Nam Trà My nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

ALĂNG NGƯỚC 20/11/2020 04:39

Trước những thiệt hại nặng nề sau mưa lũ, huyện Nam Trà My đang huy động lực lượng, nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục, nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân miền núi.

Từ những nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay các tuyến đường Nam Trà My đã tạm thời thông tuyến. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ những nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay các tuyến đường Nam Trà My đã tạm thời thông tuyến. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thiệt hại nặng nề

Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, sau các đợt mưa lũ kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 10, địa phương ghi nhận con số thiệt hại rất lớn. Ngoài 22 người chết và mất tích, toàn huyện còn 33 người bị thương, cùng hàng trăm ngôi nhà người dân bị vùi lấp, hư hại do sạt lở đất, gió bão và lũ cuốn trôi. Đây được xem là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, kể từ khi Nam Trà My tái lập huyện.

Đề nghị hỗ trợ 200 tỷ đồng khắc phục thiệt hại mưa lũ

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Trần Duy Dũng cho biết, chính quyền địa phương vừa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng để khắc phục tạm thời các hư hỏng, thiệt hại do mưa lũ. Trong đó, khoảng 15 tỷ đồng hỗ trợ dân sinh và 185 tỷ đồng khắc phục sự cố, hư hỏng các công trình công cộng. Ngoài ra, đề nghị tỉnh xem xét, bố trí thêm nguồn ngân sách, đồng thời nâng mức hỗ trợ các hộ gia đình có nhà ở bị sập đổ, cuốn trôi, hư hỏng nặng với mức 120 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; 40 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống lâu dài...

Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn huyện có 108 ngôi nhà bị sập đổ và 718 nhà bị tốc mái, xảy ra ở hầu hết các xã, trong đó nặng nhất là Trà Leng với 56 ngôi nhà bị sập, vùi lấp. Ngoài ra, có khoảng 35 con trâu, bò bị chết; hơn 200 nghìn cây giống quế Trà My và gần 600ha vườn trồng quế của người dân bị hư hại do mưa lũ. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình giao thông, hệ thống trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi… bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Hải, do mức độ tàn phá của mưa lũ rất nghiêm trọng nên việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tái sản xuất trên diện tích đất bị sạt lở. Ước tổng thiệt hại do mưa bão gây ra khoảng gần 260 tỷ đồng.

Không chỉ thiệt hại về nhà cửa và các công trình dân sinh, mưa lũ thời gian qua cũng khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp và các mô hình chăn nuôi, vườn ươm cây giống, hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, cùng với công tác di dời nhà cửa, vận động người dân sơ tán khỏi các vùng nguy hiểm, chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo theo các phương án tại chỗ, đáp ứng nhu cầu, cũng như phát huy hiệu quả lâu dài.

Tập trung khắc phục

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, trước những thiệt hại nặng nề sau mưa lũ, bên cạnh huy động lực lượng tại chỗ giúp dân sơ tán, di dời nhà cửa đến vị trí an toàn, chính quyền địa phương đang tập trung mọi nguồn lực triển khai các biện pháp khắc phục, nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân miền núi.

Ông Dũng nói, hơn bao giờ hết, phương châm “4 tại chỗ” đã được địa phương phát huy hiệu quả trong công tác ứng phó với mưa lũ vừa qua. Từ việc chủ động này, Nam Trà My đã sơ tán gần 3.000 người dân đến khu vực an toàn, đảm bảo theo phương án tập trung và xen ghép. Đến thời điểm này, địa phương cũng đã khắc phục nhiều tuyến đường bị sạt lở, nạo vét, san ủi mặt bằng, đảm bảo thông tuyến bước 1 đến trung tâm các xã và khu dân cư.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chỉ đạo và giao các đơn vị tập trung sửa chữa, dựng nhà tạm cho người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời tiếp tục triển khai thông tuyến đường giao thông, sửa chữa các công trình thủy lợi và sớm ổn định chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ. Trước mắt, việc khắc phục sẽ được thực hiện từng bước, vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ giúp dân, vừa phát huy hiệu quả công tác phối hợp, hỗ trợ người dân sớm ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống” - ông Dũng nói.

Những ngày qua, các cấp chính quyền và người dân Nam Trà My đã bắt tay vào công cuộc “tái thiết” đời sống sản xuất, học tập và làm việc, cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều đoàn từ thiện cũng đã vào cuộc, cùng chính quyền thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích và bị thương trong các đợt mưa lũ vừa qua. Đồng thời huy động lực lượng xung kích hỗ trợ khắc phục nhà cửa bị hư hại, sơ tán người dân khu vực nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn trước khi có phương án sắp xếp, bố trí tái định cư phù hợp.

ALĂNG NGƯỚC