Một bến nước bình yên

LÊ THÍ 06/12/2020 06:27

An Tân là địa danh thuộc huyện Núi Thành. Đây là nơi gặp nhau giữa đường thiên lý Bắc - Nam (nay là Quốc lộ 1) với sông An Tân. Chữ An Tân nguyên nghĩa là “bến nước bình yên” nhưng lại nằm ở vị trí chiến lược nên trước đây nơi này không thực sự bình yên như tên gọi của nó!

Sông An Tân. Ảnh: LÊ THÍ
Sông An Tân. Ảnh: LÊ THÍ

Sông An Tân

An Tân là tên dòng sông nhỏ nằm ở cực nam của tỉnh Quảng Nam, nay thuộc địa phận huyện Núi Thành. Sông gồm hai nhánh nhỏ, một từ xã Tam Trà chảy xuống, một từ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) băng qua xã Tam Nghĩa nhập vào. Hai dòng gặp nhau ở xã Tam Mỹ, chảy thêm một đoạn rồi đổ vào đầm An Thái và đổ ra biển thông qua cảng Kỳ Hà. Nếu men theo thượng lưu theo nhánh sông ở phía xã Tam Nghĩa khi qua khỏi đồi Yên Ngựa (tức Núi Thành) sẽ gặp địa danh Cống Đá (ngày trước gọi là Nha Não), một di tích lịch sử.

An Tân được sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả: “Sông Bản Tân (Bến Ván): ở cách huyện Hà Đông 52 dặm về phía nam, có hai nguồn: một nguồn từ núi Ô La nguồn Hữu Bang, một nguồn từ núi Nha Não, chảy về phía đông qua ấp Tân An thì hai dòng hợp nhau làm sông Bản Tân (Bến Ván) rồi chảy về phía đông bắc vào đầm An Thái, đổ ra cửa biển Đại Áp” (Nxb Thuận Hóa, 2006, trang 364).

An Tân là sông ngắn chỉ dài hơn 10km chảy theo hướng Tây - Đông. Sông xuất phát từ vùng đồi núi thấp không có nhiều phụ lưu và chi lưu. Giữa sông An Tân chảy ở cực nam của tỉnh và sông Cu Đê chảy ở cực bắc của tỉnh có nhiều nét tương đồng: Đó là hai dòng sông ngắn, nằm cách ranh giới tỉnh bạn chưa đầy 10km, được kết hợp bởi hai dòng chảy từ hai phía bắc - nam, có một dòng phát xuất từ ngoài tỉnh, và cả hai đều đổ vào hai vịnh biển. Đặc biệt nhất là cả hai sông không có vai trò quan trọng lắm về mặt kinh tế (thủy lợi, giao thông vận tải) nhưng lại có vai trò quan trọng về mặt quân sự và lịch sử. Trên cả hai con sông thời trước đều có đặt nhiều cơ sở quan trọng.

Ăn theo tên dòng sông ngày nay chúng ta gặp nhiều tên An Tân. Đó là hai cây cầu (một đường bộ và một đường sắt), một nhà ga, một ngôi chợ và một khu dân cư.

Khu dân cư An Tân vốn ngày trước là nơi gặp nhau giữa đường thiên lý Bắc - Nam và dòng sông. Chữ An Tân với nghĩa là một bến nước bình yên được bắt nguồn từ đây.

Địa danh An Tân đã thay đổi qua nhiều thời kỳ: Thời các chúa Nguyễn, An Tân được ghi song hành bằng hai tên Bến Ván và Bản Tân. Theo sách địa bạ thời Gia Long (1814) nơi này có tên là Bến Ván quán, hoành độ ấp (ấp Bến Ván có quán và đò ngang). Năm 1824, Bến Ván được đổi thành An Tân; tên ấy giữ mãi đến nay. Đầu tiên An Tân (Bến Ván, Bản Tân) thuộc Liêm hộ tứ chánh của dinh Quảng Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, An Tân thuộc xã Vân Trai, huyện Hà Đông. Thời Việt Nam Cộng Hòa, An Tân thuộc xã Kỳ Liên quận Tam Kỳ rồi quận Lý Tín (1962). Sau 1975, An Tân thuộc xã Tam Nghĩa huyện Tam Kỳ rồi huyện Núi Thành và hiện nay thuộc thị trấn Núi Thành huyện Núi Thành.

Trầm tích lịch sử An Tân

An Tân nằm ở vị trí đặc biệt nên được nhắc nhiều trong sử sách.

