99% thủ tục hành chính ở Nhật Bản không còn sử dụng con dấu
(QNO) - Bộ trưởng Bộ Cải cách hành chính Nhật Bản Taro Kono thông báo rằng nước này sẽ bãi bỏ gần như tất cả yêu cầu sử dụng con dấu trong các thủ tục hành chính.
Hiện nay ở Nhật Bản có khoảng 15.000 quy trình hành chính yêu cầu con dấu hanko. Ngoại trừ 83 thủ tục quan trọng bắt buộc phải sử dụng con dấu, 14.992 thủ tục (hơn 99%) sẽ không còn yêu cầu con dấu. Trong số 14.992 được bãi bỏ, 5.198 thủ tục được bỏ ngay lập tức hoặc đang trong quá trình thực hiện và 9.711 thủ tục đang được xem xét.
“Đây là một bước quan trọng trong việc giảm bớt sự tương tác giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Chúng tôi sẽ chuẩn bị một gói luật để trình lên phiên họp thường kỳ của Quốc hội vào đầu năm 2021” - tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Kono cho biết. “Một khi chúng tôi đã loại bỏ hành vi đóng dấu trên tài liệu, những tài liệu đó có thể được hoàn thành hoàn toàn trực tuyến” - ông Kono cho biết thêm.
Hanko là con dấu thường dùng để thay thế cho chữ ký trong các văn bản tại Nhật Bản. Gần như bất kỳ người Nhật nào cũng sở hữu một con dấu hanko để đóng vào các văn bản hành chính như hóa đơn, hợp đồng hay mở tài khoản ngân hàng. Việc bãi bỏ yêu cầu sử dụng con dấu sẽ giúp người dân Nhật Bản thuận tiện hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc đăng ký công ty mới, giao dịch bất động sản hay đăng ký xe vẫn cần đến con dấu.
Bên cạnh cắt giảm việc sử dụng con dấu, chính quyền của tân thủ tướng Suga Yoshihide đang thúc đẩy nỗ lực số hóa bao gồm loại bỏ các yêu cầu về giấy tờ và các cuộc họp trực tiếp, loại bỏ các yêu cầu về cư trú và nghề nghiệp được chỉ định, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Vào tháng 10.2020, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành chuyển các thủ tục hành chính sang trực tuyến để giảm gánh nặng hành chính và cải thiện dịch vụ cho người dân.