Những chuyến bay với sứ mệnh đặc biệt
Trong lúc những lô hàng vắc xin Covid-19 rục rịch ra lò để cung cấp khắp thế giới, kế hoạch bảo quản và vận chuyển hàng tỷ liều vắc xin trong điều kiện nghiêm ngặt nhất đang được các hãng hàng không toàn cầu chú trọng.
Ngày 8.12.2020, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu mở chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) sản xuất. Đây cũng là một trong những loại vắc xin Covid-19 đầu tiên của thế giới. Các chuyên gia y tế cho biết, việc vận chuyển cực kỳ phức tạp, do vắc xin Covid-19 của Pfizer và BioNTech luôn phải được giữ ở nhiệt độ âm 70 độ C. BioNTech cho biết những liều thuốc đầu tiên được chuẩn bị nhiều ngày trước khi sang Anh. Mỗi hộp vài nghìn liều được đóng gói bằng đá khô để giữ chúng ở nhiệt độ như Nam Cực.
Trước đó, Anh đặt mua 40 triệu liều nhưng trong đợt đầu tiên này, 800 nghìn liều vắc xin được bào chế tại Bỉ được đưa sang Anh bằng đường hầm xuyên biển giữa Anh - Pháp. Tuy nhiên, Anh lên kế hoạch dùng máy bay quân sự chở hàng triệu liều vắc xin Covid-19 vào đầu năm tới để đảm bảo thời gian cũng như giảm thiểu nguy cơ chậm trễ tại các cảng do Brexit gây ra.
Trên thực tế, việc vận chuyển vắc xin Covid-19 sẽ không chỉ dành cho các hãng hàng không mà còn có nhiều phương tiện khác như ô tô, tàu hỏa, tàu thủy tham gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh các loại vắc xin được yêu cầu bảo quản chặt chẽ, vận chuyển nhanh chóng khắp thế giới thì phương tiện đường không đặc biệt được ưu tiên.
Trong khi các nhà kho ở sân bay Frankfurt (Đức) đang được làm lạnh thì Deutsche Lufthansa AG - một trong những hãng vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, chuẩn bị đội bay và lắp ráp các khoang hàng hóa cho nhiệm vụ đặc biệt, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng triệu liều vắc xin vốn được kỳ vọng chấm dứt khủng hoảng y tế toàn cầu kéo dài một năm qua.
Ngay cả chiếc Airbus A330 của hãng hàng không Sri Lanka cũng đã được chuyển đổi thành máy bay vận chuyển hàng hóa vào tháng 6 vừa qua để sẵn sàng chuyên chở vắc xin Covid-19 đạt hiệu quả nhất. Thorsten Braun, một quan chức của Lufthansa cho biết, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu giảm mạnh trong năm nay. Song, đây là lúc nhiều chuyến bay sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chưa từng có, vận chuyển hàng tỷ liều thuốc đến mọi nơi trên toàn cầu, như một sứ mệnh của thế kỷ.
Giám đốc điều hành Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) - ông Alexandre de Juniac nói: “Đây sẽ nhiệm vụ hậu cần lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay”. IATA ước tính cần đến 2 năm để cung cấp khoảng 14 tỷ liều vắc xin cho tất cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông trên trái đất. Với vắc xin Covid-19 của Pfizer - BioNTech được cho là vắc xin thành công nhất hiện nay với hiệu quả trên 95% và phải được vận chuyển ở nhiệt độ âm 70 độ C, các công ty có kế hoạch sử dụng cảm biến nhiệt hỗ trợ GPS để theo dõi vị trí và nhiệt độ của từng lô vắc xin. Các hãng hàng không sẽ dựa vào các thùng chứa chuyên dụng của Pfizer để làm lạnh thuốc.
Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) thảo luận với các hãng hàng không trong vấn đề phân phối vắc-xin Covid-19 đến hàng chục nước nghèo và các nước đang phát triển trên toàn cầu, nơi cơ sở hạ tầng từ vận chuyển đến bảo quản rất hạn chế. Tháng trước, PT Garuda Indonesia - hãng hàng không quốc gia Indonesia được chứng nhận vận chuyển vắc xin Covid-19 cho đảo quốc - ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với khoảng 600 nghìn trường hợp, bao gồm 20 nghìn ca tử vong do Covid-19 đến nay. Indonesia cũng phải đối mặt với thách thức hậu cần với dân số khoảng 273 triệu người trải rộng trên quần đảo lớn nhất thế giới.