Đại Lộc tổ chức đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân

HOÀNG LIÊN - DUY LIỄU 23/11/2020 20:37

(QNO) - Ngày 23.11, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Thượng thư Nguyễn Tường Vân, UBND xã Đại Tân (Đại Lộc) tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.

Theo nhiều tài liệu, Thượng thư Nguyễn Tường Vân (1772-1820), là Thượng thư Bộ Binh triều Nguyễn, tước Nhuận Trạch Hầu, hậu duệ dòng họ Nguyễn Văn, sinh sống tại xã Phúc Điền, tổng Hạ Bản, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa, di cư vào ngụ đất Gia Định thời chúa Nguyễn, sau dời ra xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc phường Cẩm Phô, TP.Hội An).

Năm Bính Thìn - 1796, ông đỗ tam trường, được bổ chức Phủ Lễ sinh, sau đó thăng chức Nhập thị thư viện, rồi thăng Chính dinh Trị bạ Tri nội các.

Ngôi mộ cụ Nguyễn Tường Vân có lịch sử 200 năm. Ảnh: NHAN DUY
Ngôi mộ cụ Nguyễn Tường Vân có lịch sử 200 năm. Ảnh: NHAN DUY

Thượng thư Nguyễn Tường Vân từng được xem là người học hành đỗ đạt đầu tiên ở đất Gia Định, là người khai nguyên một dòng họ khoa bảng và văn chương nổi tiếng - họ Nguyễn Tường ở Quảng Nam.

Nhờ lập được nhiều công lớn, ông được chúa Nguyễn Ánh yêu mến và trọng vọng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Tương truyền, ông được vua ban cho họ Nguyễn Tường, thay cho họ Nguyễn Văn.

Năm Gia Long nguyên niên (1802), ông từng được cử cùng sứ bộ đến tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mua sắm quốc dụng. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Cai bạ Dinh Quảng Nam, Ký lục trấn Bình Thuận, Hiệp trấn Nghệ An, Hữu Tham Tri bộ Hộ, Bắc Thành Hộ tào sự vụ, Đề điệu trường thi Sơn Nam hạ.

Cụ Nguyễn Tường Vân từng mạnh dạn tâu lên hai vị vua đầu tiên của triều Nguyễn những kế sách ngoại giao và nội trị, thể hiện tầm nhìn xa của một kẻ sĩ xứ Quảng.

Viếng hương mộ cụ Nguyễn Tường Vân. Ảnh: NHAN  DUY
Viếng hương mộ cụ Nguyễn Tường Vân. Ảnh: NHAN DUY

Khi ông mất, thi hài được đưa về quê an táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Gò Lăng, thôn Xuân Tây xã Đại Tân, huyện Đại Lộc). Ngôi mộ nằm trên một gò đất cao, dân làng quen gọi là Gò Lăng hay Gò Lăng Ông. Từ đó đến nay lăng mộ đã trải qua 200 năm nhưng vẫn còn giữ nguyên dáng dấp ngôi mộ cổ.

Lễ đón nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ cụ Nguyễn Tường Vân tại xã Đại Tân. Ảnh: NHAN DUY
Lễ đón nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân tại xã Đại Tân. Ảnh: NHAN DUY

Ngày 15.7.2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND xếp hạng di tích Mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân là di tích lịch sử cấp tỉnh. Mộ cụ Nguyễn Tường Vân cùng các chiếu chỉ của nhà vua, các bút tích của con cháu được ghi bằng chữ Hán, lưu giữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở Hội An (đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh) là nguồn tư liệu quý phục vụ giới nghiên cứu tìm hiểu về ông.

Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Đại Lộc đề nghị đề nghị UBND xã Đại Tân và Hội đồng gia tộc tộc Nguyễn Tường cần phối hợp với ngành văn hóa và thông tin địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc. Tổ chức thường xuyên các hoạt động giáo dục truyền thống tại di tích. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân và nâng cao trách nhiệm của con cháu gia tộc trong việc bảo vệ di tích, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi làm ảnh hưởng đến di tích.

HOÀNG LIÊN - DUY LIỄU