Quảng Nam sắp đón đợt mưa lớn
(QNO) - UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường và mưa lớn.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, hôm nay 26.11, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo ngày mai 27.11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng yếu đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày mai ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Từ ngày 28.11, ở vùng biển các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động đới gió Đông, cảnh báo từ ngày 28.11 đến 1.12 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cường độ mưa to đến rất to tập trung từ ngày 29 đến 30.11. Tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm, riêng Xuân Bình (huyện Núi Thành), Trà My (huyện Bắc Trà My), Khâm Đức (huyện Phước) 400 - 450mm.
Để chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường và mưa lớn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro cấp huyện, cấp xã đến cộng đồng; thông tin kịp thời đến nhân dân biết về tình hình mưa lũ, công tác vận hành, điều tiết các hồ thủy điện để chủ động biện pháp ứng phó.
Kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ du các hồ chứa nước để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản; đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Đối với các địa phương có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá cần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu... để chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ; chỉ đạo nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt 7 - 10 ngày.
Phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở địa phương, sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân nơi khó khăn.
Nghiêm cấm tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông suối, hồ chứa nước và nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ.
Kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố có thể xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để chủ động triển khai ứng phó, trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước.
Thông báo cho chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước, chủ phương tiện vận tải thủy, đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện.
Các sở, ban ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.