Nối “hai đầu tàu” với miền di sản

HÀ SẤU - KHÁNH LINH 06/12/2020 06:23

Một mối liên kết “trong mơ” giữa hai trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội đồng thời là điểm thu hút, trung chuyển khách du lịch lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - khu vực sở hữu hệ thống di sản văn hóa đồ sộ và tài nguyên thiên nhiên phong phú, hiếm có. Nếu các bên có sự liên kết, tương tác bài bản sẽ tạo ra hấp lực vô cùng lớn cho ngành du lịch quốc gia, nhất là khai phóng tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng ở miền Trung.  

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra ngày 27.11 tại Quảng Nam. Quảng Nam Cuối tuần ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành du lịch, cơ quan quản lý địa phương và các doanh nghiệp về giải pháp thúc đẩy sâu rộng mối liên kết này trong thời gian tới.

Thời gian tới khu vực miền Trung sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các sản phẩm để thu hút khách nội địa. Ảnh: S.L
Thời gian tới khu vực miền Trung sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các sản phẩm để thu hút khách nội địa. Ảnh: S.L

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận có chiều sâu nội hàm du lịch văn hóa

 

Bộ VH-TT&DL rất ủng hộ và tâm đắc với quyết tâm của 7 tỉnh, thành trong việc thực hiện liên kết này. Theo tôi có lẽ 5 tỉnh, thành và 2 thành phố lớn sau khi ký kết cần chỉ đạo ngay cho cơ quan chuyên môn - cụ thể là Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL phải định vị sâu sắc hơn vị thế của từng địa phương, từ đó nhìn ra vị thế tổng thể của vùng. Tôi biết từng địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã định vị lợi thế riêng trong phát triển du lịch của mình nhưng cần phải xem xét lại nếu đặt trong tổng thể liên vùng 5 tỉnh thì nó có hài hòa và thực sự là lợi thế chưa?

Nên chăng tiếp cận sâu hơn nữa nội hàm của du lịch văn hóa. Ở đây tôi muốn đề cập yếu tố con người. Nguồn nhân lực để phát triển du lịch vô cùng quan trọng. Lâu nay, người dân miền Trung được biết đến với tính cách thân thiện, nhiệt tình, chất phác, yêu lao động. Chính họ có thể tạo ra sản phẩm và gìn giữ sản phẩm du lịch. Sự thân thiện của người dân bản địa, chính sách cởi mở cùng chủ trương cải cách hành chính của chính quyền địa phương là yếu tố cốt lõi để níu giữ du khách chứ không chỉ là vẻ đẹp của các danh thắng, di tích. Hay nói cách khác, giá trị văn hóa thấm đẫm chính là yếu tố “thổi hồn” cho ngành du lịch miền Trung. Tôi mong muốn các địa phương cùng Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp cận ở phương vị này để làm sâu sắc hơn việc định vị lại giá trị du lịch, thế mạnh du lịch miền Trung.

Liên kết là động lực của sự phát triển và chúng ta phải làm sâu sắc hơn nữa nội hàm chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”. Cần nhận thức được đó là dòng chảy tất yếu của sự phát triển, dòng chảy sức mạnh tổng hòa khi chúng ta biết liên kết theo chiều sâu văn hóa. Các tỉnh thành cần có kế hoạch, có sự phân công cụ thể. Chúng ta không phân công được công việc thì sự kết nối này không đi vào thực chất. Cần “phân vai” rõ ràng trong việc vẽ lại bản đồ du lịch miền Trung với sự liên kết, hỗ trợ của 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ai đóng vai trò động lực? Ai đóng vai trò phụ trợ? Ai tạo ra sản phẩm đặc trưng?... Tôi biết, địa phương nào cũng mong muốn mình phát triển mạnh nhưng nếu mạnh ai nấy làm thì sẽ dẫn đến sự chồng lấn, dẫn đến việc hình thành các sản phẩm du lịch na ná nhau. Dưới góc độ văn hóa có thể nói là sự biến dị về sản phẩm.

Nhìn rộng ra, hiện nay cơ cấu khách du lịch nội địa gấp 5 lần khách quốc tế nhưng tổng thu du lịch nội địa chỉ chiếm 45%. Liệu rằng cơ cấu này đã hợp lý chưa và còn khả năng nào để cân đối, hoàn thiện hay không? Thời gian qua, dù đã bước đầu cải thiện tuy nhiên nhóm du khách có nhu cầu cao về sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao ở các lĩnh vực du lịch Golf, du lịch MICE, du lịch văn hóa… vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Như vậy, giải quyết hài hòa cơ cấu khách theo phân đoạn nhu cầu sẽ là vấn đề then chốt mở ra cách làm du lịch bền vững và hiệu quả cho tương lai.

