NASA muốn xây lò phản ứng hạt nhân ở mặt trăng
(QNO) - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ - NASA đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống tàu bay, tàu đổ bộ và lò phản ứng hạt nhân trên mặt trăng vào năm 2026.
Ông Anthony Calomino - Giám đốc danh mục đầu tư công nghệ hạt nhân của NASA cho biết cơ quan này dự định lắp đặt một hệ thống năng lượng phân hạch trên bề mặt với công suất 10kW trên mặt trăng.
Đây là chương trình hợp tác mới giữa Bộ Năng lượng Mỹ và NASA để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra hệ thống các lò phản ứng hạt nhân nhỏ phục vụ cho kế hoạch khám phá không gian dài hạn. Lò phản ứng phân hạch hạt nhân sẽ hoạt động bằng cách tách các nguyên tử uranium để tạo ra nhiệt, sau đó được biến thành năng lượng điện để cung cấp một cách bền vững cho các hoạt động cần thiết.
Sau khi hoàn thành, thiết bị này sẽ được kết hợp với một tàu đổ bộ và một thiết bị phóng để đưa nó vào quỹ đạo của mặt trăng. Thiết bị sẽ được thả xuống nhẹ nhàng trên bề mặt mặt trăng bởi một tàu đổ bộ đặc biệt và đi vào hoạt động ngay lập tức mà không cần lắp ráp.
Lò phản ứng hạt nhân sẽ cung cấp đủ năng lượng để thiết lập một trạm quan sát trên mặt trăng hoặc sao hỏa. Theo kênh CNBC, nguồn điện dồi dào này sẽ cho phép con người sử dụng nguồn tài nguyên tại chỗ để thực hiện các cuộc thăm dò quy mô lớn, thiết lập các trạm quan sát, đồng thời có khả năng thương mại hóa trong tương lai.
“Sau khi hoàn thành thử nghiệm, hệ thống có thể được mở rộng quy mô hoặc nhiều đơn vị có thể cùng sử dụng cho các nhiệm vụ dài hạn trên mặt trăng và kế tiếp là sao hỏa. Chúng tôi đang nỗ lực hợp tác, tập hợp các công ty hàng không vũ trụ, hạt nhân và điện để thiết kế lò phản ứng hạt nhân này” - ông Anthony Calomino chia sẻ.
Bất chấp nhiều nghi ngại, hơn 22 công ty đã hưởng ứng lời kêu gọi của NASA, nhiều công ty trong số đó có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân và chuyển đổi điện năng.