Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Việt Nam là hình mẫu về giảm nghèo’
(QNO) - “Chừng nào còn có người dân bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi. Chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ như trên khi phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, sáng 11.12.
Theo người đứng đầu Chính phủ, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội và mang đậm tình người.
Tỷ lệ ngân sách dành cho phúc lợi xã hội cao nhất ASEAN
Thủ tướng khẳng định sau hơn 30 năm, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.
Nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết dù ngân sách còn nhiều khó khăn, Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước.
“21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội là mức cao nhất trong các nước ASEAN”, Thủ tướng nói.
Trong đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết chúng ta có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với các góc độ khác nhau. Tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% năm 2015 đã giảm xuống còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo.
Về kết quả giảm nghèo, Thủ tướng thông báo đến nay 100% xã đã có đường ôtô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện.
100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí. Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo.
"Không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng"
“Những việc chúng ta đã làm được tuy là điểm sáng trên thế giới, vẫn còn khiêm tốn so với những thách thức trước mắt”, Thủ tướng nói. Thách thức mà ông đề cập chính là hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề, những tổn thương từ biến đổi khí hậu và thiên tai thường xuyên xảy ra…
Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.
Theo người đứng đầu Chính phủ, "giảm nghèo là công việc của cả trí tuệ và trái tim”. Ông đề nghị quan tâm đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm; quan tâm đến dân trí, giáo dục, dạy nghề, nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác, Thủ tướng cho rằng cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo, từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.
Thủ tướng dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”. Từ đó, ông cho rằng “chừng nào còn có người dân bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi, chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này”.
“Lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng nhưng quan trọng nhất là tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng”, Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.