Góc tối còn ở phía trước

TƯỜNG MINH 29/11/2020 06:35

Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ vụ sạt lở núi làm trôi 45 căn nhà và vùi lấp 22 người ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, đến thời điểm này, vẫn còn 13 thi thể chưa được tìm thấy dù lực lượng tìm kiếm vẫn miệt mài ngày đêm. Người chết thì đã đành, người sống - đặc biệt là những hộ dân bị trôi mất nhà cửa, đang đối mặt với một tương lai mịt mờ như sương núi.

Ông Đề như “bóng ma” bên khu mộ những người thân. Ảnh: TƯỜNG MINH
Ông Đề như “bóng ma” bên khu mộ những người thân. Ảnh: TƯỜNG MINH

Gần 1 tháng sau vụ lở núi, tôi trở lại xã Trà Leng và hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là bóng dáng rũ rượi cùng những bước đi lững thững vô định của ông Hồ Văn Đề ở hiện trường vụ lở núi. 

“Già buồn lắm…”

Ông Đề, người Mơ Nông, năm nay 86 tuổi, là một trong những điển hình của sự mất mát khi trong đợt thảm họa vừa qua, ông có đến 8 người thân, trong đó có một con trai, một con gái và một con rể bị vùi lấp dưới đống đất đá, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3 thi thể được tìm thấy. Ông Đề một mình, hết thơ thẩn qua nền nhà cũ nay đã tan hoang không dấu vết lại đi ngược lên mõm đồi, nơi 3 người thân của ông bị vùi lấp, sau khi tìm thấy, thi thể được chôn tạm và phủ lên đó những tấm bạt thay cho mộ bia.

“Già buồn lắm”, một trong những lần hiếm hoi ông trao đổi với chúng tôi bằng tiếng Kinh cùng khóe mắt nhăn nheo giựt giựt như muốn khóc. Phần lớn thời gian suốt buổi ông chỉ lẩm bẩm một mình bằng tiếng Mơ Nông. Có lần, một người bản địa phiên dịch lại cho chúng tôi nghe đại ý “mấy đứa chết lâu quá rồi mà chẳng chịu về báo mộng cho già biết là đang nằm ở đâu...”. Không chỉ mất người, vợ chồng ông Đề cùng những người thân còn bị trôi nhà hoàn toàn. Và hiện cả gia đình ông đang trú tạm trong khu bán trú của điểm trường nóc Ông Lục, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng. Hồi mới xảy ra vụ lở núi, vợ ông Đề là một nhân vật của báo chí và cũng là một ví dụ của sự trớ trêu số phận khi bà mặc một chiếc áo có dòng chữ tiếng Anh là “Good day” (ngày tốt lành), trong khi nhà cửa mất trắng, 8 người thân bị vùi lấp dưới đống đất đá. 

Việc tìm kiếm 13 người bị vùi lấp còn lại vẫn đang được tiếp tục ở Trà Leng.Ảnh: TƯỜNG MINH
Việc tìm kiếm 13 người bị vùi lấp còn lại vẫn đang được tiếp tục ở Trà Leng.Ảnh: TƯỜNG MINH

“Hồi trước đây là một ngôi nhà”, một người địa phương chỉ tay về phía đống đổ nát, trên đó có một mỏm đá to. Trên mỏm đá có một chú chó đang nằm buồn bã, thi thoảng ngoái cổ lên nhìn quanh một vòng rồi tru lên hồi dài thảm thiết giữa trưa vắng. “Chủ nó bị vùi lấp dưới kia hiện vẫn chưa tìm thấy nên suốt mấy chục ngày nay, ngày nào nó cũng nằm trên mỏm đá này để ngóng tin”. Chuyện những chú chó nằm ngóng chờ chủ như thế không phải là chuyện lạ lắm, nhưng lúc ấy nghe thế, nhiều người có mặt tại hiện trường đã quay mặt đi thút thít...

Nổi bật hơn cả trong đống hỗn hợp đất đá, xác nhà, vật dụng... ở hiện trường vụ sạt lở núi tại xã Trà Leng bây giờ là những mâm đồ cúng của người sống dành cho người chết, chủ yếu là cho 13 người đến thời điểm này vẫn chưa tìm thấy thi thể. Đó có thể là một mâm cơm tập thể gồm những xôi chè, bánh trái, sắn khoai. Cũng có thể là một gói bánh đơn độc nằm chơ vơ giữa bãi hoang tàn... Cảm giác của bước chân cứ rờn rợn khi nghĩ rằng dưới đống đất đá kia, nơi bàn chân mình vừa giẫm lên, dù rất khẽ là những thi thể người xấu số chưa được tìm thấy; là một mùi hôi đặc trưng xộc thẳng vào khiến ruột gan trộn trạo quyện từ bùn đất, rác rưởi, xác heo gà... trộn lẫn với nhau.

Họ ổn, nhưng chưa thể bắt đầu      

Mới nhất ở Trà Leng thời điểm này là những điểm sạt lở gây tắc đường đã được thông để ô tô gầm cao có thể vào tới sân UBND xã. Các điểm trường đã được dọn bớt một phần bùn đất cũng như khắc phục thiệt hại hệ thống nhà vệ sinh, bàn ghế, tiếp nhận sách vở để hàng trăm học sinh ở đây bắt đầu đến trường. Các hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa bắt đầu công việc tái thiết. Còn lại 45 hộ dân bị trôi nhà hoàn toàn, chính quyền địa phương chia ra làm hai khu ở tạm, trong đó có một khu đang trưng dụng các phòng học ở điểm trường nóc Ông Lục thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học Trà Leng với 14 gia đình, mỗi cá nhân được sở hữu một chiếc giường bố xếp cạnh nhau nhìn như trong khu thăm nuôi ở bệnh viện. 

