Tiếp tục rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện nhỏ - Bài cuối: Cân nhắc triển khai dự án
Sau những đợt mưa lũ do bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các ngành, địa phương liên quan rà soát, báo cáo về tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo.
Hàng loạt thủy điện đã bị loại bỏ
Theo ông Mạc Vĩnh Châu - Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương), quan điểm nhất quán của chính quyền tỉnh là dứt khoát từ chối các dự án thủy điện nhỏ “đụng” đến các khu dân cư, đất rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, cũng như không nhận được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Bằng chứng là giai đoạn trước năm 2010, ít nhất có 18 dự án thủy điện vừa và nhỏ loại khỏi quy hoạch. Tại xã Phước Mỹ (Phước Sơn) 2 dự án thủy điện nhỏ là Đắk Se 2 và Đắk Se; 4 dự án Sông Giằng 1, Sông Giằng 2, Sông Giằng 3 và Sông Giằng 4 thuộc địa bàn huyện Nam Giang đều bị từ chối xây dựng do ảnh hưởng đến vùng lõi lẫn vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Thậm chí các dự án thủy điện nhỏ dù ít ảnh hưởng đến khu dân cư, khu tái định cư, đất sản xuất cũng bị loại bỏ, như các thủy điện Thượng Pà Dồn, Pà Dồn (xã Zuôih, Nam Giang), Sông Bui, Nước Nát (xã Trà Bui, Bắc Trà My).
Quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện bậc thang trên các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn (thủy điện lớn do Bộ Công Thường quản lý) và các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Quảng Nam (do địa phương quản lý) đã có từ hàng chục năm trước đây và đã qua nhiều lần rà soát, điều chỉnh, bổ sung.
Đặc biệt, sau những đợt lũ lịch sử trong hai thập kỷ vừa qua, vấn đề phát triển thủy điện càng được cân nhắc kỹ. Theo đó, hàng loạt thủy điện đã được đưa ra khỏi quy hoạch; đồng thời, quy trình đầu tư và vận hành thủy điện cũng được yêu cầu chặt chẽ, nghiêm khắc hơn. Đặc biệt, các dự án thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng tự nhiên và dân cư đều được loại bỏ.
Theo Sở Công Thương, đến thời điểm này, Quảng Nam chỉ còn 46 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch được duyệt. Trong đó, có 10 thủy điện bậc thang trên hệ thống lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn do Bộ Công Thương quản lý và 36 dự án vừa và nhỏ (chủ yếu là thủy điện nhỏ) do tỉnh quản lý.
Hiện đã có 22 dự án hoàn thành việc xây dựng, đi vào vận hành phát điện với tổng công suất hơn 1.273MW. Trong số này, có 9 nhà máy thuộc quy hoạch bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và 13 nhà máy thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Trong số thủy điện vừa và nhỏ, có 8 dự án thủy điện đang thi công xây dựng (trong đó có dự án Đắk Di 2) với công suất thiết kế 319,4MW.
Ông Mạc Vĩnh Châu – Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết, so với các tỉnh phía Bắc, kể cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên, số lượng phát triển thủy điện nhỏ tại Quảng Nam là không nhiều. Từ năm 2010 đến nay, sau khi rà soát xem xét toàn diện lợi – hại, được – mất, đánh giá hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất loại bỏ ra khỏi quy hoạch hàng chục dự án thủy điện nhỏ.
Đơn cử, gần đây nhất là năm 2016, sau khi rà soát, HĐND tỉnh đã loại bỏ 2 dự án thủy điện Nước Xa, ở xã Trà Mai (Nam Trà My) và AgRồng (xã A Tiêng, Tây Giang) do công suất siêu nhỏ, hiệu quả đem lại thấp, lại ảnh hưởng lớn đến diện tích đất các loại. Sau đợt rà soát năm 2012, 2 dự án thủy điện khác là Hà Ra (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) và Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) cũng bị loại khỏi quy hoạch do công suất quá nhỏ, ảnh hưởng đến đất rừng, khu dân cư…
Tiếp tục rà soát, đánh giá
Hiện nay, miền núi có nhiều dự án đưa vào quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Quang cho biết, sở được UBND tỉnh giao nhiệm vụ rà soát lại tất cả dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các dự án thủy điện vừa và nhỏ, nhất là các dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư.
Về quy hoạch thủy điện đến năm 2030, Sở Công Thương cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án thủy điện vừa và nhỏ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất thiết kế là 223,6MW. Tất cả dự án này đều phải được rà soát, để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục cân nhắc. Như vậy, “số phận” của nhiều dự án thủy điện nhỏ sẽ được định đoạt trong năm 2021.
Đánh giá hiệu quả các dự án thủy điện, Sở Công Thương cho rằng, gần đây dù sản lượng điện sản xuất trên địa bàn giảm, nhưng trong giai đoạn 2015 – 2019, các nguồn phát điện sản xuất mỗi năm từ 3.100 triệu kWh đến 5.150 triệu kWh, ngoài đảm bảo nhu cầu cung ứng điện cho toàn tỉnh còn cung cấp cho lưới điện quốc gia. Sở này tính toán, với đóng góp bình quân 0,8 tỷ đồng/1MW/năm (gồm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, dịch vụ chi trả môi trường rừng và tiền thuê đất, thuê diện tích mặt nước) thì khi đi vào hoạt động, tất cả dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh sẽ tạo nguồn thu ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng/năm.
Thời điểm này, có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ đang thi công, quan điểm của Sở Công Thương là tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ cam kết. Hiện tại, Quảng Nam không xem xét, đề xuất cấp mới bất cứ dự án thủy điện nào; 16 dự án trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Theo Bộ Công Thương, với các dự án thủy điện thuộc quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm các dự án đang nghiên cứu đầu tư và chưa nghiên cứu đầu tư, cần được tiếp tục rà soát, xem xét điều chỉnh quy mô, sơ đồ khai thác để đánh giá cụ thể, nếu có ảnh hưởng, yêu cầu không xem xét tiếp tục nghiên cứu, đầu tư.
Đối với các dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát để bổ sung vào quy hoạch, nếu có ảnh hưởng đến đất rừng, Bộ Công Thương sẽ không xem xét để đưa vào quy hoạch. Riêng các dự án thủy điện đang thi công xây dựng, đã hoàn thành và đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, UBND tỉnh sẽ kiến nghị dừng triển khai hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.