Nghĩa đồng bào lúc thiên tai

TRẦN ĐÌNH HẰNG 22/11/2020 07:13

Khi chung vui chiến thắng, con người như càng gia tăng lòng tự hào. Lúc nguy nan, sự chung tay sẻ chia cứu trợ lại tăng nghĩa đồng bào lên gấp bội, giúp cộng đồng khắc phục khó khăn, vượt qua nguy nan để bình ổn cuộc sống.

Đà Nẵng sau một cơn bão đầu thế kỷ 20. Ảnh: Delcam.net
Đà Nẵng sau một cơn bão đầu thế kỷ 20. Ảnh: Delcam.net
 Nghĩa đồng bào lúc thiên tai là nét đẹp nhân văn vô giá, giúp con người và xã hội thêm chất keo kết dính, trở thành nghị lực Việt Nam độc đáo để vượt khó vươn lên. Xin giới thiệu đến bạn đọc vài cách làm của người xưa.

Hội Cứu tế nạn dân Trung kỳ

Miền Trung trong lịch sử vốn chịu nhiều tác động nghiệt ngã của thiên tai, thường nhận được sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cả nước. Vì vậy việc cứu tế đã trở thành nhu cầu thường trực trong ứng xử xã hội lẫn chuẩn mực đạo đức luân lý, như năm 1934 đã từng có một hội đồng cứu tế được thành lập để giúp đồng bào bị nạn lụt ở Bắc Trung kỳ.

Tháng 3.1935, Hội Cứu tế thu được hơn 75.004đ, chi xuất hết hơn 38.304đ, còn lại hơn 36.670đ. Tất cả còn chờ số tiền và lúa, gạo từ Nam kỳ và Bắc kỳ gửi thêm. Riêng với hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng, Hội Cứu tế đề nghị quan tỉnh cần trù liệu số lượng lúa gạo cụ thể để gửi ra. Công sứ Hà Tĩnh xin 1.000 tấn gạo, 27.000đ; Quảng Bình xin 400 tấn gạo và 35.000đ; tất cả chia ba lần gửi, “để làm những việc hưng công đại chẩn trong tỉnh thành”. Những việc hưng công đại chẩn phải đảm bảo có ích lợi chung, không làm những việc có tính chất cá nhân như giúp cho vài người, hay giúp họ nạp thuế. Vì vậy, lấy việc hưng công đại chẩn để làm gì đều phải trình cho Hội Cứu tế biết.

Đương thời, Chính phủ còn giao thiệp với các hãng tàu Compagnie Côtière và Maritime để có giá ưu đãi chở lúa gạo cứu tế từ Nam kỳ ra Đà Nẵng, không được lấy quá 2đ/tấn. Công sứ Quảng Bình còn có văn bản nói người thợ khắc dấu cho các lý trưởng toàn tỉnh Quảng Bình được tiền công 500đ, xin cúng hết cho Hội Cứu tế (Tràng An báo, số 007 - 1935).

Phiên họp Hội đồng trung ương Cứu tế nạn dân Trung kỳ ngày 23.5.1935 tại Bộ Tài chính cho biết, hội có hơn 119.882đ, đã phân phát cứu trợ hết hơn 74.670đ, còn hơn 45.212đ. Theo đó thì Hội Cứu tế có mua 120 con trâu, bò để phát cho thôn dân hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phát triển sinh kế. Ngoài ra, từ Nam bộ gửi ra 77 tấn gạo và lúa, Công sứ Hà Tĩnh đã phát cho bà con các vùng bị thiệt hại nặng hết 482 bì gạo, 412 bì lúa. Đồng thời các sổ lạc quyên từ khắp nơi cũng đã gửi về gần hết (Theo báo Tràng An, số 027 - 1935).

Hội Cứu tế nạn dân Bắc kỳ

Đợt miền Bắc bị thủy tai hồi cuối năm 1937 đã làm hại đến gần 400.000 người rơi vào tình cảnh khốn đốn, triều đình nhà Nguyễn cho lập Hội đồng trung ương Cứu tế nạn dân Bắc kỳ tại Huế, gồm nhiều quan chức thân hào Pháp - Nam, do Thượng thư Hồ Đắc Khải - Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch, quy tụ nhiều nhân sĩ nổi danh như các vị Thượng thư Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Khoa Kỳ, Chủ nhiệm báo Tiếng Dân, Chủ nhiệm báo Pháp Nam, Chủ nhiệm báo Tràng An, ông Bùi Huy Tín - Chánh phả trưởng Bắc Kỳ châu phả, Nguyễn Tiến Lãng - Trưởng ty báo chí ngự tiền Văn phòng... (Tràng An báo, số 264 - 1937).

