Chờ cơn nắng ấm

THÀNH CÔNG 20/11/2020 07:58

Đường trôi, trường sạt lở. Hơn hai tuần, bời bời ngổn ngang không chỉ ở khung cảnh hoang tàn sau bão lũ, mà còn giăng mắc trong ưu tư của bao thầy cô nơi miền ngược Phước Sơn. Hơn cả nước mắt, một niềm thương đau đáu hướng về lũ học trò miền núi vốn đã thiếu ăn, thiếu mặc, nay còn vắng sự bảo ban ân cần của thầy cô dậy lên trong mắt họ…

Bùn đất tràn vào dãy phòng cũ của Trường Tiểu học và THCS Phước Thành. Ảnh: T.N
Bùn đất tràn vào dãy phòng cũ của Trường Tiểu học và THCS Phước Thành. Ảnh: T.N

“Điều bất thường” sau bão

Cô Bạch Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo liên xã Kim Thành Lộc (Phước Sơn) bỏ môn thi của lớp đại học mà mình đang theo học ở TP.Tam Kỳ kể từ sau bão số 9. Khoảng thời gian lẽ ra dành cho trường mầm non nơi mình công tác và ngày cuối tuần cho lớp đại học bị chiếm trọn bởi những chuyến đi về giữa Khâm Đức - Phước Kim - Phước Thành, khi thì mang vài bọc quần áo, khi thì cá khô, dầu mắm… cho giáo viên lẫn học sinh của trường mình. Điểm trường chính tại xã Phước Kim từ đó đến giờ vẫn mở cửa, nhưng không để dạy học: hơn 100 nhân khẩu của làng Triên đang tá túc chật kín các căn phòng, sau bão.

Cắt rừng để đến với học trò, là xác định băng bộ gần nửa ngày đường, qua hàng trăm điểm sạt lở, qua những con suối nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, xuyên bao nhiêu dốc núi, cây rừng…

Một tuần sau ngày lũ quét đổ qua, cô Hà cùng chồng theo dân quân xã vào lại Phước Thành. Chân đứng không vững, khi chẳng thể nhận ra thôn 2 yên bình ngày cũ. Mọi thứ điêu tàn, đổ nát.

“Quê mẹ mình ở đây, mình gắn bó với đất này cũng đã 13 năm, quá xót xa. Ngày lũ quét đổ về, xem những hình ảnh mà người làng đăng trên mạng xã hội, mình khóc, mất ngủ suốt mấy đêm liền. Điểm trường mầm non ở thôn 2 Phước Thành vừa xây, khi hoàn thành sẽ có một chỗ khang trang hơn cho trẻ ra lớp ở bán trú, nhưng giờ thì nứt toác rồi. Điểm trường chính mất điện, không có nước, không biết bao giờ mới cho các em trở lại lớp được. Ngày mình vào Phước Thành, lũ trẻ chơ vơ, nhiều em không có nổi một bộ áo quần để mặc. Tất cả cứ như một cơn ác mộng” - cô Hà kể.

Điểm trường Mầm non liên xã Kim Thành Lộc chưa kịp xây dựng hoàn thành đã bị lũ phá hỏng. Ảnh: THÀNH CÔNG
Điểm trường Mầm non liên xã Kim Thành Lộc chưa kịp xây dựng hoàn thành đã bị lũ phá hỏng. Ảnh: THÀNH CÔNG

Khi cơn lũ đổ về, vợ chồng cô Hà đang ở Khâm Đức, nơi có căn nhà nhỏ để cha già hơn 80 tuổi và hai người con ở. Chồng cô Hà làm cán bộ văn hóa xã Phước Thành, căn nhà cũ ở thôn 2 đóng cửa. Sau lũ, tài sản trong nhà bị cuốn trôi, thứ vùi trong bùn đất, mái sập, ván hỏng.

“Vợ chồng mình còn có lương, nhà bị hư hại còn có thể sửa chữa. Nhưng học trò của mình giờ phải sống tạm trong trạm y tế, trường học, cả những túp lều tạm, sách vở cũng bị lũ cuốn hết cả rồi...” - cô Hà không kể được nữa, tiếng nấc nghẹn chặn ngang câu chuyện.

Suốt những chuyến đi không ngừng nghỉ của cô Hà sau bão, có người bạn đồng hành là cô giáo Hồ Thị Đêm, giáo viên của trường. Cô Đêm là nhân chứng trong vụ lũ quét kinh hoàng đổ qua thôn 2 xã Phước Thành chiều 28.10.

“Đất gầm dữ dội, nhìn lên thì thấy sạt, hai vợ chồng chỉ kịp chạy xe lên xóm trên tránh trú. Hơn một giờ chiều thì lũ tràn từ trên núi xuống. Rất sợ. Tầm 4 giờ nước rút, vợ chồng mình mới dám về, căn nhà chỉ bị lấp sân, hư một góc. Nhiều người không được may mắn như mình... Hai tuần không đến trường, đến lớp có lẽ là điều bất thường lớn nhất trong năm học này. Mình mong từng ngày được gặp các em, gặp đồng nghiệp. Cứ nghĩ cảnh con đường ngày xưa mất rồi, nhà của các em cũng mất rồi, lòng cứ ngổn ngang” - cô Đêm kể.

Bộn bề nơi cô Hà và cô Đêm đang ngồi, đống quần áo cũ được các cô gom góp từ người quen đang chờ gấp gọn, mang vào lại Phước Thành.

