Thuận tự nhiên và nâng sức chống chịu

QUỐC TUẤN 12/12/2020 13:16

Diễn biến của thiên tai đang là mối quan tâm thường trực của cộng đồng bởi xu hướng diễn ra ngày càng khốc liệt. Nhiều hình thái thiên tai hoàn toàn có thể dự báo được từ xa dựa vào dữ liệu khoa học. Quảng Nam Cuối tuần ghi nhận những chia sẻ của TS.Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai xoay quanh câu chuyện về thiên tai, thời tiết ở địa phương thời gian qua và cả trong tương lai.

 

Dựa vào cứ liệu khoa học

* Ông có thể phân tích một chút về nguyên nhân của những đợt thiên tai dồn dập vừa qua ở miền Trung?

TS. Nguyễn Ngọc Huy. Ảnh: Q.T
TS. Nguyễn Ngọc Huy. Ảnh: Q.T

TS.Nguyễn Ngọc Huy: Trong diễn biến khí tượng có ba thời đoạn, đầu tiên là hình thái trung tính (Elso) là những năm mưa thuận gió hòa theo mùa; thứ hai là giai đoạn El Nino là năm xảy ra hiện tượng hạn hán không mưa hoặc lượng mưa rất ít dù trong mùa mưa; và thứ ba là hiện tượng La Nina khiến mưa như thác đổ. Như tôi đã cảnh báo trước đó thì hiện tượng La Nina có đã có dấu hiệu từ tháng 5.2020 khiến hiện tượng mưa cực đoan xảy ra dồn dập tại miền Trung trong thời gian vừa rồi.

Chúng tôi nhận biết được điều này qua việc sử dụng thông tin đo đạc tại biển Thái Bình Dương. Khi bề mặt nước biển ở khu vực đông Thái Bình Dương giảm từ 0,5 độ C trở xuống so với trung bình chung nhiều năm thì đó là dấu hiệu La Nina quay lại, khiến cho hiện tượng không khí lạnh đi từ bờ biển đông sang biển tây thường xuyên với gió đông, gió đông bắc. Cả hai đới gió này đều mang không khí lạnh. Khi các đới gió đấy gặp phải bề mặt biển nóng tại Philippines kiểu gì cũng sẽ tạo thành xoáy thuận hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Đó là lý do chúng tôi dự đoán dài hạn được về bão. Dựa vào thông tin đo đạc bề mặt biển, chúng tôi có thể dự đoán xa được ít nhất 2 tuần. Tất nhiên, đây chỉ là một nguồn tham khảo để người dân nào theo dõi có thể chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.

* Nhận định của ông về xu thế thời tiết từ đây đến cuối năm?

TS.Nguyễn Ngọc Huy: Đỉnh điểm của La Nina đã qua vào giai đoạn cuối tháng 10 đến tháng 11 vừa rồi. Khi đó, bề mặt nhiệt độ nước biển lúc cực đoan nhất, thấp hơn trung bình nhiều năm đến 1,5 độ C. Phải đến hết tháng 1.2021 thì hiện tượng La Nina mới kết thúc, nên từ giờ đến đó vẫn còn xác suất về một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung trong tháng 12 nếu các đợt không khí lạnh không về kịp. Cơ bản, vẫn sẽ xuất hiện xen kẽ một vài đợt mưa nhưng xu hướng không cực đoan như thời gian vừa rồi nữa. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan bởi vẫn có khả năng sẽ còn bão vào biển Đông và nó có xu hướng di chuyển lệch về hướng nam. La Nina cũng khiến thời tiết lạnh hơn trung bình nhiều năm vì vậy người dân làm nông nghiệp, nhất là những người trồng hoa bán vào dịp Tết Nguyên đán cần cân nhắc tính toán bổ sung ánh sáng để kích thích hoa trổ đúng vụ.  

Ảnh hưởng của la nina khiến mùa mưa bão năm nay khốc liệt hơn nhiều năm. Ảnh: Q.T
Ảnh hưởng của la nina khiến mùa mưa bão năm nay khốc liệt hơn nhiều năm. Ảnh: Q.T

Nâng cao sức chống chịu

* Hiện tượng nước biển dâng cũng đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay, thưa ông?

TS.Nguyễn Ngọc Huy: Việt Nam đã có kịch bản nước biển dâng do biến đổi khí hậu trên cơ sở kịch bản phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế. Có ba loại hình nước biển dâng: do thủy triều, do siêu bão và do băng tan ở Bắc Cực. Vùng đô thị Hội An - Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi tác động từ nước biển dâng. Năm 2070, mực nước biển ở khu vực này có thể tăng lên tầm 30cm so với hiện nay và đến cuối thế kỷ này sẽ tăng nhanh đột ngột có thể lên đến 1 mét. Khi đó, nhà cửa và sinh kế của một bộ phận cộng đồng ven biển chắc chắn sẽ bị tổn thương.

* Vì sao sạt lở ở biển Hội An có xu hướng lan dần về phía bắc, thưa ông?

TS.Nguyễn Ngọc Huy: Tôi không nghiên cứu kỹ về sạt lở ở Hội An - Đà Nẵng, tuy nhiên hiện tượng sạt lở đều có nguyên lý chung. Sóng đánh vào bờ phụ thuộc vào hướng gió. Vào mùa gió chướng có hai loại hướng gió ảnh hưởng đến khu vực ven biển Hội An - Đà Nẵng, đó là gió đông bắc yếu hơn (mạnh nhất là cấp 6 khi vào gần bờ) và gió mạnh hơn hướng từ đông và đông nam mang nhiều chướng. Các loại gió này khiến sóng biển đánh theo hướng chéo và chéo hướng nào cũng gây sạt lở dù đông bắc hay tây nam. Ngoài ra, việc nạo vét dòng chảy không thuận tự nhiên cũng như hạ lưu sông thiếu phù sa bồi tụ vào mùa khô cũng gây ra sạt lở ở các khu vực cửa sông ven biển.

