Hội nghị Cơ học Thủy khí toàn quốc về "Giảm phát thải CO2, vận hành hợp lý hồ chứa nước để cắt lũ"
(QNO) - Ngày 7.11, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đăng cai điểm cầu Hội nghị Cơ học Thủy khí toàn quốc lần thứ 23 về "Giảm phát thải CO2, vận hành hợp lý hồ chứa nước để cắt lũ", quy tụ hơn 30 nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học và các cơ quan hữu quan tham dự.
Đây là sự kiện khoa học quốc gia, được Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam tổ chức thường niên, ĐHĐN lần thứ 5 được chọn là đơn vị đăng cai. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như thiên tai, hội nghị được chuyển sang hình thức trực tuyến tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh.
Tại điểm cầu ĐHĐN, đã có 13 báo cáo khoa học được trình bày, có tính thời sự và cấp thiết đối với thực tiễn địa phương, quốc gia và mang tính toàn cầu, đó là: Giảm phát thải các chất khí gây “hiệu ứng nhà kính”, nhất là trong giao thông vận tải.
Các báo cáo tập trung dự báo tương lai phát triển công nghệ ô tô điện và những kết quả nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế, tái tạo (Biogas, Ethanol, LPG, HHO…) nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải ô nhiễm áp dụng trên các động cơ tĩnh tại và phương tiện giao thông. Nhóm GATEC của ĐHĐN đã báo cáo các kết quả nghiên cứu mới về các sử dụng nhiên liệu tái tạo, năng lượng hybrid, điện accu và pin nhiên liệu hydrogen thay thế nhiên liệu truyền thống để cắt giảm mức phát thải chất khí gây hiệu ứng nhà kính. Những dự báo loại hình phương tiện giao thông tương lai là cơ sở, định hướng để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe gắn máy tham khảo, đưa ra chiến lược phát triển thích ứng.
Một chủ đề khá “nóng”, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học đó là việc quản lý, vận hành hồ chứa nước ở các địa phương khu vực miền Trung có sự khác biệt, gây lũ lụt cho hạ du. Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy một số nơi điều tiết, cắt lũ hiệu quả, bên cạnh đó vẫn còn có nơi điều tiết mực nước hồ chứa chưa hợp lý, cần chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cơ quan quản lý, vận hành điều tiết các hồ chứa.
Các báo cáo khoa học đã kiến nghị xây dựng các bản đồ ngập lụt (chi tiết đến cấp xã, phường đối với lưu vực sông nhỏ, miền núi và đối lưu vực sông lớn có hệ thống hồ chứa lớn) để sẵn sàng ứng phó, lắp đặt thêm các trạm quan trắc thủy văn và cung cấp số liệu cập nhật, trực tuyến sẽ tăng tính chủ động ứng phó kịp thời với tình hình lũ lụt tại miền Trung.Với 75 báo cáo khoa học thuộc lĩnh vực cơ học thủy khí và nhiều lĩnh vực liên quan gửi đến hội nghị, ngoài 24 báo cáo trình bày tại 3 điểm cầu, số khác được đăng tải đầy đủ trên website của Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam tại địa chỉ "http://vncfm.ac.vn".