Nơm nớp sống trong vùng sạt lở núi

MAI LINH - PHI THÀNH 25/11/2020 07:22

Nhiều hộ dân sống dọc các triền núi thuộc địa bàn xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) đang sống trong nơm nớp lo sợ khi tình trạng sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng.

Khu vực núi Lở thuộc thôn Kiệu Châu (Duy Sơn, Duy Xuyên) bị sạt lở ngày càng nặng khiến nhiều hộ dân lo lắng. Ảnh: T.L
Khu vực núi Lở thuộc thôn Kiệu Châu (Duy Sơn, Duy Xuyên) bị sạt lở ngày càng nặng khiến nhiều hộ dân lo lắng. Ảnh: T.L

Ông Lưu Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho hay, mặc dù là địa phương miền núi, xưa nay chưa từng xảy ra ngập úng, lũ lụt nhưng trong các đợt mưa lớn hồi tháng 10 vừa qua, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 9, người dân nơi đây lần đầu tiên chịu thiệt hại nặng nề do lũ ống bất ngờ xuất hiện, một số khu dân cư bị chia cắt.

Cũng theo ông Tuấn, qua thống kê, toàn xã Duy Sơn có hơn 400 nhà dân bị tốc mái dưới 30%; nhiều phòng học, nhà làm việc, nhà kho của hợp tác xã hư hỏng. Ngoài ra, 6ha các loại cây ăn quả, 800ha rừng nguyên liệu bị gãy đổ, bật gốc… Ước tính thiệt hại hơn 8 tỷ đồng. Thiệt hại thì đã xảy ra, điều đáng lo hiện nay là nguy cơ sạt lở núi đang uy hiếp ảnh hưởng đến đời sống, sự an toàn của người dân địa phương.

Nhiều nơi sạt lở

Ông Nguyễn Văn Sự ở thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) cho biết, sau những đợt mưa lớn và gió bão vừa qua, khu vực núi Lở bị sạt hết sức nghiêm trọng. Nhiều tảng đá lớn nhô ra, tạo thành hàm ếch, có nguy cơ đổ xuống bất cứ lúc nào, uy hiếp sự an toàn của gần 20 hộ dân sống sát chân núi.

Ông Sự nói: “Thời gian gần đây, cứ mưa to, gió lớn là người già và trẻ nhỏ trong xóm vội vã ôm quần áo, chăn mền đến những khu vực an toàn trú ẩn. Tâm trạng chung của người dân nơi đây là hết sức lo lắng, bất an”. Cũng theo ông Sự, những đợt mưa lũ vừa rồi khiến nhiều khối đất đá theo các khe suối nhỏ đổ xuống bẻ gãy hàng loạt diện tích keo lá tràm và cuốn trôi đất canh tác của người dân.

Theo quan sát của chúng tôi, tại địa bàn thôn Kiệu Châu còn có 3 điểm sạt lở khác ở hố Dứa, hố Bà Trung và phía sau nhà ông Phạm Văn Phụ. Nhiều người dân nơi đây cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do lượng mưa năm nay quá lớn, cùng với việc nổ mìn thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cách đây vài năm gây sẵn vết nứt…

Ông Nguyễn Viết Đông - Bí thư Chi bộ thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn) cho hay, nhiều vết nứt, vết lõm trên đỉnh núi, lưng chừng núi đe dọa đến tính mạng người dân và hệ thống đường dây điện 220kV. Cạnh đó, sạt lở cũng gây bồi lấp hơn 2.000m2 đất sản xuất nông nghiệp. Đất đá từ trên những quả đồi chảy tràn xuống các khu dân cư, vào tận nhà dân đóng dày tới 30cm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Minh - Chủ tịch UBND xã Duy Sơn nói: “Ngoài thôn Kiệu Châu, tình trạng sạt lở núi còn xảy ra ở khu vực nhà thờ Núi thuộc thôn Trà Châu và khu vực Đồng Dĩnh ở thôn Phú Nham Tây, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của 16 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu, đồng thời bồi lấp nhiều diện tích đất canh tác lúa, hoa màu”.

Kiến nghị di dời dân khẩn cấp

Theo ông Nguyễn Viết Đông - Bí thư Chi bộ thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn), trong những ngày mưa to gió lớn hồi tháng 10 vừa qua, Ban dân chính thôn phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, cảnh báo nhân dân hạn chế đến các chân ruộng canh tác lúa, hoa màu và khai thác keo lá tràm tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao. Còn tình trạng sạt lở ngay dưới chân trụ điện của đường dây 220kV, ngành điện lực đã cử người kiểm tra, lót bạt tạm thời để hạn chế sạt tiếp, đảm bảo không làm gián đoạn quá trình truyền tải điện.

“Thời gian qua, nhiều người dân sống trong nỗi sợ hãi nên đã có hộ phải chấp nhận bỏ nhà cửa để đi đến nơi khác lập nghiệp. Trong khi đó, một số hộ chủ động trồng tre, xây tường cao che chắn nhà cửa nhưng khó mà cản nổi nếu cả nghìn khối đất đá từ trên cao đổ ập xuống” - ông Đông nói.

Cũng theo ông Nguyễn Phước Minh, ngay sau khi nắm bắt tình hình sạt lở núi tại một số điểm, lãnh đạo huyện Duy Xuyên và chính quyền địa phương đã gấp rút kiểm tra, đánh giá hiện trạng để có biện pháp khắc phục tạm thời.

“Chúng tôi dự tính kiến nghị với các ngành liên quan ở huyện, tỉnh sớm bố trí quỹ đất và hỗ trợ nguồn kinh phí để tổ chức di dời khẩn cấp ít nhất 30 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Việc di dời phải đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp được thuận lợi cũng như giữ được nếp sống làng quê...” - ông Minh nói.

MAI LINH - PHI THÀNH