Lòng dân Đông Bình
Nằm giữa bốn bề sông nước, liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt lũ lụt trong 2 tháng qua khiến tuyến “độc đạo” băng qua sông dẫn vào thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bị sạt lở hơn 25m, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngay sau khi xảy ra sạt lở chia cắt con đường huyết mạch, người dân trong thôn họp nhau cùng đóng góp kinh phí, chung sức khắc phục sự cố.
Ông Nguyễn Nam - người dân thôn Đông Bình cho biết, không chỉ mang ý nghĩa con đường huyết mạch vào thôn, mà đây cũng là công trình được xây dựng, bồi đắp từ mồ hôi, nước mắt và tấm lòng của người dân suốt bao năm qua. Bởi, chính người dân Đông Bình với sự quyết tâm đã chung sức ngăn dòng Bàn Thạch để làm nên con đường như hôm nay. “Gần tuần nay, không chỉ góp tiền, mỗi nhà trong thôn đều góp công sửa chữa, gia cố đoạn đường bị sạt lở” - ông Nam nói.
Ông Võ Ngọc Thái - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đông Bình kể, gần 10 năm trước, khi chưa có con đường băng sông, người dân Đông Bình gặp muôn vàn khó khăn trong đi lại mỗi khi mùa mưa đến. Thế là nhân dân toàn thôn ngồi lại với nhau, bàn bạc thống nhất và quyết tâm đắp tuyến đường lịch sử vượt sông Bàn Thạch, nối thông với bên ngoài. Thời đó còn khó khăn nhưng mỗi hộ tùy theo điều kiện kinh tế tự nguyện góp trung bình 1 - 3 triệu đồng và chung sức xây dựng con đường bê tông dài gần 300m vượt sông.
Mặc dù biết ngăn dòng trên sông sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi lũ về dễ bị sạt lở, nhưng người dân trong thôn rất đồng lòng, hư hỏng đến đâu gia cố, sửa chữa đến đó quyết giữ con đường huyết mạch vào thôn. Cũng như nhiều mùa mưa lũ đã qua, năm nay một lần nữa sức dân nơi đây lại được phát huy. Ông Thái cho biết, để khắc phục tạm thời tuyến đường, ngoài công sức, mỗi hộ trong thôn đóng góp ít nhất 200 nghìn đồng (hộ già yếu neo đơn đóng góp tùy lòng), cùng với tấm lòng sẻ chia của những người con xa quê gửi về ủng hộ.
Từ ngày 7.11 đến nay, người dân thôn Đông Bình đã huy động phương tiện cơ giới chở gần 700 mét khối đá lớn và 2.000 bao cát, với tổng kinh phí gần 250 triệu đồng (do nhân dân địa phương đóng góp và sự hỗ trợ của con em xa quê) cùng với hơn 1.000 công lao động tại chỗ để san lấp và gia cố hoàn thành đoạn đường bị hư hỏng, tạm thời đảm bảo cho người dân Đông Bình lưu thông qua lại trên tuyến đường vào thôn một cách an toàn.
“Tuyến đường đã được khắc phục bằng sự hòa quyện của nghĩa vụ lẫn tinh thần lẫn trách nhiệm và tấm lòng đoàn kết của toàn dân. Điều này vượt ra cả đo đếm bằng giá trị vật chất” - ông Thái chia sẻ.