Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Hiệu quả từ công tác phối hợp
Nhiều phong trào, mô hình mới, sáng tạo, có sức lan tỏa thông qua hoạt động phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn 2015 - 2020 đã góp phần tạo nên “sức đề kháng” trong cộng đồng, phòng chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tích cực đồng hành
Nhiều năm qua, Tỉnh đoàn là một trong những đơn vị đồng hành năng nổ với cơ quan quân sự các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động khám nghĩa vụ quân sự, giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thắp nến tri ân, bữa cơm tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng do đoàn cơ sở và cơ quan quân sự, cựu chiến binh… thực hiện đã tạo được sức lan tỏa, khẳng định tinh thần nhân văn, nhân ái.
Anh Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, nhiều năm nay, dấu ấn trong hoạt động phối hợp giữa Tỉnh đoàn với Bộ CHQS tỉnh là chương trình “Học kỳ quân đội” với hàng trăm học sinh tham gia, tỷ lệ chiêu sinh luôn đạt từ 120 - 150% so với kế hoạch. Đồng thời, một số huyện như Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn cũng phối hợp trực tiếp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn tổ chức chương trình này ở cấp huyện, nâng cao tính giáo dục, mang lại nhiều trải nghiệm bổ ích cho lứa tuổi học sinh.
“Tỉnh đoàn vẫn đang duy trì hoạt động phối hợp tuyên truyền, chia sẻ, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, đồng thời mong muốn Bộ CHQS tỉnh tạo điều kiện để Trung tâm Dạy nghề Tỉnh đoàn tổ chức các lớp dạy nghề cho thanh niên xuất ngũ, nhất là lĩnh vực xuất khẩu lao động, xây dựng thêm các hoạt động bên cạnh “Học kỳ quân đội”, thắp nến tri ân để nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống, tiếp lửa thanh niên trong thời gian tới” - anh Quỳnh cho biết.
Trung tá Nguyễn Sơn - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Núi Thành cho hay, với đặc thù là địa bàn giáp biển với hơn 9.000 lao động trên biển cùng 1.930 tàu các loại, hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển hết sức quan trọng. Đơn vị đã phối hợp với các ngành, chính quyền các xã ven biển tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung về Luật Biển, quyền và chủ quyền đối với các vùng biển đảo, thềm lục địa Việt Nam, âm mưu thủ đoạn của các nước trên Biển Đông, đề cao trách nhiệm ngư dân khi đánh bắt hải sản.
“Thông qua các hoạt động phối hợp, đặc biệt là với nghiệp đoàn nghề cá, Ban CHQS huyện đã nêu cao tinh thần cảnh giác, tự tin, yên tâm vươn khơi bám biển của ngư dân. Sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh… đã tạo nhận thức tốt cho hội viên ngư dân đang bám biển, từ đó phát huy tốt tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo” - Trung tá Nguyễn Sơn nói.
Tạo “sức đề kháng”
Theo đánh giá, qua 5 năm triển khai hoạt động phối hợp (2015 – 2020), Ban chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa Bộ CHQS với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đã tập trung chỉ đạo khá toàn diện các nội dung theo chương trình đề ra. Trong đó, nhiều nội dung hoàn thành khá tốt, có ý nghĩa chính trị sâu sắc như phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, các hoạt động phối hợp đã giúp tăng cường các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, phòng chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, góp phần khích lệ vào kết quả ấn tượng của tỉnh trong thời gian qua. Nhiều phong trào, mô hình mới, sáng tạo, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng.
“Thời gian tới, cần tiếp tục tập trung cho công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong hoạt động để hình thành, nâng cao “sức đề kháng” trong nhân dân, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tệ nạn tín dụng đen, cờ bạc len lỏi đến vùng quê… Ngoài ra, cần tập trung cho các chương trình lớn, bao gồm nông thôn mới, đô thị văn minh; giảm nghèo bền vững; phát triển miền núi và chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời vận động xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, phối hợp, làm tốt công tác phòng chống, đẩy lùi tệ nạn xã hội, làm cho xã hội lành mạnh hơn” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.