CEO Khu phức hợp giải trí, nghỉ dưỡng Hoiana - Steve Wolstenholme: Bước đệm để kéo khách ở lại lâu hơn

 

Văn hóa, ẩm thực hay hệ thống danh thắng, điểm đến của miền Trung rất tuyệt vời và được du khách cực kỳ yêu thích. Nhưng để cụ thể hóa lợi thế đó trong việc phát triển du lịch thì phải liên kết chứ chỉ tự thân mỗi nơi phát triển thì không thể nào đem lại hiệu quả cao nhất được. Đơn cử như một khi du khách được thăm thú phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm sau đó trải nghiệm dịch vụ cao cấp tại Hoiana thì mức độ hấp dẫn sẽ tăng lên và chuỗi ngày lưu trú sẽ được kéo dài ra. Đó là chưa nói đến những hành trình dài hơn khởi đầu từ Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh đến miền Trung như liên kết đã đề cập. Và một khi được trải nghiệm những sản phẩm như vậy, chắc chắn du khách sẽ còn quay lại chứ không chỉ đến một lần.

Chúng ta cần nhận thức, xác định được điều mà du khách mong muốn thực sự khi bắt đầu hành trình du lịch. Bây giờ du khách không chỉ muốn ở trong các khu lưu trú cao cấp mà còn thích khám phá các dịch vụ, điểm đến độc đáo bên ngoài. Vì vậy, đa dạng hóa sản phẩm là điều tất yếu và Vùng kinh tế trọng điểm Trung có lợi thế rất lớn khi hầu khắp khoảng không gian ở đây đều chứa đựng các giá trị tự nhiên, văn hóa đặc sắc mà hiếm nơi nào có được.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch 7 địa phương ký cam kết hợp tác với các hãng hàng không dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cùng các địa phương. Ảnh: S.L
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch 7 địa phương ký cam kết hợp tác với các hãng hàng không dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cùng các địa phương. Ảnh: S.L

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh: Quảng Nam cam kết cải thiện môi trường du lịch

 

Trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa mở cửa đối với khách du lịch quốc tế, thị trường du lịch nội địa sẽ được xác định là điểm khởi đầu cần thiết và quan trọng để tái phục hồi, phát triển du lịch. UBND tỉnh Quảng Nam với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019 – 2020 phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí chiến lược, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố và các vùng du lịch để thu hút khách. Đồng thời đây cũng là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, toàn diện trong quan hệ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam.

Với 4 nội dung chính được ký kết hợp tác gồm công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch sẽ giúp các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, nhất là những đa dạng và đặc trưng vùng miền. Đặc biệt, phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Bên cạnh lợi thế về du lịch di sản với 3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam, tài nguyên du lịch ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn vô cùng đa dạng với thác, hồ, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Từ những lợi thế trên, sự hợp tác, liên kết du lịch với TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh – hai trung tâm du lịch lớn của cả nước sẽ giúp mang đến những cơ hội phát triển chung cho các địa phương.

Tỉnh Quảng Nam cam kết không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phá mới, chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển du lịch vùng mang tính bền vững trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - Lê Thanh Liêm: Tăng cường trao đổi khách giữa các địa phương

 

Trong tình hình ngành du lịch các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai như hiện nay đòi hỏi chúng ta phải triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để kích cầu du lịch nội địa, đặc biệt phải liên kết để phát triển, khơi dậy tiềm năng của ngành du lịch. Cụ thể, TP.Hồ Chí Minh là du lịch kết hợp với hội nghị, mua sắm, vui chơi giải trí; TP.Hà Nội với thế mạnh là du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái và 5 tỉnh miền Trung có thế mạnh về du lịch văn hóa di sản, du lịch ẩm thực, du lịch biển đảo. Tin rằng, với thế mạnh trên cùng những dư địa chúng ta có đủ khả năng phục hồi ngành du lịch.

Theo tôi, mối liên kết giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và 5 tỉnh thành miền Trung hiện nay là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên 2 địa phương, hai trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa ở 2 đầu đất nước gắn kết, phối hợp chặt chẽ với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xinh đẹp, nhiều di sản và giàu tiềm năng. Đây được xem là mảnh ghép liên kết còn thiếu giữa các địa phương từ Bắc xuống Nam theo chiều dài đất nước khi TP.Hồ Chí Minh đã ký liên kết với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 9.2019; ký kết liên kết với 5 tỉnh Đông Nam Bộ vào tháng 6.2020; ký kết liên kết với 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng vào ngày 14.11.2020; ký kết liên kết với 8 tỉnh vùng Đông Bắc ngày 20.11.2020.

Thời gian qua, việc liên kết chỉ diễn ra trong nội vùng, chưa có liên kết điểm mới, thị trường mới. Vì vậy, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang triển khai các giải pháp kích cầu du lịch nội địa nhằm khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới tôi nghĩ phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng một số giải pháp trọng tâm như tăng lượng khách du lịch từ TP.Hà Nội, từ TP.Hồ Chí Minh đến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngược lại, xem đây là mục tiêu bao trùm trong giai đoạn 2020 – 2025 nhằm tăng số lượng khách du lịch nội địa, giúp ngành du lịch các địa phương khôi phục và ổn định hoạt động sau những tổn thất do đại dịch Covid-19. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng chuỗi du lịch thân thiện, an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, góp phần tăng thêm các lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và tạo môi trường cho người dân, doanh nghiệp trong vùng liên kết được hưởng lợi. Tập trung khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo gắn với di sản, du lịch sinh thái tìm hiểu di sản văn hóa thế giới, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển, kết nối với nhiều loại hình du lịch đô thị.

