Giải trình làm rõ trách nhiệm, vấn đề được cử tri quan tâm
(QNO) - Sáng nay 8.12, theo chương trình Kỳ họp thứ 20, đại biểu HĐND tỉnh khóa IX tiến hành thảo luận chung tại hội trường; đồng thời kết hợp chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Giám đốc Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ liên quan đến các nội dung được cử tri quan tâm.
Điều chỉnh 82 dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc
Trả lời nội dung chất vấn về vai trò, trách nhiệm của Sở Xây dựng trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến trình trạng khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc trước đây do Ban Quản lý Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc tham mưu quản lý, phát triển. Từ công tác quy hoạch đến kêu gọi đầu tư của khu đô thị này được UBND tỉnh phân cấp ủy quyền toàn diện cho Ban Quản lý Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Đến 30.6.2017, Ban Quản lý Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được nhập về UBND thị xã Điện Bàn. Chính quyền địa phương tiến hành rà soát và nhận thấy hạ tầng của khu đô thị này không đồng bộ. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh cho dừng các dự án lại để rà soát quy hoạch trước khi triển khai thực hiện.
Từ ngày 1.7.2017, UBND tỉnh đã thống nhất cho dừng các dự án để giao cho UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, rà soát lại quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch chung 1/2.000 Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 124, UBND tỉnh đã phê duyệt 3 quy hoạch phân khu 1/2.000 với 3 giai đoạn. Trên cơ sở 3 quy hoạch phân khu này, Ban Quản lý Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 82 đồ án quy hoạch 1/500.
Theo ông Nguyễn Phú, qua rà soát cho thấy, trong suốt thời gian Ban Quản lý Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc quản lý, khu đô thị chưa đầu tư được hạ tầng khung. Thêm nữa 82 dự án độc lập này được phê duyệt rời rạc, không có sự khớp nối. Nếu 82 dự án được triển khai đồng bộ hết sẽ dẫn tới tình trạng không khớp nối được thoát nước, giao thông giữa khu đô thị mới và khu dân cư hiện hữu.
Chính vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Sau đó, UBND thị xã Điện Bàn điều chỉnh quy hoạch, đến năm 2019 tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu giai đoạn 1, 2 và 3 tại Quyết định 1253; trên cơ sở rà soát lại 3 phân khu và khớp nối 82 đồ án quy hoạch. Đến nay, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có sự điều chỉnh đồng bộ, 3 phân khu 1/2.000 này đã hoàn thiện đầy đủ từ quy hoạch, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; hạ tầng kỹ thuật giao thông, thoát nước của khu đô thị với khu dân cư hiện hữu.
Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư của 82 dự án này rà soát lại và điều chỉnh quy hoạch 1/500 cho phù hợp với quy hoạch phân khu 1/2.000. Cơ bản các chủ đầu tư đã điều chỉnh theo yêu cầu. Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tất cả dự án này. Các chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật để trình Sở Xây dựng thẩm định.
“Các dự án đã hoàn chỉnh nhưng chưa được cấp phép xây dựng vì theo quy định phải có thủ tục giao đất thì lúc đó mới triển khai. Hiện nay, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm được giao đất và cấp phép xây dựng. Trong quá trình xây dựng, sở sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thi công theo quy hoạch phê duyệt và nghiệm thu khi hoàn thành” - ông Phú phát biểu.
Nhận diện lại sự phát triển bền vững ở miền núi
Thay mặt UBND tỉnh giải trình làm rõ thêm các nội dung được nêu ra tại các phiên thảo luận tổ và thảo luận chung ở hội trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, năm 2020 là một năm lịch sử của Quảng Nam. Chưa bao giờ tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn như năm nay, kể cả dịch bệnh Covid-19, thiên tai, hụt thu ngân sách. Có 5/17 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao thực hiện không hoàn thành, phản ánh rõ sự khó khăn; bên cạnh đó là sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo của UBND tỉnh dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Phân tích đầy đủ đối với 2 chỉ tiêu quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP và thu ngân sách năm 2020, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trước những khó khăn phải đối mặt, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt điều chỉnh chi tiêu, kể cả đầu tư công và chi thường xuyên và triệt để thực hành tiết kiệm. Nhờ vậy tỉnh đã cân đối được ngân sách, không bị “vỡ trận” do hụt thu ngân sách.
“Cho đến nay, chúng ta đã kiểm soát được tình hình, nguồn thu ngân sách ở thời điểm cuối năm tăng lên rõ rệt, giúp giảm hụt thu. Do đó, lần này UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét cho phục hồi một số công trình, dự án đã hoàn thiện các thủ tục, dự kiến triển khai năm 2020” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bày tỏ.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thiệt hại do thiên tai gây ra vô cùng lớn, đặt ra yêu cầu cần phải bắt tay khắc phục ngay ở thời điểm cuối năm 2020 và tập trung cho cả năm 2021.
“Tình trạng sạt lở ở khu vực miền núi đặt ra một vấn đề về phát triển bền vững khu vực miền núi sẽ như thế nào. Chúng ta nhận diện thiên tai gây ra thiệt hại, thách thức nhưng cũng là cơ hội để nhận diện lại sự phát triển bền vững của khu vực miền núi. Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, quan điểm của UBND tỉnh là phải tập trung khắc phục các công trình, hạ tầng sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, nhất là khu vực miền núi...” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Về một số giải pháp trọng tâm năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, các cấp ngành, địa phương phải tập trung thực hiện ngay chương trình hành động của Tỉnh ủy. Trong đó, vừa tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa chăm lo phục hồi kinh tế đi đôi với thúc đẩy phát triển sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung vốn đầu tư giải quyết các vướng mắc và triển khai ngay 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, nhất là ưu tiên các dự án trọng điểm ở khu vực đồng bằng và khu vực trung du, miền núi. Đầu tư công phải có hiệu quả hơn, tập trung nâng cao tỷ lệ giải ngân, giải quyết những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính
Liên quan đến kỷ cương, kỷ luật hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, đúng là việc thực thi các chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh còn rất chậm. Các kết luận về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận sau các buổi tiếp công dân được các cấp ngành, địa phương triển khai chậm. Các vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật cũng triển khai chậm.
“Với tư cách của người đứng đầu tôi nhận trách nhiệm này mặc dù đã có đôn đốc, chỉ đạo; nhưng đặc điểm của năm 2020 như đã phân tích dẫn đến nhiều khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan; dẫn đến mặc dù đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt bằng nhiều biện pháp nhưng tiến độ công việc rất chậm. Năm 2021 là năm khởi đầu cho giai đoạn mới, công tác cải cách thủ tục hành chính phải được đẩy mạnh, tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, cùng quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.