Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt 70 triệu

NAM VIỆT 11/12/2020 15:27

(QNO) - Tốc độ lây nhiễm bệnh Covid-19 trên thế giới nhanh chưa từng thấy trong 24 giờ qua với 650 nghìn ca nhiễm mới, trong đó có 12 nghìn ca tử vong.

Nhiều nước khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập đông người nhân mùa Giáng sinh sắp tới nhằm ngăn chặn lây nhiễm Covi-19. Ảnh: happinessishomemade
Nhiều quốc gia khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập đông người nhân lễ hội Giáng sinh nhằm ngăn chặn Covid-19. Ảnh: happinessishomemade

Theo trang web thống kê Worldometers, tính đến sáng nay 11.12, thế giới ghi nhận 70,7 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, bao gồm gần 1,6 triệu ca tử vong.

Đúng như khuyến cáo của các chuyên gia y tế Mỹ, việc hàng triệu người dân nước này di chuyển khắp nơi nhân dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving) cách đây 2 tuần là một trong những nguyên nhân góp phần khiến số ca lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ hiện tăng cao kỷ lục.

Đến ngày 11.12, quốc gia chịu thiệt hại nhất do Covid-19 này ghi nhận hơn 16 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 300 nghìn ca tử vong. Kể từ ngày 7.12, khoảng 20 triệu dân Nam California lại bị phong tỏa, đa số công sở phải đóng cửa.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện quá tải, nhân viên y tế kiệt sức vì đại dịch, chính quyền và chuyên gia y tế kêu gọi người dân Mỹ nên giảm bớt việc tụ tập đông người trong lễ hội Giáng sinh tới cũng như dịp năm mới 2021 ngay cả khi vắc xin Covid-19 có thể sắp được chấp thuận ban hành.

Một ủy ban độc lập cố vấn cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 10.12 ủng hộ việc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer, mở đường để FDA cho phép dùng vắc xin này được tiêm chủng cho dân chúng Mỹ.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành cũng như rầm rộ lên kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin đại trà cho người dân, châu Phi kêu gọi các nước chia sẻ vắc xin Covid-19 cho lục địa này.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) thuộc Liên minh châu Phi - tiến sĩ John Nkengasong nói các quốc gia đã đặt mua nhiều vắc xin Covid-19 hơn mức họ cần nên xem xét phân phối liều lượng dư thừa cho châu Phi - nơi bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19.

Vắc xin Covid-19 của hãng dược Pficer đang được tiêm đại trà tại Anh. Ảnh: Afp
Vắc xin Covid-19 của hãng dược Pfizer đang được tiêm đại trà tại Anh. Ảnh: Afp

Nhiều quốc gia châu Phi đang dựa vào COVAX - một kế hoạch phân bổ vắc xin Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng dẫn đầu, đang nỗ lực để giảm giá vắc xin và không khuyến khích tích trữ.

“Nếu châu Phi không được hỗ trợ đúng mức, chúng ta sẽ không thể chiến thắng đại dịch ở bất kỳ đâu một cách hiệu quả” - Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói.

Bên cạnh kêu gọi người dân lục địa thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa căn bản như thường xuyên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đảm bảo giãn cách xã hội, CDC đang làm việc với Afreximbank và Ngân hàng Thế giới (WB) để tìm cách gây quỹ cho việc mua sắm vắc xin cần thiết cho khu vực.

Nhiều quốc gia châu Á cũng đang chứng kiến số ca nhiễm corona tăng mạnh trở lại. Hàn Quốc cho biết sẽ huy động lực lượng quân đội ở thủ đô Seoul để giúp nhân viên y tế tuyến đầu trong lúc số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này hơn 600 trong những ngày gần đây.

Diễn biến xấu đi của corona buộc Hàn Quốc phải dùng đến các container vận chuyển để thiết kế thành giường bệnh nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế đang bị thiếu không gian điều trị.

NAM VIỆT