Hội Cứu tế mở cuộc lạc quyên khắp Trung kỳ, sổ lạc quyên đều có số hiệu, đóng dấu của Hội trưởng, rồi gửi đi các công sở và những nhà hảo tâm, sau khi đã có hai tờ thông tư do Bộ Tài chính và Khâm sứ Trung kỳ soạn gửi đi khắp nơi. Tất cả nhằm khuyến khích lòng từ thiện trong dân gian, cho phép và khuyến khích người dân hảo tâm làm việc nghĩa.

Ngay sau đó, Hội Cứu tế đã tổ chức đợt cứu tế nạn dân Bắc kỳ đầu tiên, gửi ra phủ Thống sứ Bắc kỳ số tiền 6.800đ để chẩn cấp cho dân bị lụt (bao gồm số tiền được Hoàng đế, Thái hoàng Thái hậu ân ban, Chánh phủ Nam triều và Quỹ Quốc gia cứu tế Trung kỳ). Sau đó, Hội đồng Cứu tế sẽ gửi tiếp những khoản tiền thu được qua các cuộc lạc quyên, các hoạt động phước thiện ở Huế và các tỉnh Trung kỳ. Đáng chú ý là trong ngày 10.10.1937, tại Sân vận động Huế đã diễn ra trận đấu bóng giao hữu giữa hai hội SEPSH và SOH - những hội Tây mới được thành lập để lấy tiền giúp dân bị lụt ở ngoài Bắc, kết quả hai đội hòa nhau với tỷ số 3 - 3. Về sau, Hội Cứu tế còn nhận thêm nhiều ngân khoản đóng góp từ Trường Đồng Khánh, từ đêm làm việc nghĩa của Hội Hòa Lạc, hai đêm làm việc nghĩa của các ông dân biểu, học sinh và lao động tổ chức tại Viện Dân biểu Trung kỳ, với số tiền lên đến 726đ56 (Theo báo Tràng An, số 265 - 1937).

Hội Lạc thiện

Hội Lạc thiện được lập ra tại Kinh đô Huế từ năm 1930, khởi xướng từ phu nhân quan Khâm sứ Trung kỳ Le Fol, mời Thái hoàng Thái hậu, Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu cùng ông bà Khâm sứ Trung kỳ làm Hội trưởng danh dự, thu hút nhiều nhân sĩ trí thức đương thời, cụ thể là với 35 người tư trợ hội viên (dự khuyết), 100 người thường trợ hội viên (chính thức). Hội có mục đích giúp thêm tiền bạc cho các cơ quan cứu tế, để giúp cho các hội làm phước đã có thành tích ở khắp miền Trung. Hội Lạc thiện đã tổ chức một phòng khám bệnh thường xuyên ở Nhà Thương lớn Huế vốn dành riêng cho người nghèo. Đồng thời mỗi khi có các quốc lễ khánh tiết và khi mưa lụt, Ban Trị sự trực tiếp với các quan tỉnh hạt để phân phát quần áo cho những người nghèo khổ mà các quan tỉnh đã tin báo cho hội. Theo đó, hội tùy vào điều kiện tài chính mà hết sức cứu giúp người bị ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn các tỉnh Trung bộ.

Tài chính của Hội Lạc thiện là tiền đóng góp thường lệ của hội viên, tiền trợ quyên và lạc quyên, tiền thu nhập từ các cuộc làm phước, chợ đêm, xổ số do hội tổ chức, tiền phụ cấp thường niên của Chính phủ Nam triều và Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Tính đến đầu năm 1935, hội có ngân khoản 700đ. Không chỉ có vậy, từ 1932, Hội Lạc thiện còn thành lập được chi nhánh tại 10/17 tỉnh Trung kỳ (Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Sông Cầu, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết). Hoạt động của hội đã đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phổ biến của xã hội trong việc hưởng ứng hoạt động cứu tế, hy vọng từ đó sẽ ngày một thực hành được nhiều việc hữu ích hơn nữa về phương diện cứu tế và chẩn tế (Theo báo Tràng An, số 008 -1935).

Đáng chú ý là từ đầu thế kỷ 20, thực tế và nhu cầu xã hội đã đặt ra vấn đề cứu tế tận đời sống xã thôn, là mỗi làng nên có một công quỹ cứu tế, gắn liền với những việc cụ thể như thực hành hương ước lệ làng trong vấn đề nộp cheo, trong hiếu hỷ, tang ma... của từng gia đình, để cộng hưởng tích cực với các nguồn lực của chính phủ, sự đóng góp của từng hội viên hay các nhà tài trợ, nguồn quỹ hội cho vay ưu đãi. Nhờ vậy mà những nguồn lực xã hội đó đã kịp thời đến được với bà con vùng thiên tai, thiết thực hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

TRẦN ĐÌNH HẰNG