Gian nan tái thiết vùng cao - Bài 3: Lúng túng dựng lại không gian sống
Việc thiết kế lại không gian sống sau thiên tai ở vùng cao đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trước nhu cầu tìm chỗ ở lâu dài gắn với vùng sản xuất ổn định.
Làng bản bị xóa sổ, hạ tầng giao thông đổ nát. Ba tuần sau thiên tai, đường vào xã Phước Thành (Phước Sơn) mới được khơi thông. Riêng đoạn đường từ Phước Thành đi Phước Lộc chỉ mới thông tuyến cho xe máy, đi được vài ngày lại xảy ra sạt lở gây cô lập. Tại các huyện vùng cao, bài toán lập làng, tái định cư từng được đặt ra sớm nhưng đều vấp phải nhiều trở lực. Giờ đây, áp lực từ nguy cơ sạt lở càng gây khó cho tiêu chí chọn làng mới, nguồn lực, công tác bố trí tái định cư...
Mặt bằng ở đâu?
Chủ tịch UBND xã Phước Lộc - ông Lưu Huyền Thoại chỉ vào khoảng sạt lở lớn bên hông điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã nói, xung quanh khu vực trường có rất nhiều vị trí nguy hiểm tương tự. Ngoài ra, hệ thống nước sạch của 6 khu dân cư đều bị vùi lấp. Hạ tầng giao thông thiệt hại nặng nhất, tuyến ĐH4 từ Phước Công đi Phước Lộc bị cắt đứt hoàn toàn do lũ xóa sổ cầu Đăk Mét. Đường từ Phước Thành vào Phước Lộc đã sạt lở trở lại, mọi tuyến đường đi các thôn cũng bị ngăn cách bởi ngổn ngang đất đá. Không một mét kênh mương thủy lợi nào còn sót lại sau bão lũ.
“Cái khó nhất là mặt bằng. Xã đang kiến nghị cấp trên chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với xã để khảo sát, kiểm tra 3 vị trí dự kiến bố trí tái định cư tại thôn 3 (thôn 6 cũ), đồng thời bố trí kinh phí để đầu tư khu tái định cư cho nhân dân thôn 3 và 16 hộ dân thôn 1 để ổn định cuộc sống trước nguy cơ mưa bão trở lại năm nay và những năm tiếp theo. Riêng khu vực thôn 5A cũ, nguy cơ sạt lở rất cao, nhưng phương án tái định cư vẫn đang rất khó, xã kiến nghị xây kè để chống sạt lở cho khu này, cũng như một số công trình như trường học, UBND xã, khu bán trú của học sinh” - ông Thoại nói.
Tương tự Phước Lộc, mặt bằng vẫn là trở lực lớn nhất cho bài toán tái thiết ở xã Phước Thành. Theo ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã, địa phương không có quỹ đất bằng phẳng, ổn định địa chất để bố trí dân cư, việc sắp xếp, tìm vị trí thích hợp cần có sự khảo sát, tính toán của các ngành chức năng. Ngoài ra, kinh phí cho việc này chắc chắn sẽ rất lớn, đặt ra nhiều áp lực trong những năm tới, trong khi thiên tai vẫn diễn biến phức tạp theo từng năm.
Trong khi đó, tại Tây Giang, trước tình trạng mưa lũ khiến tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, việc bố trí đất tái định cư cho người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ríah Nhoóp - Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry (Tây Giang) cho hay, sau mưa lũ hàng loạt điểm mặt bằng tái định cư của địa phương cũng đang đứng trước nguy cơ cao về sạt lở. Để kịp thời ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng người dân, thời gian qua, xã Ga Ry đã huy động lực lượng triển khai di dời hàng chục ngôi nhà đến vị trí mới an toàn. Do khó khăn về mặt bằng nên việc bố trí chỗ ở tạm được thực hiện tại chỗ, đảm bảo cách xa các điểm sạt lở đất. Tuy nhiên, về lâu dài, chỗ ở người dân cũng phải được tính toán phù hợp, trên cơ sở “tái thiết” ổn định cả về mặt bằng và khu vực sản xuất.
Áp lực nguồn vốn
Khó khảo sát địa chất, địa hình để xây dựng tái định cư
Chia sẻ với thiệt hại của người dân, Chính phủ đã hỗ trợ mỗi hộ có nhà bị sập tối đa 40 triệu đồng, cùng với đó các doanh nghiệp hỗ trợ thêm để xây nhà kiên cố cho trường hợp có nhà bị hư hại hoàn toàn. Tuy vậy, theo lãnh đạo nhiều địa phương miền núi, quá trình khảo sát, đánh giá địa chất, địa hình, thủy văn của khu vực miền núi cần nhiều thời gian và tiền bạc. Thực tế nhiều năm nay, các địa phương đã gặp khó khăn nếu đầu tư các khu tái định cư tập trung để di dân ra khỏi vùng thiên tai. Có nhiều khu vực tái định cư, sắp xếp dân cư đang đối mặt với nguy cơ phải tái định cư thêm lần nữa, bởi làng nằm trong vùng sạt lở. Biện pháp cấp bách hạn chế thảm họa thiên tai là gấp rút đưa dân ra khỏi những vị trí gần sông suối, chân núi, nhưng nhiều năm nay tại các rẻo cao vẫn loay hoay với bài toán di dân. Bởi, vừa thiếu nguồn lực của địa phương vừa yếu năng lực cảnh báo thiên tai của ngành chức năng.
Chuyện thiết kế lại làng cho vùng cao không chỉ là chỗ ở, vùng sản xuất mà còn tính cả vị trí trường lớp. Mùa bão lũ năm nay, các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang và Phước Sơn đều bị ảnh hưởng bởi sạt lở, vùi lấp trường học, khu ký túc xá học sinh, nhà công vụ của giáo viên. Xây dựng trường lớp ở rẻo cao hầu như phải bạt núi san đồi, tốn nhiều kinh phí.
Ngành giáo dục tính toán, giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam cần hơn 2.200 tỷ đồng để thực hiện đề án hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi. Trong đó, ngân sách tỉnh cần 672 tỷ đồng, ngân sách huyện 1.162 tỷ đồng và huy động nguồn khác 402 tỷ đồng. Ngoài khó khăn chung về mặt bằng xây dựng, thì nguồn lực, chi phí bạt núi san đồi để xây dựng trường học cũng hạn chế do chủ trương cắt giảm đầu tư công.
Quỹ đất để sắp xếp lại dân cư ở 6 huyện vùng cao, chủ yếu tận dụng đất sản xuất nông nghiệp, lại không có nguồn vốn để thực hiện bồi thường, thu hồi đất và bố trí đất ở cho hộ trong vùng thiên tai. Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), giai đoạn 2017 - 2020 riêng sắp xếp dân cư hình thức tập trung và xen ghép theo Nghị quyết số 12, ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh là 2.500 hộ và Quyết định số 3150, ngày 29.8.2017 của UBND tỉnh là 2.800 hộ, với nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh dự kiến bố trí cho các địa phương 224 tỷ đồng nhưng chỉ mới đáp ứng hơn 25% so với nhu cầu. Chính sách di dân bao trùm nhiều đối tượng nhưng trên hết là dành nguồn lực ưu tiên cho các hộ bị ảnh hưởng thiên tai, có nguy cơ mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Tại huyện Nam Trà My, sau thời gian khảo sát, lực lượng chức năng đã lựa chọn được vị trí xây dựng khu tái định cư tập trung cho người dân vùng thiên tai Trà Leng nằm trên địa bàn giáp ranh giữa hai xã Trà Dơn và Trà Leng, quy mô diện tích 3ha. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, phải tốn khá nhiều thời gian lẫn tiền bạc để tạo ra diện mạo của làng mới, bởi ngoài việc tìm cho được mỗi hộ gia đình có tối thiểu 200m2 đất ở thì phải bố trí thêm đất vườn để họ chăn nuôi, sản xuất. Nếu làng mới chỉ thỏa mãn chuyện ở mà chưa đáp ứng cái ăn, đa dạng sinh kế thì khả năng đồng bào quay về làng cũ để tiếp tục sinh sống là rất cao.
Một nghịch lý khác, nhiều nơi có kinh phí sắp xếp dân cư vùng thiên tai nhưng tiến độ giải ngân rất thấp. Đơn cử như huyện Phước Sơn do không tìm ra mặt bằng bố trí đất ở theo hạn mức quy định, nên địa phương rất lúng túng trong việc di dân ra vùng thiên tai. Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Quảng cho hay, nhiều nơi địa phương tìm được quỹ đất ở thì lại xa nơi sản xuất, đồng bào chật vật tìm kế sinh nhai; trong khi đó ở vùng cao việc đầu tư san lấp mặt bằng bố trí tái định cư tập trung tốn một nguồn lực không nhỏ. Nhiều khu tái định cư chưa có hệ thống điện thắp sáng, đường giao thông nội bộ, còn người dân thì chưa nhận được khoản hỗ trợ đất sản xuất.
................................
Bài cuối: Cơ hội sau thiên tai