Xem xét ban hành nghị quyết HĐND tỉnh: Cần tính toán phù hợp, tránh dàn trải

HÀN GIANG 01/12/2020 06:22

Khả năng hụt thu ngân sách của tỉnh năm 2020 được dự báo khoảng 25% (so với con số dự báo trước đó là 60 - 70%). Trong điều kiện nguồn lực khó khăn, “ứng xử” ra sao với nghị quyết đã được HĐND tỉnh ban hành và cả sự lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để xem xét ban hành nghị quyết mới, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở giai đoạn mới đang được cân nhắc tính toán.

Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa IX về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định 3577/QĐ-UBND đem lại hiệu quả thiết thực.
Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa IX về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định 3577/QĐ-UBND đem lại hiệu quả thiết thực.

Rà soát để bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung phù hợp

Căn cứ cơ sở pháp lý, khả năng cân đối nguồn lực, tính cấp thiết, đánh giá hiệu quả các chính sách trong thời gian qua đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thường trực HĐNĐ tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có đánh giá cụ thể, hoàn chỉnh báo cáo đề xuất xử lý các nghị quyết có hiệu lực đến năm 2020, 2021 để trình Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh sắp tới xem xét, quyết định.

Ở lĩnh vực kinh tế - ngân sách, UBND tỉnh đã rà soát, đánh giá 40 nghị quyết; trong đó, có 22 nghị quyết thời gian thực hiện đến năm 2020; có 6 nghị quyết thời gian thực hiện đến 2020, tầm nhìn, định hướng đến 2030 và 1 nghị quyết thời gian thực hiện đến năm 2025.

Về kết quả thực hiện các nghị quyết được ban hành thời gian qua, theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, điện, kênh mương, thủy lợi, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng... Kết quả đạt được đã góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, tạo động lực thúc đẩy các địa phương phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội của tỉnh.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11.2020, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh hoàn chỉnh báo cáo đề xuất xử lý phù hợp các nghị quyết có hiệu lực đến năm 2020, 2021. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11.2020, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh hoàn chỉnh báo cáo đề xuất xử lý phù hợp các nghị quyết có hiệu lực đến năm 2020, 2021. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Tuy nhiên, ông Đức nhìn nhận, một số nghị quyết thực hiện kết quả chưa đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Một số chính sách ban hành chưa phù hợp thực tế, hoặc không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời, như: cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung; đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã...

“Để đáp ứng quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đến, cần bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung nghị quyết cho phù hợp thực tế, quy định pháp luật hiện hành, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng ngân sách. Đồng thời một số nghị quyết cần kéo dài thời gian thực hiện cho đến khi ban hành nghị quyết mới để đảm bảo không bị gián đoạn triển khai các nhiệm vụ của năm 2021 trong khi chờ Trung ương hướng dẫn, ban hành quy định mới” - ông Đức nói.

“Liệu cơm gắp mắm”

Trên cơ sở nội dung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh thời gian qua theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, tại Báo cáo số 135 mới đây, UBND tỉnh cho rằng, đối với 23 nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách của tỉnh, có thể căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội và khả năng cân đối ngân sách để quyết định việc dừng hoặc tiếp tục thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian đến. Riêng với 21 nghị quyết quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, UBND tỉnh đề nghị tiếp tục thực hiện cho đến hết giai đoạn, khi cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản mới sẽ tiến hành rà soát để trình HĐND tỉnh ban hành văn bản phù hợp. Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị công bố hết hiệu lực để ban hành văn bản hành chính hoặc tích hợp vào Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn tiếp theo đối với 20 nghị quyết; dừng thực hiện và công bố hết hiệu lực đối với 3 nghị quyết.

Hai ngành chuyên môn có nhiệm vụ “gác cổng” cho UBND tỉnh trên lĩnh vực đầu tư, tài chính là Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Tài Chính cho rằng, các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành cần được đánh giá, phân tích tính hiệu quả mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh quyết định chấm dứt thực hiện cơ chế, chính sách do hết hiệu lực, hoặc tiếp tục thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ngoài ra, trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc ban hành các nghị quyết mới cần có sự kiểm soát, tính toán về sự cần thiết, ở lĩnh vực ưu tiên, tránh ban hành nhiều mà không có nguồn lực cân đối sẽ thiếu tính khả thi.

Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính phân tích, năm 2017 - 2020 HĐND tỉnh ban hành nhiều đề án và việc thực hiện tương đối thuận lợi nhờ nằm trong giai đoạn ổn định ngân sách. Năm 2017 đảm bảo thực hiện theo đúng dự toán, năm 2018 tỉnh vượt thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng, năm 2019 có vượt thu nhưng không đáng kể.

Cùng với đó, năm 2018 tỉnh xin Trung ương nguồn cải cách tiền lương 1.962 tỷ đồng và năm 2019 xin được 800 tỷ đồng. Nguồn lực rất lớn như vậy nên các cơ chế, chính sách được ban hành đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện. Giai đoạn này các nghị quyết được triển khai thuận lợi đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, điều cần tính toán đang nằm trước mắt. Theo ông Trần Quốc Tuấn, toàn bộ nguồn lực của tỉnh còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020 và của năm 2020 hiện nay chủ yếu dành để bù hụt thu ngân sách. Ước tính mới nhất của cơ quan thuế cho thấy khả năng hụt thu ngân sách khoảng 25%, dù sao cũng rất đáng mừng, khi trước đó dự báo hụt thu đến 60 - 70%. Tỉnh đang dồn toàn bộ các nguồn lực để bù hụt thu, phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Vậy nên gần như nguồn lực dành cho phát triển năm 2021 không có, việc thực hiện các nghị quyết sẽ rất khó khăn.

“Cho nên việc rà soát, đánh giá toàn bộ các nghị quyết để có cơ sở ban hành mới nghị quyết cho giai đoạn phát triển tiếp theo dựa trên cơ sở nguồn lực của địa phương là hết sức cần thiết” - ông Tuấn nói.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh, việc ban hành các nghị quyết mới của HĐND tỉnh trong thời gian tới nhằm góp phần cụ thể hóa triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Trước các khó khăn về nguồn lực đầu tư do hụt thu ngân sách, ban hành nghị quyết cần có sự tính toán phù hợp, ưu tiên lĩnh vực có tác động tích cực, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tránh dàn trải, lãng phí, tinh thần là phải “liệu cơm gắp mắm”.

“UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn bám sát báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh để rà soát tất cả nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành. Nghị quyết nào không còn cơ sở pháp lý, hết hiệu lực, nguồn lực không có thì phải kiên quyết chấm dứt, bãi bỏ theo luật định” - đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.

HÀN GIANG