Lệ Bắc khát khao có cầu

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 10/12/2020 09:29

(QNO) - Từ nhiều năm nay, khoảng 300 hộ dân với 1.300 nhân khẩu ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) phải chịu cảnh cô lập mỗi khi mưa lũ ùa về. Mong ước một cây cầu để xóa bỏ cảnh đò ngang cách trở dường như vẫn còn quá xa vời.

Nhiều trắc trở

Chúng tôi về Lệ Bắc khi mưa lũ đã tạm ngưng nhưng con đường độc đạo dẫn vào làng vẫn còn nhiều vũng nước chắn ngang đường. Dắt xe đạp đi qua đoạn đường lún đầy cát, bà Trương Thị Điểm - người dân trong thôn vừa cho biết, thiên tai năm nay quá khắc nghiệt, gần 2 tháng qua, người dân nơi đây có đến 8 lần bị nước lũ cô lập. Mọi sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc vào con đò nhỏ. Thương nhất là các em học sinh, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất và ướt sũng nước.

Đường về Lệ Bắc nhiều gian nan, trắc trở.    Ảnh: T.P
Đường về Lệ Bắc nhiều gian nan, trắc trở. Ảnh: T.P

“Cách đây mấy năm, ông Trương Sáu là chú ruột của tôi bị nước cuốn trôi khi cố gắng trở về nhà. Riêng các đợt mưa lũ vừa rồi có 2 người cùng 2 chiếc xe máy cũng bị nước cuốn trôi. Rất may người dân địa phương phát hiện kịp thời và cứu nạn, cứu hộ thành công” – bà Điểm nói thêm.

Theo ông Lê Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu, trường hợp nước lớn, địa phương bố trí chiếc đò và hợp đồng với một người có bằng lái đò để đưa bà con nhân dân thôn Lệ Bắc qua lại hai bên bờ sông Thu Bồn. Việc đưa đò cũng chỉ bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều mỗi ngày, ban đêm không hoạt động vì quá nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Bấp cập nữa là khi nước sông chỉ hơn nửa mét thì không thể dùng đò vì quá cạn, ghe thuyền không di chuyển được. Đồng thời, nước lúc này sẽ chảy rất mạnh. Nhiều lần địa phương tuyên truyền, cắm biển báo nhưng một số người vẫn bất chấp lội qua.

Vào mùa mưa lũ, người dân Lệ Bắc phải chịu cảnh qua sông lụy đò.     Ảnh: T.P
Vào mùa mưa lũ, người dân Lệ Bắc phải chịu cảnh qua sông lụy đò. Ảnh: T.P

“Mười năm trở lại đây, 11 người dân khi cố tình lội qua vùng ngập nước đã bị nước cuốn trôi, tử vong, xe máy cũng trôi theo nhiều vô kể. Để hạn chế những tai nạn rủi ro tương tự, gần đây mỗi lần nước lũ tràn về, xã cử người cảnh giới 2 đầu để tránh việc người dân bất chấp lội qua vùng nước ngập mất an toàn” – ông Hưng nói.

Cũng theo lời ông Lê Văn Hưng, thôn Lệ Bắc là một trong những vùng chuyên canh các loại cây hoa màu lớn nhất ở huyện Duy Xuyên với diện tích lên đến 180ha, tất cả đều được quy hoạch theo ô bàn cờ, dồn điền đổi thửa và đầu tư hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu. Tuy nhiên, việc giao thông cách trở đang là rào cản lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế ở địa phương, nhất là khâu tiêu thụ nông sản.

Một số đoạn lún đầy cát, người dân phải dắt xe.  Ảnh: T.P
Một số đoạn lún đầy cát, người dân phải dắt xe. Ảnh: T.P

Ước mơ có một cây cầu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên tiếp các đợt mưa lũ lớn hồi tháng 10 và 11 vừa qua, tuyến đường độc đạo dẫn về Lệ Bắc bị xói lở nghiêm trọng khiến các loại phương tiện như xe máy, xe đạp, ô tô không thể qua lại. Trước tình hình này, người dân thôn Lệ Bắc góp công, góp của thuê phương tiện cơ giới gia cố lại tuyến đường, phục vụ tạm thời việc đi lại.

Người dân Lệ Bắc vừa ra quân khắc phục sạt lở tuyến đường độc đạo dẫn về thôn. Ảnh: T.P
Người dân Lệ Bắc vừa ra quân khắc phục sạt lở tuyến đường độc đạo dẫn về thôn. Ảnh: T.P

Bà Nguyễn Thị Năm – người dân địa phương cho biết, cuối tuần qua gia đình bà cùng tham gia sửa đường với mong muốn con cháu đi học dễ dàng, hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi. “Người dân nơi đây luôn khát khao có một cây cầu để chấm dứt cảnh qua sông lụy đò. Tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để dân Lệ Bắc thoát cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa lớn, nhất là không xảy ra những trường hợp thương tâm do đuối nước” - bà Năm bộc bạch.

Theo ông Hồ Xuân Tám - Trưởng thôn Lệ Bắc, cách đây vài ngày, người dân địa phương và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tự nguyện đóng góp gần 10 triệu đồng, 220 công lao động gia cố mặt đường, chống sạt lở hai bên ta luy, đảm bảo cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa với các vùng lân cận.

“Khi mùa mưa lũ ùa về, sông Thu Bồn chảy qua địa bàn thôn Lệ Bắc tạo thành con lạch. Hơn 45 năm qua, mưa lũ khiến con lạch này sạt lở dần. Và từ đó, con lạch trở thành một con sông lớn ngăn cách, cô lập cả thôn Lệ Bắc. Người dân muốn qua chợ, học sinh muốn đến trường cũng phụ thuộc vào con nước. Vì vậy, Lệ Bắc khát khao có một cây cầu kiên cố để đi lại thuận lợi nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực” - ông Tám chia sẻ thêm.

Một chiếc xe chở hàng hóa không vững tay lái khi đi qua tuyến đường độc đạo dẫn vào thôn Lệ Bắc.    Ảnh: T.P
Một chiếc xe máy chở hàng hóa không vững tay lái khi đi qua tuyến đường độc đạo dẫn vào thôn Lệ Bắc. Ảnh: T.P

Theo ông Lê Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu, trong điều kiện nguồn ngân sách của xã và huyện Duy Xuyên còn hạn hẹp thì việc đầu tư xây dựng cây cầu với quy mô chiều dài khoảng 300m, bề rộng mặt cầu 3,5m tại vị trí đã được quy hoạch với nguồn vốn gần 40 tỷ đồng nằm ngoài khả năng của địa phương.

“Tôi rất mong tỉnh, trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí nhằm khắc phục triệt để tình cảnh qua sông lụy đò mỗi khi mưa lũ về, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt là thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển” – ông Hưng nói.

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH