Đông Giang phát huy giá trị đặc sản địa phương

KHẢI KHIÊM 27/11/2020 08:02

Thời gian qua, tại Đông Giang, nhiều đề tài ứng dụng KH&CN được triển khai nghiên cứu, bước đầu áp dụng hiệu quả.

Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tư được huyện hỗ trợ trang bị máy sơ chế chè dây Ra zéh. Ảnh: K.K
Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tư được huyện hỗ trợ trang bị máy sơ chế chè dây Ra zéh. Ảnh: K.K

Năm nay, Đông Giang có 2 đề tài KH&CN cấp tỉnh gồm “Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm cây chè dây Ra zéh trên địa bàn xã Tư” và “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ớt A riêu phục vụ sản xuất hàng hóa tại huyện Đông Giang”. Đề tài chè dây Ra zéh được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện từ tháng 9.2017 - 8.2020.

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, kết quả nghiên cứu và chuyển giao của đơn vị thực hiện đề tài sẽ góp phần phát triển, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến tại xã Tư; nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè dây Ra zéh trên thị trường.

Tại xã Mà Cooih, mô hình vườn ươm giống ớt A riêu được hình thành. Đây là một trong những bước đi nhằm hiện thực hóa đề tài về ớt A riêu phục vụ sản xuất hàng hóa được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện tháng từ 4.2018 - 4.2021, các bên tham gia đã khảo sát, đánh giá thực trạng canh tác, bảo quản và chế biến ớt A riêu tại Mà Cooih; đặc điểm thực vật học và yêu cầu sinh thái, thành phần dinh dưỡng của ớt. Cùng với đó, xây dựng vườn lưu giữ giống; chuyển giao quy trình kỹ thuật và nhân giống bằng hạt, kỹ thuật trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp an toàn. Đề tài được nghiệm thu 3 đợt và đều đánh giá cao. 

Ông Phạm Cườm - chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang cho biết, 3 đề tài KH&CN cấp huyện cũng đang triển khai gồm: trồng và chế biến sản phẩm rượu tà vạt (xã Jơ Ngây, xã A Ting); trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen tại xã Sông Kôn; tuyển chọn giống, xây dựng mô hình trồng cây dâu tây tại xã Tư. Đáng chú ý, qua triển khai đề tài về rượu tà vạt, các bên đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khoanh nuôi hơn 1,4ha; trồng và chăm sóc mới 1ha.

Cạnh đó, đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản rượu tà vạt cho 30 thành viên tham gia mô hình. Việc xây dựng và hướng dẫn quy trình sơ chế, chưng cất cũng đã thực hiện, qua đó tăng khả năng lưu trữ và nâng cao chất lượng loại rượu đặc trưng này.

Những đề tài KC&CN được nghiệm thu công nhận, Đông Giang sẽ hỗ trợ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị máy móc, bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như xúc tiến thương mại. Đơn cử, huyện đã dùng nguồn khuyến công hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, phát triển thị trường cho chè dây Ra zéh, ớt A riêu, rượu Ka kun… Qua đó, bảo tồn, phát huy giá trị sản vật đặc trưng núi rừng Đông Giang, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

KHẢI KHIÊM