Ưu tiên phát triển sản xuất và khắc phục thiên tai
Dịch bệnh, thiên tai đã để lại di chứng nặng nề cho nền kinh tế. Quan điểm của chính quyền tỉnh Quảng Nam là ưu tiên phát triển sản xuất và khắc phục thiên tai. Mọi kế hoạch đầu tư đều hướng đến hạ tầng thiết yếu, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội.
Không “vỡ trận” ngân sách
Bản báo cáo tổng hợp 44 ý kiến thảo luận dài 17 trang tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa IX (bế mạc hôm qua 8.12) đề cập hầu hết lĩnh vực kinh tế - xã hội địa phương.
Những ý kiến “tranh luận” hay chất vấn của đại biểu xoay quanh vấn đề cơ chế, chính sách đất đai bất cập, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đầu tư hạ tầng thủy sản tương xứng... Đại biểu Vũ Văn Thẩm cho rằng, kế hoạch đầu tư công dường như ít đề cập việc phân bổ vốn cho các hoạt động kinh tế nông lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Cần thiết kế những chương trình để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp.
Đề cập cơ chế thi tuyển công chức, viên chức và vấn đề cải cách hành chính, đại biểu Hà Đức Tiến nói, tại sao việc thi tuyển công chức, viên chức vẫn chậm chạp, cải cách hành chính ì ạch, cho dù chuyện này đã được luận bàn nhiều lần.
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sự thiếu thống nhất về kinh phí nên thi tuyển công chức, viên chức trễ. Tuy nhiên, ngay trong tháng 12 này, các cuộc thi tuyển công chức, viên chức sẽ được mở (ngày 7.12 vừa qua đã diễn ra kỳ thi tuyển viên chức giáo viên - PV). Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố, thi tuyển công chức, viên chức sẽ được mở hàng năm, cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Phần lớn đại biểu xác nhận, khủng hoảng do đại dịch, thiên tai đã khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn, dẫn đến tăng trưởng âm, hụt thu ngân sách là điều dễ hiểu. Sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy suy giảm. Kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương vẫn là điều không dễ thực hiện. Phải mất nhiều năm nữa nền kinh tế địa phương mới có thể hồi phục.
Đại biểu Đặng Tấn Phương nói, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai bùng phát, thì tăng trưởng, thu ngân sách... không khả quan là điều dễ hiểu. Song nỗ lực điều hành linh hoạt của chính quyền không để thiếu hụt các nhiệm vụ chi đã là thành công.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, lịch sử điều hành chưa năm nào khó khăn như 2020. Hiện có 5/17 chỉ tiêu không hoàn thành. Nhất là tốc độ tăng trưởng âm đến 7% và hụt thu ngân sách. Tuy nhiên, so sánh với các nền kinh tế liên vùng, quy mô GRDP Quảng Nam khoảng 94.000 tỷ đồng, thấp hơn Đà Nẵng chút ít, nhưng gấp 1,7 lần Thừa Thiên Huế; gấp 1,1 lần so với Quảng Ngãi, Bình Định. Không hụt thu 6.000 - 7.000 tỷ đồng như dự kiến mà chỉ khoảng 3.100 tỷ đồng; và nếu Trường Hải cam kết thực hiện đúng số nộp thuế thì hụt thu sẽ chỉ còn 2.000 tỷ đồng. “Hụt thu lớn. Gặp khó khăn nên đã điều chỉnh chi tiêu triệt để. Cân đối ngân sách không bị vỡ trận. Khả năng sẽ có nguồn lực để phục hồi các dự án đã bị cắt giảm, dừng lại và dự lường được những tình huống xấu” - ông Thanh nói.
Tính toán kế sách phát triển
Dịch bệnh được kiểm soát tốt. Nhưng, khó khăn sẽ không dừng lại. Không ai dự đoán được thời điểm dịch bệnh kết thúc. Kinh tế địa phương không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực riêng lẻ mà còn chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh toàn cầu, khả năng phục hồi của các nền kinh tế, của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm chính là giải phóng mặt bằng, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm để tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần vào tăng trưởng. Đại biểu Nguyễn Viết Dũng nói, nhân lực văn phòng đất đai tỉnh mỏng, không đủ điều kiện để có thể giải phóng mặt bằng, xử lý hồ sơ đất đai…, khiến nhiều dự án bị vướng. Rất cần một cơ chế hay quyết định xã hội hóa công tác này cho các doanh nghiệp tư nhân.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện đã tổng hợp, thống kê thiệt hại về giống cây trồng, con vật nuôi, nhưng cơ quan quản lý chỉ hỗ trợ tiền cho địa phương, người dân chủ động mua giống khôi phục sản xuất. Vẫn chờ trung ương hỗ trợ khi có đơn vị cung ứng. Theo thống kê mới nhất từ UBND tỉnh, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 1.800 tỷ đồng. Quan điểm của chính quyền Quảng Nam là phải ưu tiên nhanh chóng khôi phục sản xuất, khắc phục thiên tai; tính toán kế sách phát triển khu vực miền núi. Hỗ trợ đầu tư nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tích tụ đất đai, quan tâm đến giao thông miền núi nhưng phải có đánh giá cụ thể, chứ không phải bất cứ nơi nào ảnh hưởng bởi sạt lở cũng phải được tái thiết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thiên tai đã đặt ra câu hỏi việc phát triển miền núi như thế nào? Những thiệt hại, thách thức hiện hữu nhưng cũng vừa là cơ hội để soi rọi và thiết kế lại các chương trình phát triển bền vững cho miền núi và tất cả vùng miền tại Quảng Nam. Quan điểm của chính quyền là tập trung phục hồi sản xuất, kinh tế, khắc phục thiên tai với một tầm nhìn xa hơn, rộng hơn và bền vững hơn. Nâng cao các giải pháp tháo gỡ ách tắc giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Kế hoạch đầu tư công năm 2021 - 2025 là phải tập trung khắc phục các công trình hạ tầng sản xuất, đủ điều kiện ứng phó với thiên tai.