Hành động vì du lịch xanh
(QNO) - “Quyết tâm hành động để xây dựng Hội An trở thành điểm đến xanh, phát triển bền vững” là nội dung cam kết của các bên liên quan trong buổi tọa đàm tham vấn Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - Điểm đến xanh, giai đoạn 2021 - 2023 diễn ra ngày 12.12 tại TP.Hội An. Sự kiện do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp UBND TP.Hội An tổ chức.
Thôi nói, hãy làm!
Xử lý rác thải đã trở thành áp lực của TP.Hội An trong những năm gần đây. Giai đoạn cao điểm, bình quân mỗi ngày toàn thành phố thu gom khoảng 102 tấn rác thải, trong đó 2/3 lượng rác xuất phát từ các hoạt động du lịch.
Mặc dù Hội An đã ban hành nhiều chính sách phát triển bền vững như chuyên đề “Xây dựng TP.Hội An - Thành phố sinh thái”, triển khai dự án “Nâng cao nhận thức về 3R đối với chất thải rắn”, triển khai 5 nội dung về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, xử lý rác thải nhà bếp, giáo dục môi trường trong học đường, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trương…, tuy nhiên để hiện thực hóa điểm đến xanh vẫn là con đường dài phía trước.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, du lịch không rác thải và xây dựng thương hiệu “Hội An - Điểm đến xanh” là mục tiêu quan trọng để đưa khách về Hội An. Đến năm 2020 đã có 40 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải, phấn đấu đến năm 2024 - 2025 ít nhất 70 - 100 đơn vị có chứng nhận Nhãn du lịch xanh, hướng tới chuẩn bị hành lang pháp lý đệ trình chứng nhận Hội An, Quảng Nam là điểm đến du lịch xanh.
Thực tế, việc triển khai sản phẩm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm có trách nhiệm đã được nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An áp dụng thực hiện như thay đổi thói quen sử dụng rác thải khó phân hủy, biến rác thải thành tài nguyên hữu ích. Dù vậy việc áp dụng vẫn chưa được rộng rãi, nhất là trong cộng đồng dân cư.
Bà Huỳnh Thị Minh - Giám đốc điều hành khách sạn Golden Pearl cho rằng, chính quyền phải có giải pháp để thay đổi nhận thức người dân và doanh nghiệp để họ tuân thủ việc sử dụng rác nhựa chứ không chỉ nói suông. “Cù Lao Chàm đã không sử dụng bao ni lông từ nhiều năm nay, nhưng trong phố cổ tại sao chúng ta không làm được? Do vậy hãy đi vào thực tế, đừng hô hào nữa” - bà Minh nói.
Quyết tâm hành động
Câu chuyện rác thải dù luôn nóng bỏng nhưng không phải là vấn đề mới mẻ. Trong vài năm trở lại đây, du lịch xanh, thân thiện môi trường, du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu hướng đến của ngành du lịch và chính quyền TP.Hội An. Nhưng do chưa có những quy định pháp lý mang tính bắt buộc dẫn đến việc sử dụng rác thải nhựa trong cộng đồng và doanh nghiệp còn khá phổ biến.
Theo ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, địa phương luôn xác đinh bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột phát triển của thành phố. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài đòi hỏi công tác truyền thông, nâng cao nhận thức người dân phải được thực hiện thường xuyên, thời gian tới thành phố sẽ tập trung mạnh hơn cho vấn đề này. “Sự tác động, lan tỏa chưa như mong đợi nên đòi hỏi sự chung tay của doanh nghiệp, các tổ chức, tài chính để cùng Hội An hướng đến mục tiêu thành phố sinh thái, điểm đến du lịch xanh” - ông Lý chia sẻ.
Không phủ nhận, so với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đã làm được nhiều việc trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, doanh nghiệp lựa chọn du lịch xanh là hướng đi thông minh, nhất là trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, việc thực hiện nội dung điểm đến Hội An xanh là hoàn toàn khả thi và có thể đối với cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền Hội An.
“Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định, du lịch Quảng Nam phải là du lịch xanh. Tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách cho chương trình này. Hiện bộ tiêu chí du lịch xanh cũng đã bàn giao cho Hiệp hội Du lịch. Sắp đến chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp có ý kiến cụ thể hơn về bộ tiêu chí. Căn cứ vào ý kiến doanh nghiệp, tỉnh sẽ phê duyệt bộ tiêu chí để áp dụng trên toàn tỉnh, trong đó Hội An được tập trung thí điểm” - ông Tường thông tin.
Ngoài ra, sở sẽ xây dựng một kế hoạch cho 5 năm (2021 - 2025) về thương hiệu “Du lịch xanh Quảng Nam”, trong đó Hội An là trọng điểm. Đồng thời nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, đơn vị áp dụng du lịch xanh như hỗ trợ về công nghệ, đào tạo tập huấn, truyền thông quảng cáo… Cố gắng từ 40 doanh nghiệp tiên phong hiện nay xây dựng thành phong trào rộng lớn, các doanh nghiệp tham gia cam kết. Trong đó, các điểm du lịch do Nhà nước quản lý sẽ tiên phong để tạo nên sự đồng bộ, thúc đẩy sự thành công, góp phần nâng tầm thương hiệu, giá trị TP.Hội An lớn hơn, bền vững hơn.