Chị Nguyễn Thị Bông: “Tương lai của chúng tôi mịt mờ như sương núi buổi sớm”.
Chị Hồ Thị Bông: “Tương lai của chúng tôi mịt mờ như sương núi buổi sớm”.

Trong đống giường xếp ấy, tôi gặp lại chị Hồ Thị Bông, con gái của ông Đề và là vợ của ông Lê Hoàng Việt - Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng – một trong số 13 người bị vùi lấp hiện chưa tìm thấy thi thể. Lát trước tôi còn thấy chị đứng xếp hàng trước hiên nhận quà cứu trợ, lát sau đã thấy chị trùm chăn ngủ vùi. Lay lay một hồi chị mới mở mắt – ánh mắt động đậy kiểu như muốn khóc nhưng chẳng còn nước mắt. Chị tự động kể về đêm kinh hoàng hôm ấy, khi mấy chục người trong thôn tập trung hết ở nhà chị và nhà ông Nguyễn Trọng Chức - hai ngôi nhà xây kiên cố nhất xã để trú bão. Thế rồi tai họa ập xuống, ban đầu là một tiếng nổ lớn rồi những dòng nước từ dưới lòng đất bắn vút lên cao, rồi đất đá sụt xuống vùi lấp cả những tiếng kêu cứu tuyệt vọng trong đêm tối. “Giờ cứ nhắm mắt lại là những tiếng kêu cứu và hình ảnh kinh hoàng của đêm đó lại hiện về, gần cả tháng nay không có đêm nào em ngủ được” - chị Bông kể.

“Ở đây chúng tôi được ăn no, chẳng thiếu thốn gì cả” là câu trả lời mà tôi nghe được từ những người dân bị mất nhà đang tạm trú ở điểm trường nóc Ông Lục cũng như ở ngôi nhà chung cạnh trụ sở UBND xã Trà Leng. Đúng là họ chẳng thiếu thốn gì cả, từ tiền bạc tới lương thực vì những cá nhân và tổ chức hảo tâm từ khắp nơi trong cả nước đã và đang đổ dồn về Trà Leng. Và những người bị mất nhà, mất người thân luôn là ưu tiên số một. Nhưng còn tương lai? Chị Bông thở dài, bảo: “Tương lai của chúng em giờ mịt mù như sương núi buổi sớm. Tương lai là chẳng có tương lai nào cả khi giờ đây không biết phải sống thế nào khi không còn nhà cửa, người thân, của cải…”.

Còn hy vọng là còn tìm kiếm

Công việc bận rộn nhất ở Trà Leng bây giờ là tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ của các tổ chức và cá nhân từ khắp nơi đổ về nườm nượp, nhất là khi Trà Leng mới được thông đường và trời đang nắng ráo. Ông Phan Khắc Cường - Chủ tịch xã Trà Leng cứ áp điện thoại vào tai rồi tới lui như con thoi để điều hành việc tiếp nhận và dọn dẹp lại trụ sở UBND xã đang ngập ngụa bùn đất. Người dân Trà Leng thì cứ tràn cả ra đường để tới lui ở các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ mà chờ gọi tên. “Sáng giờ mình đi tới đi lui nhận hàng cứu trợ 5 lần rồi. Mệt, mỏi chân lắm nhưng mà vui lắm” - anh Hồ Văn Dê, người dân xã Trà Leng không biết than hay là khoe với chúng tôi. “Việc khẩn cấp nhất bây giờ của chính quyền địa phương là khảo sát, chọn địa điểm an toàn để dựng lại nhà cửa cho 45 hộ dân bị mất nhà. Hiện kinh phí dựng nhà, các tổ chức cá nhân hảo tâm đã cho đủ, đất cũng đã có một số điểm đang chờ huyện, tỉnh kiểm tra lại độ an toàn nên phải một thời gian nữa người dân mới có được nhà mới” - ông Phan Khắc Cường cho biết.   

Mới nữa ở Trà Leng bây giờ, là địa điểm tìm kiếm 13 người mất tích được dời từ hiện trường cũ đến bãi bồi bên kia con suối cách khoảng 3km sau khi lực lượng cứu hộ đã “cày nát” đống đất đá vẫn không tìm thấy gì thêm. Ở địa điểm tìm kiếm mới, do nằm phía bên kia suối, nước rất sâu và không có cầu nên lực lượng cứu hộ hàng ngày phải qua lại bằng ròng rọc. Hơn 100 chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 270 của Quân khu 5 ngày đêm đào bới khu vực này để tìm kiếm. “Cách đây mấy hôm, chúng tôi vừa tìm thấy một thi thể ở khu vực này nên đây là địa điểm tìm kiếm có nhiều hy vọng nhất. Suốt 20 ngày rồi chúng tôi chưa rời khỏi hiện trường Trà Leng và chúng tôi chắc chắn sẽ còn ở đây rất lâu nữa, cho đến khi nào tìm thấy được thi thể cuối cùng hoặc là hết hy vọng” - Thượng tá Nguyễn Hoài Ất - Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Công binh 270 khẳng định.

TƯỜNG MINH