Cắt rừng về với học sinh

Tôi đã định sẽ không kể thêm về những mất mát, đau thương nơi Phước Lộc, Phước Thành, khi những ngày qua tin tức về nơi này đã ngồn ngộn trên mặt báo. Nhưng cứ trở đi trở lại trong tôi lời kể của thầy Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc. Bốn em học sinh mất trong vụ sạt lở, 26 em khác nhà cửa bị sạt lở vùi lấp hoàn toàn. Hơn 50% gia đình các em học sinh bị hư hỏng nhà cửa, đường vào vẫn đang bị cô lập.

Cô Hà và cô Đêm sắp xếp lại mớ quần áo để chuyển vào cho bà con xã Phước Thành. Ảnh: T.C
Cô Hà và cô Đêm sắp xếp lại mớ quần áo để chuyển vào cho bà con xã Phước Thành. Ảnh: T.C

“May mắn là thời điểm trước bão, vì sợ các em về làng sẽ mất an toàn nên trường đã giữ lại 35 học sinh đến bây giờ, nếu không có khi con số thiệt hại còn có thể tăng lên nữa. Cá khô, rau rừng, nay có thêm đồ tiếp tế xã cấp, thầy cô và trò vẫn ở lại trường, có gì ăn nấy. Trường không hư hỏng nhiều, nhưng một dãy phòng giờ nằm bên miệng sạt lở, nguy cơ rất cao. Nhưng không thể dừng việc học. Nhiều thầy cô bị mắc kẹt ở bên ngoài chưa trở vào được, nhưng trong tuần này, sẽ cố gắng cắt rừng bằng đường bộ từ Phước Công để vào lại trường, cố gắng dạy học lại cho các em vào tuần sau” - thầy Ngộ nói.

Níu lấy con chữ, ở vùng cao, luôn là rất nhiều cố gắng. Bây giờ, còn cần nhiều hơn thế. Cắt rừng để đến với học trò, là xác định băng bộ gần nửa ngày đường, qua hàng trăm điểm sạt lở, qua những con suối nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, xuyên bao nhiêu dốc núi, cây rừng…

Một giấc mơ dần thành hình khi ngôi trường mới khang trang của điểm Trường Mầm non liên xã Kim Thành Lộc mọc lên sừng sững giữa rừng. Nhưng chưa kịp hoàn thiện, lũ quét qua, trường mới đã hư hỏng nặng. Tại Trường Tiểu học và THCS Phước Thành, bùn đất tràn vào dãy phòng học cũ, xô sập tường nơi ở bán trú của học sinh lẫn dãy phòng ở của thầy cô giáo.

Thầy giáo Trà Văn Nhiều - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lũ cuốn trôi cầu, đường sá sạt lở, nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là chuyện đưa học sinh ra lớp. “Trường có hơn 400 em, trong đó có 4 lớp THCS. Nhà cửa, sách vở, đồ dùng học tập của các em trôi sạch. Nhiều em lớp 9 vừa đi học, vừa là lao động chính của gia đình, nguy cơ các em bỏ học hiển hiện. Nhiều giáo viên phải cắt rừng trở lại trường, xe máy của thầy cô, máy tính, máy in bị lũ vùi; điện, nước vẫn chưa có. Chưa bao giờ chuyện học chông chênh như lúc này” - thầy Nhiều nói.

Bùn đất tràn vào dãy nhà ở của thầy cô Trường Tiểu học và THCS Phước Thành.
Bùn đất tràn vào dãy nhà ở của thầy cô Trường Tiểu học và THCS Phước Thành.

Lũ qua, cuốn trôi cả trang giáo án lẫn sách vở học trò, chia cắt luôn con đường đến lớp vốn đã lắm gập ghềnh nơi rẻo cao. Ngày 20.11 năm nay sẽ là một ngày nhà giáo không hoa, không quà, hẳn rồi, nhưng đã ấm biết bao nhiêu những quây quần thầy trò dọn bùn non, khiêng từng chiếc bàn ghế ra cọ rửa chờ ngày đi học trở lại.

“Chúng tôi sẽ cố gắng giữ các em nhà cửa bị mất do bão lũ ở lại trường, hoặc ở các thôn xa, lo cho các em ở bán trú. Với thiệt hại hiện tại, chắc chắn không thể thực hiện bán trú cho toàn bộ học sinh, nhưng sẽ cố gắng khắc phục sớm nhất có thể ở các điểm trường vùng đang còn cô lập. Giáo viên vùng ít thiệt hại, phụ huynh học sinh cũng tham gia giúp khắc phục cho những nơi thiệt hại nặng, ngành giáo dục cũng kêu gọi sự chung tay của các trường, khi nào đường thông sẽ đưa sách vở, đồ dùng học tập vào cho các em. Năm này, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ tổ chức giản đơn, dành kinh phí ủng hộ, giúp đỡ thầy trò còn khó khăn ở các xã Phước Thành, Phước Lộc” - bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn chia sẻ.

Mưa đã ngớt. Sau chuỗi ngày xám xịt mịt mùng nơi góc núi, những ám ảnh trĩu đè của thầy và trò vùng cao cũng đã vơi. Thầy trò vẫn từng ngày chờ nắng ấm. Hong khô con chữ cho học trò. Sưởi ấm những ưu tư nơi thầy cô. Và hy vọng con đường đến trường của thầy trò vùng cao bớt nhọc nhằn…

THÀNH CÔNG