Đây là trạm cuối cùng trong hệ thống nhà trạm trên đường thiên lý Bắc - Nam đi qua Quảng Nam. Thời chúa Nguyễn gọi là trạm Bến Ván, thời nhà Nguyễn gọi là trạm Vân Trai rồi Nam Vân. Sách Phủ biên tạp lục có viết: “…Từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá, sông Tam Kỳ, quán Phú Khang đến sông Bàu Bàu (Bà Bầu) hết một ngày. Từ sông Bàu Bàu qua quán Trà Lý, quán Cây Kinh, chợ Cầu Ông Bộ, (bên đường gần núi) quán Lẻ, quán Cát (hai xứ đều cát và bụi rậm, tục gọi là Cát) đến sông Bến Ván hết một ngày…” (trang 121).

Đại Nam nhất thống chí viết cụ thể hơn: “Trạm Nam Vân ở xã Vân Trai huyện Hà Đông, cách trạm Nam Kỳ 34 dặm, 101 trượng, phía nam đến trạm Ngãi Bình 121 trượng linh, nguyên trước là trạm Vân Trai, năm Minh Mạng thứ 3 đổi tên hiện nay” (trang 375).

Thời Tây Sơn, sông An Tân là ranh giới giữa phần lãnh thổ của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, vì vậy An Tân là một đồn binh được canh gác nghiêm ngặt.

Nằm ở vị trí quan trọng về quân sự kiểm soát cả hai tuyến đường bộ và đường sông nên thời nhà Nguyễn ở đây có một tấn sở (là đồn binh canh giữ cửa biển, cửa sông). Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Tấn Bản Tân (Bến Ván) ở cách huyện Hà Đông 52 dặm về phía nam, thủ sở ở ấp An Tân có quan quân canh giữ, xét hỏi những người qua lại, có hai đường rẽ, một đường lên phía tây đến nguồn Hữu Bang, một đường xuống phía đông xuống tấn Đại Áp (trang 374).

Địa danh An Tân luôn được đề cập trong các sự kiện lịch sử  quan trọng. Năm 1775, sau trận thua quân Trịnh ở Cẩm Sa, quân Nguyễn Nhạc lui dần về phía nam rút toàn bộ quân về đóng ở Bản Tân để ngăn đoàn quân của Hoàng Ngũ Phúc tiến vào. Sách Việt sử xứ Đàng Trong viết: “Ngày 24, Hoàng Đình Thể đến Cẩm Sa, quân Tây Sơn đội khăn đỏ, mình trần xông vào đánh bừa, không đợi thành trận… Hoàng Đình Thể nhắm phía Tây Sơn thúc voi tiến đánh. Quân Tây Sơn hoặc bị giết hoặc bị voi giày, chết không xiết kể, bèn vỡ trận… Hoàng Đình Thể sai quân đuổi theo. Tây Sơn thủy quân thì do cửa Đại Chiêm ra biển, bộ binh thì nhắm Quảng Ngãi mà chạy... Quân Trịnh bắt được quân lính, quân nhu khí giới rất nhiều… Còn Nguyễn Văn Nhạc và Lý Tài chạy về đóng quân ở Bến Ván, quyết cự chiến…” (trang 279).

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Năm Đinh Tý đầu thời Trung Hưng, đại binh tiến đánh Quảng Nam, sai Phó tướng Trần Văn Biện và Binh bộ Nguyễn Đức Thiện đem quân vào đóng ở Bản Tân để ngăn đường viện binh của giặc” (trang 346).

Sách Đại Nam liệt truyện khi nói về danh tướng Nguyễn Văn Trương đã ghi: “Trương tiến đến cửa biển Đại Cổ Lũy ở Quảng Ngãi, đánh phá kho Trà Khúc, đốt chỗ chứa lương, đô đốc của giặc là Tuấn bỏ chạy, Trương thừa thắng đến thẳng cửa biển Đại Áp tỉnh Quảng Nam, đánh hạ được đồn Bản Tân, lấy được 27 con voi trận...”. Trận này khi kịch chiến với quân Tây Sơn, cây kích của Nguyễn Văn Trương bị gãy làm đôi. Ông dùng nửa cây còn lại để chiến đấu. Khi kết thúc trận đấu ông cho chôn cây kích ở ngay Bến Ván. Với thông tin một đại tướng bách chiến bách thắng như Nguyễn Văn Trương phải chôn vũ khí lại và bắt được 27 con voi trận của địch, chứng tỏ đây là một đồn binh lớn và trận chiến diễn ra hết sức ác liệt.

Ngày nay bến đò An Tân tuy không hoạt động nhộn nhịp như trước đây nhưng thực sự là một bến nước bình yên. Đến đây ta sẽ thấy trời mây non nước toàn một màu xanh lơ, xanh đến nao lòng.

LÊ THÍ