Quảng Nam với chiến lược quảng bá quốc tế năm 1935

THANH BIÊN 13/12/2020 06:44

Trong chiến lược phát triển miền Trung, xứ Quảng Nam được người Pháp đặc biệt chú trọng trong việc quảng bá những giá trị đặc trưng ra thế giới bên ngoài, với những di sản văn hóa Chămpa, cảng thị Hội An, những ngành nghề thủ công nổi tiếng như dệt lụa, mía đường ven sông Thu Bồn hay như ngành khai mỏ vàng Bồng Miêu, than Nông Sơn...

Lược đồ du lịch Quảng Nam (Hồ sơ 1659 RSA).
Lược đồ du lịch Quảng Nam (Hồ sơ 1659 RSA).

Giám đốc tờ báo Monde colonial illustré (Thế giới Thuộc địa có hình ảnh minh họa) của Pháp đã có ý tưởng xuất bản một số báo đặc biệt dành cho xứ Đông Dương nói chung và Annam nói riêng (Hồ sơ 1659 RSA, phông Khâm sứ Trung Kỳ).

Từ đó, Khâm sứ Trung Kỳ đã yêu cầu Công sứ các tỉnh gửi tài liệu kèm theo hình ảnh giới thiệu về địa phương mình để xuất bản trong số báo đặc biệt năm 1935. Tỉnh Quảng Nam là một trong những tỉnh đã có bài giới thiệu tỉ mỉ, hấp dẫn, tạo nên nhiều ấn tượng cho bạn đọc bởi vẻ đẹp đặc trưng, cùng với nhiều địa danh nổi tiếng, những công trình kiến trúc độc đáo. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu nội dung Quảng Nam xưa trong số báo này, từ nguồn tài liệu lưu trữ.  

Giao thông

Theo bài giới thiệu, xứ Quảng Nam có tới 120km đường biển và 150km chiều rộng, có một phần nhượng địa của người Pháp tại Đà Nẵng trong vai trò là cảng thị trung tâm của Trung Kỳ. Đương thời, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam đóng tại Hội An, cách Đà Nẵng 32km, cách Huế 132km về phía đông nam, cách Quảng Ngãi 95km về phía tây bắc theo Quốc lộ 1. Quốc lộ 1 đi qua tỉnh Quảng Nam, từ hướng tây bắc đến hướng đông nam, đèo Hải Vân nằm ở Km73 + 300.

Hệ thống đường xá trong tỉnh rất tốt, biển báo giao thông đường bộ đầy đủ, tuy nhiên cần chú ý thận trọng với những biển báo trước khi qua những cây cầu do hay bị che khuất. Việc đi qua đèo Hải Vân thật khó khăn vào mùa mưa hoặc bị mây che. Đường sắt nối Đông Dương đi qua các tỉnh, song song với Quốc lộ 1, nhiều đoạn phải chui sâu trong những hầm. Ga Kỳ Lam cách trung tâm Hội An 16km về phía tây, tới thị trấn bằng tỉnh lộ 100 và Quốc lộ 1. Dịch vụ tàu khách và tàu chở hàng từ cảng Đà Nẵng đến cảng Quảng Nam là 32km. Đối với khách du lịch đi bằng máy bay có thể đáp ở nhà ga sân bay Đà Nẵng.

Sản vật

Quảng Nam trồng nhiều cây nông nghiệp, cả người bản xứ và đồn điền người Âu đều trồng các loại cây chủ yếu như lúa, ngô, thuốc lá, dâu tằm, cau, mía đường, chè, quế và đậu phộng... Trong lĩnh vực công nghiệp, có mỏ vàng Bồng Miêu, đã được giao cho Công ty khai thác mỏ và nông nghiệp Đông Dương, với sản lượng khoảng 1kg vàng thô/ngày. Ngoài ra còn có khai thác cát để sản xuất thủy tinh tại Nam Ô, khai thác mỏ than ở Vĩnh Phước và Nông Sơn, sản xuất tơ lụa thì chỉ mới dừng lại ở quy mô hộ gia đình.