Riêng TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội, định hướng khai thác các sản phẩm đặc trưng như du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo… góp phần tạo ra sự đa dạng sản phẩm phục vụ khách. Phối hợp tổ chức hiệu quả công tác quảng bá du lịch vùng, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo gắn với thị trường hiện nay và thị trường quốc tế sau này.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - Ngô Văn Quý: Liên kết là tiền đề phát triển

 

Trong chiến lược, định hướng phát triển, Hà Nội luôn xem trọng công tác liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương khác. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, trong năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã phối hợp với Ban Thường vụ của 42 tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hợp tác và thống nhất kế hoạch hợp tác phát triển trong thời gian tới.

Để đưa hợp tác du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở nên sâu rộng, thiết thực, Hà Nội đề xuất và nhấn mạnh cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Về quản lý nhà nước, phối hợp nghiên cứu kiến nghị Chính phủ, Bộ VH-TT&DL tháo gỡ khó khăn trong phát triển du lịch và giải pháp hỗ trợ phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, Hà Nội sẽ cùng TP.Hồ Chí Minh làm đầu mối để các doanh nghiệp liên kết xây dựng, chào bán sản phẩm du lịch miền Trung phù hợp thị hiếu của từng thị trường cụ thể; tổ chức các chương trình du lịch trên cơ sở phát huy sáng kiến từ cộng đồng thông qua diễn đàn trực tuyến hiến kế phát triển du lịch. 

Về công tác quảng bá xúc tiến, Hà Nội dự kiến tiếp tục triển khai hợp tác với kênh CNN quảng bá hình ảnh thủ đô tại 4 khu vực trọng điểm và thành phố sẽ tạo điều kiện trao đổi thông tin, đưa vào chương trình xúc tiến hình ảnh các điểm đến trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trước mắt là thông qua việc cùng tham gia kế hoạch kích cầu nội địa giai đoạn 2020 - 2021. Về phối hợp đầu tư, khai thác các dự án du lịch, Hà Nội mong muốn hợp tác phối hợp cùng các địa phương thông tin đến nhà đầu tư chiến lược trong, ngoài nước, đặc biệt là nhà đầu tư ở Hà Nội về tiềm năng và môi trường đầu tư ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng ở khu vực này đang cực kỳ hấp dẫn.

Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist - Lê Thị Giang: Cần cam kết cụ thể lộ trình kích cầu

 

Trước mắt, du lịch nội địa vẫn là thị trường chính đối với ngành du lịch Việt Nam. Qua khảo sát của chúng tôi thì Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là thị trường được ưa chuộng bậc nhất của khách du lịch miền Bắc và một số tỉnh lân cận. Thực tế, khu vực duyên hải miền Trung hội tụ nhiều lợi thế để tiếp tục thu hút mạnh mẽ hơn nữa du khách từ phía Bắc nếu tạo ra mối liên kết sâu rộng. Đó là ưu thế về khoảng cách, thời gian di chuyển; tính kết nối chặt chẽ của các điểm du lịch trong nội vùng miền Trung, nhất là Huế - Đà Nẵng - Hội An; sản phẩm du lịch ở đây cũng đa dạng và gần như có tất cả loại hình. Chúng tôi cũng nhận thấy khách du lịch đến và có xu hướng quay lại miền Trung khá cao, điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của vùng du lịch này.

Thời gian qua, Hanoitourist đã kích cầu mạnh mẽ du lịch khu vực này bằng các tour xuyên miền Trung với độ dài từ 5 đến 6 ngày trở lên và để đẩy mạnh liên kết thì giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là “liên kết vùng và liên minh doanh nghiệp”. Hiện nay, các cơ chế từ trung ương hỗ trợ ngành du lịch đã rất cụ thể nên rất cần từng địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm kích cầu hiệu quả. Các chính sách kích cầu cần có thời gian, cam kết cụ thể về lộ trình để đơn vị lữ hành thuận lợi trong việc xây dựng gói sản phẩm, hành trình đưa du khách về miền Trung.

Trong điều kiện nguồn cung lớn hơn nhiều so với nguồn cầu hiện nay, theo tôi cần lưu ý mấy điểm dưới đây để cải thiện chất lượng các gói kích cầu: Thứ nhất, ứng dụng công nghệ số để truyền tải thông tin, tìm kiếm, bán và đặt dịch vụ là giải pháp hữu hiệu; Thứ hai, cần bổ sung hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút khách; Thứ ba, cần tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến và sản phẩm dịch vụ, cập nhật liên tục thông tin đặc biệt là những sản phẩm du lịch khác biệt, đặc trưng.

HÀ SẤU - KHÁNH LINH