Sẽ đầu tư đồng bộ cho miền núi

ĐÔNG YÊN 23/11/2020 10:45

(QNO) - Quan tâm hơn đến giáo dục, xây dựng nơi ở an toàn, đầu tư hạ tầng phục vụ dân sinh… là mong mỏi lớn nhất mà cử tri miền núi gửi gắm đến đại biểu Quốc hội tại các cuộc tiếp xúc cử tri cuối tuần qua.

Cử tri miền núi kiến nghị Quốc hội cần quan tâm đến giáo dục, hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Đ.ĐẠO
Cử tri miền núi kiến nghị Quốc hội cần quan tâm đến giáo dục, hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Đ.ĐẠO

Nhiều nhu cầu bức thiết

Thầy giáo Hồ Anh Dũng (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) đề cập đến vấn đề khá nóng hiện nay là đưa vào sử dụng sách giáo khoa mới. Bộ sách giáo khoa lớp 1 khi đưa vào sử dụng có sai sót nên thầy Dũng đề nghị cần phải rà soát các bộ sách giáo khoa mới trước khi đưa vào giảng dạy năm học 2021 - 2022.

“Có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng phải xác định cho được một bộ sách giáo khoa phù hợp, bám sát khung chương trình do Bộ GD-ĐT đề ra nhưng phải không có sai sót như trường hợp bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa qua để không làm khổ giáo viên và học sinh. Nên chăng chúng ta cần một bộ sách phù hợp cho riêng con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam” - thầy Dũng đặt vấn đề đến các đại biểu Quốc hội.

Cũng trên lĩnh vực giáo dục, nhiều ý kiến nhắc đến việc học tập của học sinh đang gặp nhiều khó khăn như thiếu trường lớp, chế độ chính sách ưu đãi cần được quan tâm hơn. Đến nay, chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền bán trú thì học sinh cấp mầm non vẫn chưa có khiến việc chăm lo cho trẻ em vẫn chưa được tốt như mong muốn.

“Bà con giờ vẫn phải bươn chải cả ngày để mưu sinh mà học sinh mẫu giáo phải đón đưa từng buổi một nên nhiều khi bà con mang con theo đi làm mà không đưa đến trường vào buổi chiều. Như vậy, so với các cấp học khác, chế độ cho học sinh mẫu giáo vẫn chịu nhiều thiệt thòi” - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Phượng (Bắc Trà My) - Trần Thị Thu Thúy cho biết.

Cử tri Hiệp Đức nêu bất cập về trường lớp xuống cấp, tình trạng con em dân tộc thiểu số được đưa đi học cử tuyển đại học và cả tự bỏ kinh phí đi học nhưng rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có cơ hội làm việc, phục vụ lại địa phương…

Công trình kiên cố có công năng phòng chống thiên tai cùng với tái định cư an toàn là hai vấn đề bức thiết cần sớm được quan tâm. Ảnh: Đ.ĐẠO
Công trình kiên cố có công năng phòng chống thiên tai là vấn đề bức thiết cần sớm được quan tâm. Ảnh: Đ.ĐẠO

Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội cuối tuần qua, trăn trở lớn nhất đối với miền núi là tìm một mô hình kinh tế bền vững. Theo cử tri, khi thiên tai ngày càng diễn biến khó lường thì những mô hình kinh tế dựa vào rừng như hiện tại không còn phù hợp. “Chúng tôi cần một mô hình kinh tế rừng bền vững về lâu về dài, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì thực tế qua đợt thiên tai vừa rồi thì cây keo, cây cao su ngã gãy hết” - ông Phạm Văn Đường, Trưởng thôn 1 (xã Trà Đốc) nói.

Cùng quan điểm, cử tri Tạ Hữu Hoành (thôn Trà Va, xã Sông Trà, Hiệp Đức) chua xót: “Cao su từng có thời được mệnh danh “vàng trắng” trên mảnh đất Hiệp Đức này nhưng những năm nay thiên tai liên tiếp, người trồng cao su đã mất trắng rồi. Đầu tư 1ha cao su hơn 40 triệu đồng, sau 8 năm mới khai thác. Nay chưa kịp khai thác thì cây gãy, không cho mủ. Và giá mủ cao su lỏng chỉ 2.500 đồng/kg thì chúng tôi đã sợ và không dám đầu tư nữa. Chúng tôi rất cần Nhà nước định hướng một loại cây khác phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu để có thể yên tâm làm ăn”.

Tập trung đầu tư cho miền núi

Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, việc bà con quan tâm nhiều đến tái định cư an toàn để sinh sống là nhu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay. Tại huyện Bắc Trà My, khảo sát mới đây cho thấy có đến khoảng 400 địa điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, mất an toàn chứ không chỉ là hơn 30 điểm như trong bản đồ cảnh báo thiên tai.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình trả lời các kiến nghị của cử tri miền núi. Ảnh: Đ.ĐẠO
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình trả lời kiến nghị của cử tri miền núi. Ảnh: Đ.ĐẠO

“Cử tri vùng miền núi, trung du phần lớn quan tâm đến địa điểm tái định cư an toàn và xây dựng các công trình trường học, nhà văn hóa kiên cố kết hợp công năng phòng chống thiên tai là điều mà Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến. Địa phương cần rà soát lại nhu cầu tái định cư, nhu cầu xây dựng các công trình kiên cố, khảo sát các mặt bằng để có thể kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ. Việc này cần có nhà khoa học, chuyên gia để làm. Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam sẽ ưu tiên kiến nghị vấn đề này tại kỳ họp tiếp theo của Quốc hội” - đại biểu Phan Thái Bình nói.

Với các nhu cầu về liên lạc viễn thông, điện sinh hoạt…, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị lãnh đạo các ngành trả lời rõ. Theo đó, ngành điện lực đang cùng các địa phương khảo sát, lên danh mục nhu cầu cấp điện để từng bước thực hiện các dự án. Ngành viễn thông cũng đang nỗ lực khắc phục các sự cố sau bão lũ cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng viễn thông để thông suốt thông tin cho miền núi.

Về vấn đề sách giáo khoa, theo chủ tương của tỉnh, đã giao Sở GD-ĐT tham mưu tỉnh lựa chọn một bộ sách giáo khoa tốt nhất, phù hợp nhất để khuyến khích các trường tham khảo, sử dụng; tránh tình trạng mỗi trường một loại sách dẫn đến bất cập như vừa qua.

“Sau những thiệt hại về kinh tế, chúng ta phải nhìn nhận lại về phát triển kinh tế vùng trung du, miền núi. Tìm kiếm giống cây kinh tế phù hợp, quy hoạch vùng sản xuất… là một quá trình với sự tham gia của nhiều ngành hữu quan để giúp bà con xây dựng kinh tế về lâu dài. Trước mắt, địa phương phải làm tốt công tác hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, các ngân hàng cần chủ động giúp nhân dân được hưởng các chính sách vay vốn ưu đãi để bà con ổn định cuộc sống” - đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội - Nguyễn Đức Hải (đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam), Quốc hội đã thống nhất trong thời gian tới sẽ có một chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho vùng miền núi. Trong đó, dự kiến sẽ dành khoảng 100 nghìn tỷ đồng đầu tư tập trung trong khoảng 10 năm tới. Việc có một chương trình mục tiêu quốc gia lớn, đầu tư đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục sẽ là cú huých để miền núi thay đổi, rút ngắn cách biệt với đồng bằng.

ĐÔNG YÊN