Quảng Nam là vùng đất có nhiều đặc sản, nổi tiếng là tổ yến thu hoạch ở đảo Cù Lao Chàm, nằm gần cửa sông Thu Bồn về hướng đông. Bắp thẻ lùn là giống bắp lùn hạt nhỏ, được người Pháp đánh giá cao khi dùng chế biến làm thức ăn cho động vật. Cây quế nổi tiếng ở Trà My, người đồng bào trồng quế ở trong rừng, còn người Kinh trồng trong vườn tại các vùng núi Trà My, Phước Sơn, Tân An. Thuốc lá ở Cẩm Lệ và cây mây ở Tân An cũng rất nổi tiếng.

Công trình kiến trúc

Hội An là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, nơi tập trung nhiều thương nhân Hoa kiều, là thị trường quan trọng, có cảng sông, trước đây từng là cảng biển trọng yếu của xứ Trung Kỳ, mặc dù đến đầu thế kỷ 20, tình hình giao thương buôn bán tại đây có phần giảm sút. Tam Kỳ là trung tâm đô thị gắn liền với tỉnh Quảng Nam, nằm không xa Hội An. Nơi đây có cảng sông lớn, những chiếc thuyền mành chở quế của vùng đồng bào miền thượng thường cập bến để giao thương.

Những phong cảnh và công trình kiến trúc nổi bật ở xứ Quảng được liệt kê từ bắc vào nam theo Quốc lộ 1 gồm có Đèo Hải Vân (nằm ở km77) là nơi có thành lũy cổ thời Nguyễn. Bà Nà nằm ở km98 và tỉnh lộ 120, nơi này mở cửa từ tháng 6 đến tháng 9, độ cao trung bình 1.450m. Đà Nẵng nằm ở km100 trên Quốc lộ 1. Tháp Bằng An trên tỉnh lộ 100. Thành Quảng Nam nằm ở km 122 trên Quốc lộ 1. Hội An cách Quốc lộ 1 độ 10km về phía đông, có cầu Nhật Bản, chùa Hoa, biển Cửa Đại. Các di tích khác còn có thánh địa Mỹ Sơn, Đồng Dương. Núi Ngũ Hành Sơn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam, có chùa và đền thờ xây trong các hang động, được tạo nên bởi những ngọn núi đá vôi, có nhiều hang động, gồm các ngọn núi được định vị theo ngũ hành: kim, hỏa, thổ, thủy và mộc.

Du lịch

Đi du lịch ở Quảng Nam, du khách được trải nghiệm săn bắn ở Trà My với những con thú hoang lớn như voi, hươu, nai. Về lễ hội thì ngoài những lễ hội được tổ chức thường niên, ở Quảng Nam hầu như không có một lễ hội nào dành riêng cho khách du lịch. Ở khu nghỉ dưỡng Bà Nà có khách sạn Morin Frères hoạt động vào mùa hè, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9. Người ta có thể tắm biển ở biển Cửa Đại, bãi tắm cát có phi lao bao quanh, tiếc là nơi đây không có khách sạn. Trong khu vực trung tâm ở Hội An và Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam, chưa có một khách sạn nào của người Âu hay người Việt đủ khả năng đón tiếp khách thương gia hạng sang.

Trong vấn đề đi lại, đã có nhiều xe hoạt động dịch vụ xe buýt trên tuyến Hội An - Đà Nẵng. Còn xe ô tô công cộng nối chặng Hội An - Đà Nẵng chủ yếu là phục vụ du lịch cho người bản xứ, chưa đáp ứng được những tiện nghi cho khách du lịch châu Âu. Vả lại khách du lịch đến Hội An thường không có ô tô riêng mà họ thường thuê xe ở Đà Nẵng.

Từ các nguồn tài liệu lưu trữ, có thể thấy được Quảng Nam gần trăm năm trước là một vùng đất có nền nông nghiệp, công nghiệp phát triển và đặc biệt thu hút nhiều khách tham quan du lịch. Và người ta đã tính tới chiến lược quảng bá quốc tế trên một tạp chí danh tiếng thế giới của Pháp để mong muốn đưa Quảng Nam ra khắp thế giới và đưa du khách, các nhà đầu tư, thương mại quốc tế về với Quảng Nam. Quảng Nam ngày nay cũng cần xây dựng chiến lược quảng bá quốc nội và quốc tế để phát triển, tương xứng với tiềm lực, tiềm năng của xứ Quảng.

THANH BIÊN