     Ảnh: VĂN SỰ
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VĂN SỰ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thành quả đạt được trong 10 năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; làm cho người dân từ chỗ “thụ hưởng, bị động” chuyển dần sang “chủ thể, chủ động”. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ngày càng thể hiện rõ nét và hiệu quả hơn; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng bộ các giải pháp giai đoạn 2021 - 2025

Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, theo mục tiêu đặt ra, Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có 160 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 80%), trong đó có 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; có 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; phấn đấu trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2035. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh đến cuối năm 2025 còn 2,87%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.   Ảnh: VĂN SỰ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĂN SỰ

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, kết quả đạt được trong giai đoạn 2010 - 2020 chỉ là bước đầu của công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn lâu dài. Yêu cầu của sự phát triển là phải ngày càng nâng cao chất lượng và đảm bảo tính bền vững. Bởi, có những nội dung, tiêu chí mới chạm ngưỡng, rất dễ rớt chuẩn nếu không tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhất là về tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cũng cho thấy, không ít xã tuy đạt chuẩn NTM nhưng việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn; bình quân tiêu chí có sự chênh lệch lớn giữa các vùng; xây dựng NTM ở miền núi chưa đạt yêu cầu, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn rất lớn, số xã dưới 10 tiêu chí còn nhiều...

Các cấp, các ngành cần chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Ảnh: VĂN SỰ
Các cấp, các ngành cần chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Ảnh: VĂN SỰ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, các cấp, các ngành không được bằng lòng, thỏa mãn với những thành quả đạt được trong tiến trình xây dựng NTM 10 năm qua. Các xã và huyện, thị xã, thành phố đã đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thì càng không được tự bằng lòng mà cần phải phấn đấu quyết liệt hơn để nâng chuẩn bộ tiêu chí, nhất là xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

Từ năm 2021 - 2025 là giai đoạn rất khó khăn, vì hầu hết các xã thuận lợi đã đạt chuẩn NTM, những xã còn lại phần lớn là các xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội không thuận lợi, trong khi đó bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 được nâng lên rất cao. “Để đạt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đề ra, cần có một sự nỗ lực rất lớn, nhất là ở các địa phương miền núi. Tôi yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự quyết tâm cao nhất; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp” - ông Thanh nói.

Thời gian tới, phải đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo đầu ra cho nông sản và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.  Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian tới phải đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo đầu ra cho nông sản và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ảnh: VĂN SỰ

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị ngành liên quan và chính quyền các cấp thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong quá trình thực hiện những phần việc của chương trình NTM, phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đồng thời xây dựng lộ trình và giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng NTM phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Kiện toàn bộ máy giúp việc các cấp để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp, hiệu quả. Việc biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào “Chung sức xây dựng NTM” phải kịp thời nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Ngoài ra, phải ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đặc biệt, tập trung phát triển đa dạng các loại hình kinh tế nông thôn, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và thúc đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu, phát huy hơn nữa các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân.

“Kết quả bước đầu cho thấy, chương trình OCOP là cơ hội tốt để sản phẩm nông nghiệp - nông thôn của tỉnh tiếp cận nhanh với thị trường. Do vậy, các cấp, các ngành cần tập trung hơn nữa cho chương trình này trong thời gian tới. Đồng thời quan tâm giải quyết sớm, hiệu quả các vấn đề cấp thiết ở nông thôn như xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt... Tùy theo điều kiện ở từng địa phương, nghiên cứu thiết lập cụ thể và bài bản các phương án để việc xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn NTM và mô hình NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng mang lại thành công lớn, hướng nông thôn thành những vùng quê đáng sống” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tặng bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020.  Ảnh: VĂN SỰ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tặng Bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: VĂN SỰ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong xây dựng NTM, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ là quan trọng nhưng nguồn nội lực vẫn là chính. Vì thế, cần phải khơi dậy hơn nữa ý chí, khát vọng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Quảng Nam; thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn, thu hút đầu tư, phát huy cao nguồn lực xã hội hóa. Đặc biệt là phải rà soát, đánh giá hệ thống cơ chế, chính sách giai đoạn vừa qua, hoàn thiện cơ chế, chính sách mới theo hướng tạo động lực mạnh mẽ cho thực hiện chương trình trong giai đoạn mới...

VĂN SỰ