Xây dựng xã văn hóa nông thôn mới

NHÃ PHƯƠNG – PHI THÀNH 24/11/2020 08:02

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, thời gian qua huyện Duy Xuyên chú trọng thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần tạo dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh.

Xã Duy Châu nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống. Ảnh: T.P
Xã Duy Châu nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống. Ảnh: T.P

Điểm sáng Duy Châu

Xã Duy Châu (Duy Xuyên) hiện có 5 thôn với khoảng 1.900 hộ dân sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Qua khảo sát cho thấy, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của Duy Châu chỉ đạt 14,5 triệu đồng thì dự kiến đến cuối năm 2020 này tăng lên 46 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,27%, giảm 4,2% so với cách đây 5 năm.

Ông Lê Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, cùng với việc chú trọng thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân thì xã cũng tập trung thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thông qua đó, nhiều gia đình ý thức và tự giác chung tay với chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống điện - đường - trường - trạm, nhất là thiết chế văn hóa, trồng cây xanh xung quanh nhà sinh hoạt văn hóa các thôn, xây dựng các tuyến đường hoa thay thế cỏ dại, góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Đồng thời thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Giai đoạn 2015 - 2020, địa phương huy động hơn 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Dự kiến, kết thúc năm 2020 xã Duy Châu sẽ có 5/5 thôn đạt chuẩn văn hóa, 94% số hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

“Điều đáng nói là, những năm qua Duy Châu nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhất là phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) mở lớp truyền dạy nghệ thuật hát sắc bùa cho người dân. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thi đấu thể dục - thể thao được tổ chức thường xuyên, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng và làm tiền đề xây dựng thành công xã NTM nâng cao vào năm 2025” - ông Hưng nói.

Lan tỏa mạnh mẽ

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho biết, xác định việc xây dựng đời sống văn hóa NTM chính là kế thừa, phát huy và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trọng tâm là xây dựng gia đình, thôn, khối phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 66 thôn, khối phố được công nhận danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 84,62%), trong đó nhiều xã có thôn, khối phố văn hóa đạt tỷ lệ 100% như Duy Phú, Duy Thu, Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành, Duy Vinh. Đáng ghi nhận, trong số 66 thôn, khối phố được công nhận danh hiệu văn hóa, có 21 đơn vị đạt thôn, khối phố văn hóa 3 năm liên tục (2017 - 2019).

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương, trong xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM, nhiều địa phương của huyện Duy Xuyên tập trung huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhân dân như trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu vui chơi dành cho trẻ em và người cao tuổi, các thiết chế thể thao gồm sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bể bơi... với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Nhờ vậy, thời gian qua phong trào thể dục - thể thao ở nhiều nơi phát triển khá mạnh, các giải thi đấu được tổ chức thường xuyên và đa dạng như cờ tướng, đua thuyền, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bơi lội, đua xe đạp… tạo cho người dân thói quen tự rèn luyện thân thể, nâng cao thể chất.

“Những năm gần đây nhiều địa phương cũng quan tâm xây dựng các tuyến đường tự quản, mô hình “Thắp sáng đường quê”, thu gom và xử lý rác thải, dẹp bỏ những biển, bảng quảng cáo, rao vặt sai quy định, gây mất mỹ quan... góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” – bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, đến cuối năm 2020, toàn huyện Duy Xuyên có 11/11 xã xây dựng NTM đạt chuẩn về văn hóa và 30 thôn, khối phố đạt danh hiệu khu dân cư kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu. Không chỉ vậy, hầu hết cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa nơi làm việc và quan tâm đến đời sống người lao động, nhất là trong các dịp lễ, tết, đau ốm, bệnh tật được động viên thăm hỏi kịp thời như Công ty TNHH MTV Sedo Vinako, Đại Dương Kính, Tấn Minh… Đến năm 2020, toàn huyện có 56/103 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2012 - 2019.

Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói: “Thời gian đến, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Thi đua xây dựng NTM - đô thị văn minh”. Theo đó, các ngành, các cấp của huyện sẽ không ngừng nâng cao chất lượng, đưa hai phong trào này đi vào chiều sâu và thực chất, khắc phục triệt để cách làm hình thức, chạy theo thành tích, phấn đấu làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và là nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững”.

Gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến đầu tháng 11 này, toàn tỉnh có tổng cộng 304 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó số HTX mới thành lập là 23 đơn vị. Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển HTX, từ đầu năm 2020 đến nay ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đã tiến hành hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 5 HTX nông nghiệp để có điều kiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất – kinh doanh; đồng thời hỗ trợ gần 495 triệu đồng để thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 4 HTX nông nghiệp. (MAI NHI)

Thêm 78 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ các ngành, các cấp nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên thời gian qua việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn của tỉnh có bước chuyển biến tích cực.

Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay toàn tỉnh đã thu hút thêm 78 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, có 9 dự án thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh; 2 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 7 dự án sản xuất và cung ứng giống nông - lâm - thủy sản; 23 dự án chế biến nông - lâm - thủy sản; 20 dự án phát triển chăn nuôi tập trung; 2 dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; 2 dự án đầu tư dịch vụ công và kết cấu hạ tầng nông nghiệp; 8 dự án đầu tư sản xuất và chế biến các sản phẩm rau, quả, nấm; 4 dự án chế tạo thiết bị linh kiện, máy nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ; 1 dự án trồng rừng gỗ lớn. (TỨ ĐIỀN)

Tổng sản lượng bắp toàn tỉnh tăng 1.558 tấn

Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2020 nông dân trên địa bàn tỉnh tổ chức sản xuất tổng cộng 11.500ha bắp các loại (giảm 123ha so với năm 2019), tập trung nhiều nhất tại các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức. Nhờ nông dân đưa nhiều loại giống mới có chất lượng tốt vào canh tác đại trà và áp dụng hiệu quả các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đặc biệt là chủ động phòng trừ những loại dịch hại nguy hiểm nên năm nay năng suất bắp bình quân toàn tỉnh đạt 48 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha so với năm ngoái. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng nhờ năng suất tăng mạnh nên tổng sản lượng bắp năm 2020 của tỉnh đạt 55.200 tấn, tăng 1.558 tấn so với năm trước.  (MAI LINH)

Hơn 278 tỷ đồng đầu tư hạ tầng thủy lợi

Từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh phân bổ, đầu năm 2020 đến nay chính quyền các địa phương tiếp tục đầu tư xây mới và nâng cấp 62 công trình thủy lợi nhỏ với số tiền hơn 87,5 tỷ đồng, thi công 24 công trình thủy lợi hóa đất màu với kinh phí 26,9 tỷ đồng, kiên cố hóa 91 tuyến kênh mương loại 3 (tổng chiều dài 46,2km) với số tiền hơn 113 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới kết hợp huy động và lồng ghép nhiều kênh vốn khác, trong 10 tháng đầu năm 2020 các địa phương của tỉnh cũng đã xây dựng thêm 13 công trình thủy lợi nhỏ, 1 công trình thủy lợi hóa đất màu và 54 tuyến kênh mương loại 3 (chiều dài 38,2km) với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng. (NHÃ PHƯƠNG)

NHÃ PHƯƠNG – PHI THÀNH