Điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp
Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước có dư địa tăng công suất, tăng sản lượng và thị phần, cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về kiến nghị điều chỉnh thuế suất GTGT mặt hàng phân bón từ 0% lên 5% để giúp các nhà máy sản xuất phân bón trong nước khôi phục sản xuất, giảm lỗ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trước ngày 1.1.2015, theo đề nghị của Bộ NN&PTNT, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh phân bón từ đối tượng chịu thuế suất 5% về đối tượng không chịu thuế và hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nhất trí cho phép khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào với lý do là không phù hợp với nguyên tắc của thuế GTGT. Do vậy, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế có hiệu lực từ 1.1.2015 quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trên thực tế, việc quy định không chịu thuế GTGT mặt hàng phân bón gây bất lợi cho sản xuất phân bón trong nước do toàn bộ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất, được tính vào giá thành sản xuất phân bón cũng như giá bán. Chính vì vậy, theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Sản xuất phân bón đã kiến nghị nhiều lần từ năm 2015 đến nay, kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nếu chuyển phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5%, số thuế GTGT đầu vào khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ và không phải tính vào chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm. Chính phủ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp phân bón trong nước giảm giá bán tương ứng với giá thành để nông dân không bị ảnh hưởng. Do đó, phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu (phân bón nhập khẩu phải chịu thuế suất GTGT 5% tương tự phân bón sản xuất trong nước), từ đó phân bón sản xuất trong nước có thêm cơ hội để giảm giá thành, hạ giá bán so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường. Theo thông tin từ Hiệp hội Sản xuất phân bón, hiện nay phân bón sản xuất trong nước đang chiếm khoảng 70% thị phần, còn lại 30% là phân bón nhập khẩu... “Việc điều chỉnh thuế suất GTGT đối với phân bón sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có dư địa để tăng công suất, tăng sản lượng và thị phần, cạnh tranh với phân bón nhập khẩu” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị quyết về chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đã nhận được ý kiến nhất trí của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Sản xuất phân bón cũng như Hội Nông dân Việt Nam - là những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan đến ngành sản xuất phân bón, nông nghiệp, nông dân và nông thôn.