Lại lo với Trà Leng!
Trận lở đất ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, Nam Trà My) chưa khắc phục xong, Trà Leng đón nhận thêm nỗi lo mới: nhà cửa trôi sông. Hàng chục ngôi nhà của đồng bào M’nông bị sập đổ, cuốn trôi theo dòng lũ khiến nỗi lo càng thêm nặng trĩu.
Nhà cửa trôi sông
Sau các đợt mưa lớn kéo dài từ sáng sớm 6.11, nhiều ngôi nhà của người dân ở tổ Tăk Đoàn (nóc Tăk Pát, thôn 2, xã Trà Leng) bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn 15 ngôi nhà đã bị sập đổ hoàn toàn phía taluy âm và trôi theo dòng nước lũ, cùng hàng chục căn nhà khác đang bị đe dọa bởi sạt lở đất khiến đồng bào M’nông lo lắng.
Hôm qua 8.11, khi lượng mưa đã ngớt, bà Hồ Thị Hai cùng người dân ở thôn 2 trở về nhà sau thời gian được chính quyền địa phương đưa đi sơ tán. Tính mạng được an toàn, nhưng bà Hai nói, ngôi nhà làm bằng gỗ kiên cố của gia đình đã bị lũ cuốn mất một phần móng, ván thưng không còn nhiều, vì thế có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Trước đây, nhà bà Hai cách bờ sông Leng gần 20m. Đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua khiến bờ sông sạt lở, lấn sâu vào khoảng hơn 5m. “Mưa lũ tàn phá quá bất ngờ, nên người dân chỉ kịp chạy lấy người thôi. Nhiều ngôi nhà bị sập đổ, một số tài sản cũng bị cuốn trôi, mất hết” - bà Hai chia sẻ.
Ngoài nhà bà Hai, hàng chục ngôi nhà khác của người dân địa phương cũng bị hư hại nghiêm trọng. Nặng nề nhất, có nhà đã bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn. Bà Hồ Thị Sơn, một người dân ở nóc Tăk Pát cho hay, sau nhiều năm sống tạm bợ, cách đây vài năm, bà được bà con hỗ trợ dựng ngôi nhà bán kiên cố trên phần đất của gia đình. Những tưởng có nhà để an hưởng tuổi già, nào ngờ mưa lũ gây sạt lở nặng khiến toàn bộ ngôi nhà bị cuốn trôi.
Nguy cơ “xóa sổ” ngôi làng
Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng cho biết, trận lũ quét do ảnh hưởng cơn bão số 10 khiến 24 ngôi nhà ở thôn 2 và một điểm trường hư hỏng nặng nề. Nhiều ngôi nhà bị lũ gây sập đổ và cuốn trôi hoàn toàn khiến người dân trắng tay. Trước đó, đợt lũ xảy ra sau cơn bão số 9 cũng đã khiến 14 ngôi nhà khác của người dân ở thôn 2 bị sạt lở đất cuốn trôi, gây hư hỏng.
Theo bà Hằng, trước đây thôn 2 có gần 30 hộ gia đình sinh sống. Tuy nhiên, sau các đợt mưa lũ liên tiếp, gần như ngôi làng đã bị “xóa sổ”. Chỉ vài năm, với khối lượng đất đá phủ vùi sau những trận lũ quét khiến nhiều diện tích đất nhà và hoa màu đã bị “nuốt sống”. Vì thế, vị trí nơi làng cũ của người dân nay chỉ là bãi bồi không màu xanh cây lá. “Rất nhiều ngôi nhà đã bị cuốn trôi. Nóc Tăk Pát (thôn 2) không còn gì nữa. Thật đau xót” - bà Hằng ngậm ngùi.
Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, trước tình trạng mưa lũ liên tiếp xảy ra, bên cạnh chủ động triển khai các biện pháp ứng phó tại chỗ, chính quyền địa phương đã kịp thời đưa người dân đi sơ tán trước khi nạn lở đất và lũ quét tràn về. Tất cả được bố trí nơi trú tránh an toàn tại các điểm công sở, nhà cộng đồng kiên cố. Vì thế, sau sự cố đau lòng xảy ra ở nóc Ông Đề (thôn 1) vừa qua, nhờ làm tốt công tác ứng phó, địa phương không ghi nhận thêm trường hợp thiệt hại về người.
Để đảm bảo cuộc sống người dân, huyện Nam Trà My đã cung cấp lương thực tại chỗ, đồng thời nỗ lực tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hỗ trợ người dân làm nhà mới sau mưa lũ. Ông Dũng nói, trước nguy cơ “họa núi đè” ở miền núi, việc sắp xếp dân cư tại địa phương tới đây sẽ được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo tất cả yếu tố tiên quyết nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng sạt lở bất ngờ.