Thực hiện nhiệm vụ năm 2021: Quyết liệt, đột phá nhưng phải thận trọng

NGUYÊN ĐOAN 04/12/2020 06:36

Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Quảng Nam trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Vì thế, tìm kiếm, triển khai các giải pháp phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài là một trong những nội dung trọng tâm đặt ra tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 (Khóa XXII) tổ chức hôm qua 3.12.

Quang cảnh hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 diễn ra sáng 3.12. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 diễn ra sáng 3.12. Ảnh: N.Đ

Báo cáo về tình hình thực hiện các mặt công tác năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, so với 14 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, trong năm 2020, có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế chưa đạt là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, báo cáo của Tỉnh ủy nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 rất nặng nề, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động khắc phục khó khăn, thách thức; sáng tạo, bám sát tình hình, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Trong đó, phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu cụ thể như: tăng trưởng GRDP từ 6,5% - 7%; thu ngân sách 20.272 tỷ đồng (thu nội địa 16.000 tỷ đồng); giảm 2.000 hộ nghèo...

Ưu tiên khôi phục sản xuất miền núi

Thảo luận phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, sau khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tính toán đưa ra con số dự báo hụt thu ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tình hình thu ngân sách nhà nước có những kết quả khả quan hơn. Ước tính Quảng Nam hụt thu khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh đảm bảo khả năng cân đối bù hụt thu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính từ các nguồn cải cách tiền lương còn thừa, tiết kiệm chi, kết dư và nguồn dự trữ tài chính.

Trên cơ sở tính toán, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh cho phục hồi lại 1.414 tỷ đồng cắt giảm vốn đầu tư để cân đối bố trí bổ sung cho các dự án đã có khối lượng hoặc đã hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị triển khai đầu tư.

“Trong năm 2021, dự báo dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển kinh tế, thu ngân sách của Quảng Nam. Nhận thấy được tình hình này, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu nội địa cho ngân sách Quảng Nam rất thấp, với 14.500 tỷ đồng. Quá trình lập dự toán, ngành tài chính tham mưu UBND tỉnh thống nhất phấn đấu tăng lên tương đương với con số của năm 2020 là 16.000 tỷ đồng thu nội địa. Vốn đầu tư gặp khó khăn nên tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí chi cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai” - ông Phong nói.

Theo ông Bling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cần xem xét, đánh giá hết sức cụ thể đối với một số chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu tác động trực tiếp đến các huyện miền núi cao, bị sạt lở, thiệt hại do thiên tai bão lũ, nhất là chỉ tiêu tỷ lệ giảm nghèo. “Qua tính toán cho thấy, Tây Giang không đạt chỉ tiêu giảm nghèo tỉnh giao; đầu năm hạn hán nên 30% diện tích lúa chuyển sang trồng cây màu nhưng không hiệu quả, sau đó xảy ra dịch bệnh Covid-19. Cuối năm xảy ra bão lũ gây thiệt hại hết sức nặng nề, đất sản xuất bị sạt lở, bồi lấp hoàn toàn, hạ tầng hư hại, người dân thiếu việc làm nên dẫn đến tái nghèo.

“Từ nay đến hết quý I.2021, trong các nhóm chỉ tiêu mà tỉnh đưa ra cần hết sức ưu tiên khôi phục phát triển sản xuất, đừng để bà con miền núi không có công ăn việc làm, trở lại đói nghèo. Trách nhiệm của địa phương là chủ động các phương án từ hạt giống, các nguồn lực, phân bón kỹ thuật, chỗ nào đất sản xuất còn có thể khôi phục được, đưa cơ giới vào hỗ trợ bà con cải tạo lại...” - ông Mia phát biểu.

Quyết liệt nhưng thận trọng

Đưa ra những dự báo về sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc phục hồi phát triển kinh tế của đất nước nói chung, của Quảng Nam nói riêng không tách rời sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Chúng ta không quá lạc quan nhưng cũng không hề chủ quan, tập trung xem xét, phân tích rất thấu đáo các yếu tố, nguồn dự báo để làm căn cứ, tiền đề xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển của tỉnh năm 2021.

Đại biểu thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2. Ảnh: N.Đ
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2. Ảnh: N.Đ

“Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi kinh tế của Quảng Nam còn khó khăn do phải gánh chịu hậu quả của thiên tai. Tỉnh đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai từ đây đến hết năm 2020 và sang năm 2021 phải tiếp tục thực hiện với tinh thần quyết liệt, tập trung, toàn diện thì mới giảm thiểu được một phần nào khó khăn ở vùng bị thiệt hại, nhất là khu vực miền núi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bày tỏ.

Giải đáp làm rõ thêm các vấn đề được thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh đã họp và thấy cần thiết phải tham mưu Tỉnh ủy có nghị quyết chuyên đề về khôi phục và phát triển sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai của năm 2020 để tập trung cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc thực hiện năm 2021. Khi chúng ta khắc phục được hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, đi đôi với kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 thì mới nói tới câu chuyện phát triển kinh tế. Nhiệm vụ này phải làm nhanh, nếu không thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn.

“Năm 2021 vừa là năm khởi đầu, chúng ta cần có sự đột phá, bùng nổ ngay từ đầu nhiệm kỳ nhưng cũng hết sức thận trọng, đề phòng dịch bệnh Covid-19, thiên tai, chăm lo hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Với một năm sẽ có nhiều trạng thái như tôi phân tích, các ngành, địa phương cần hết sức chia sẻ. Trong công tác lãnh đạo, điều hành cần có sự tính toán toàn diện nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra. Sạt lở đất ở miền núi có nguy cơ cực kỳ cao, cho nên việc tìm đất ở, chỗ ở như thế nào cho người dân sống ổn định, an toàn là vấn đề lớn, giải quyết trước mắt nhưng phải có lựa chọn địa điểm ở lâu dài, bàn sâu kỹ với các địa phương. Đối với khu vực miền núi tỉnh sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm tạo ra cuộc cách mạng về sắp xếp dân cư ở khu vực miền núi, gắn với đó là phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, cách thức canh tác, chất lượng che phủ rừng, giữ đất...” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY PHAN VIỆT CƯỜNG: "XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG NGAY TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ"

Theo Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng phục hồi nhưng còn chậm; dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi; đồng thời, cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Tỉnh ủy để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất. Trong đó, lưu ý thực hiện tốt việc lãnh đạo quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiếp tục củng cố bộ máy chính quyền các cấp sau đại hội đảm bảo đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác. Tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả bão số 9; ưu tiên giải quyết khắc phục hạ tầng giao thông và xây dựng, sửa chữa nhà ở cho nhân dân vùng sạt lở..

NGUYÊN ĐOAN