* Vậy đâu là giải pháp tốt nhất để ứng phó với sạt lở và rộng hơn là thiên tai, thưa ông?

TS.Nguyễn Ngọc Huy: Trong khoa học, chúng tôi dùng từ nâng cao sức chống chịu. Hệ lụy bắt đầu từ việc phát triển, tạo ra các nhu cầu. Khi nhu cầu lớn, chúng ta đuổi theo các nhu cầu, đến khi chúng ta không tự cung cấp đủ các nhu cầu thì sẽ bị chơi vơi. Tôi kể một câu chuyện, ngày trước tôi làm nghiên cứu về hạn hán ở Lào, Campuchia, Pakistan, Bangladesh nên việc sống chung với nắng nóng rất bình thường. Nhưng một thời gian dài làm việc trong phòng kín điều hòa, về nhà cũng bật điều hòa nên bây giờ cảm giác chỉ ra ngoài tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng một chút là không chịu nổi. Cách chúng ta tìm đến sự tiện nghi làm giảm đi khả năng phục hồi, tự chống chịu của mình.

Để ứng phó với hiện tượng thiên nhiên, thời tiết cực đoan thì phương án lùi trả lại thiên nhiên những gì thuộc về nó là khả dĩ nhất bởi càng cố bảo vệ, vươn ra chống chọi thì những khu vực lân cận càng bị tác động nặng nề hơn. Đối với sạt lở bờ biển tôi không ủng hộ phương án kè cứng và thực tế đã có nhiều bài học về việc kè cứng sẽ khiến các bãi biển thơ mộng hoàn toàn biến mất. Muốn ứng phó với sạt lở phải có phương án kè đồng bộ thì mới mong hiệu quả. Phương án bền vững nhất về dài hạn chính là trồng cây, tôi đi khắp miền Trung, nơi nào còn kín rặng phi lao thì bờ biển còn nguyên vẹn. Nhưng phương án trồng cây cần khoảng thời gian rất dài, rất khó “ăn xổi”.

Ngoài ra, tôi muốn đưa ra thông điệp về tính cộng đồng, ví dụ trong các cơn bão lớn tôi cố gắng nhắn mọi người cần sơ tán tại chỗ, đến nhà cao tầng. Cách sơ tán này giảm thiểu tối đa chi phí và rủi ro. Muốn như vậy phải xây dựng quan hệ cộng đồng làng xóm mỗi ngày chứ không đợi đến thiên tai xảy ra. Điều này tạo ra sự bền vững, nâng cao sức chống chịu của cộng đồng.

Không chủ quan

* Ông có thể phân tích về tần suất của các đợt thiên tai khốc liệt trong tương lai?

TS.Nguyễn Ngọc Huy: Không thể dự báo được về thời điểm quay lại của La Nina. Lần gần nhất La Nina xuất hiện là vào năm 2017, tuy nhiên cũng có thời điểm nó xuất hiện liên tục như các năm 2011, 2012. Trong nghiên cứu thiên tai, chúng tôi thường dùng mốc lịch sử thiên tai. Nguyên tắc là một nơi nào đó từng xảy ra mức độ thiên tai lớn như thế thì nó hoàn toàn có thể lặp lại. Ở đây chúng ta cần tính tần suất thiên tai. Tôi lấy ví dụ, để tính toán kịch bản phát triển lâu dài cho miền Trung nói chung thì cần dùng tần suất lũ 20 năm, cụ thể năm 1999 xảy ra trận lũ rất lớn, đến năm 2020 lặp lại trận lũ tương tự. Đấy là lúc chúng ta dùng tần suất lũ 20 năm. Ngoài ra tùy cụ thể từng khu vực, đô thị cụ thể chúng ta cần nhìn lại quá khứ có cơn thiên tai nào lớn hơn không? Từ đó sẽ xây dựng kịch bản phù hợp. Khi nghiên cứu kỹ và nắm được các thông tin này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm kinh phí đầu tư, bảo toàn tài sản, tính mạng cho cộng đồng.

* Ông có thể gợi ý giải pháp để cộng đồng địa phương hạn chế rủi ro trong bối cảnh lũ lên xuống liên tục trong thời gian ngắn?

TS.Nguyễn Ngọc Huy: Ở nhiều vùng, đơn cử như Hội An, người dân đã tích lũy được kinh nghiệm “sống chung với lũ”. Mặc dù vậy, việc ứng phó với các đợt lũ dao động liên tục rất vất vả, còn nếu chủ quan thì thiệt hại nặng nề. Do vậy địa phương có thể nghiên cứu phương án lắp hệ thống camera ở cầu, cống hay tại một số vị trí phổ biến lụt hay lên và xây dựng hệ thống về thời gian thực, hoạt động 24/24h. Khi đó, phần lớn cộng đồng đều biết rõ vị trí đó, kết hợp thêm với thông tin dự báo nước có tiếp tục lên không thì sẽ dễ nhận định, phán đoán hơn về ảnh hưởng của đợt lũ lụt đến gia đình mình từ đó đưa ra quyết định dọn dẹp, sơ tán hợp lý.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

QUỐC TUẤN