Sẻ chia trong tình nghĩa đồng bào

VINH ANH - ALĂNG NGƯỚC 07/11/2020 06:16

Những trận lũ liên tiếp vừa qua tàn phá và gây thiệt hại nặng cho Quảng Nam. Giữa những khó khăn, mất mát, người dân Quảng Nam càng thể hiện sức chịu đựng và tinh thần vượt khó, tình yêu thương, san sẻ, đùm bọc trong cộng đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước là sự giúp đỡ của người dân cả nước, của các nhà hảo tâm, của bà con miền xuôi với miền ngược… cả về vật chất lẫn tinh thần, trở thành nguồn động lực giúp người dân gượng dậy, vượt qua gian khó.

Các chiến sĩ dầm mưa tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng (Nam Trà My). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các chiến sĩ dầm mưa tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng (Nam Trà My). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

CỘNG ĐỒNG CHUNG SỨC

Giữa gian khó vì thiên tai bão lũ, tinh thần cố kết cộng đồng càng được thắt chặt hơn bao giờ hết. Từ đồng bằng lên miền núi, mỗi người vẫn miệt mài làm từng công việc hỗ trợ nhau vượt qua dông bão.

“Bà con mình hết”

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang kể, sau đợt lũ ống xuất hiện tại địa phương, cùng với lực lượng cứu hộ, bà con tại các thôn đã giúp nhau khắc phục hậu quả mưa lũ. Những chiếc cầu tạm được dựng lên, những ngôi nhà được di dời khỏi vị trí sạt lở, những đường ống nước sinh hoạt được dẫn về tận ngõ làng… đều nhờ công sức của cộng đồng. Truyền thống đoàn kết luôn được phát huy trong cuộc sống, nhất là thời điểm xảy ra biến cố lớn do thiên tai, dịch bệnh.

“Như đợt lở đất khiến nhiều ngôi nhà của người dân ở Ganil (xã A Xan) bị vùi lấp vừa rồi, cũng nhờ có bà con và lực lượng bộ đội biên phòng kịp thời hỗ trợ nên thiệt hại được giảm thiểu. Nhiều ngày sau đó, cũng chính bà con và bộ đội biên phòng giúp các gia đình bị sạt lở vận chuyển, di dời nhà cửa, tài sản đến vị trí an toàn khác được chính quyền địa phương bố trí. Tất cả đều thiện nguyện, nhằm chia sẻ với gia đình gặp nạn” - ông Blúi chia sẻ.

Thanh niên tình nguyện sửa chữa nhà cho người dân. Ảnh: ANH NGƯỚC
Thanh niên tình nguyện sửa chữa nhà cho người dân. Ảnh: ANH NGƯỚC

Khi một số địa phương miền núi bị sạt lở gây hậu quả nặng nề, rất nhiều bà con ở các vùng lân cận đã tìm đến hỗ trợ, chia sẻ nỗi buồn đau mất mát. Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trà Leng (Nam Trà My) kể, nhiều ngày qua, khi sự việc đau lòng xảy ra tại nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng), ngoài người dân trong thôn, có rất đông bà con lân cận tìm đến hỗ trợ. Mỗi người góp chút công sức, từ việc hỗ trợ công tác tìm kiếm, khiêng cõng nạn nhân, cho đến việc nấu nướng phục vụ các đoàn cứu hộ của địa phương.

“Khi sự việc xảy ra, ngoài lực lượng dân quân, công an xã được chúng tôi huy động đến cứu hộ, một số bà con ở các thôn lân cận khi nghe tin cũng chạy đến để ứng cứu. Nhờ đó, nhiều nạn nhân may mắn được tìm thấy, sống sót một cách kỳ diệu” - bà Hằng cho biết.

Sống chung trong cộng đồng, người vùng cao xem nhau như anh em một nhà. Mọi công việc trong thôn, không ai phân định của cá nhân nào cả, xem đó là trách nhiệm chung. Nói như ông Arất Blúi thì “ở đâu cũng là bà con mình hết”, như đúc kết câu chuyện về một tinh thần vùng cao ấm áp, kiên cường.

Hướng về phía núi

Sau cơn bão dữ và thảm nạn sạt lở, cùng với sự chăm lo từ chính quyền, phong trào thiện nguyện hướng về đồng bào bị thiên tai, về phía đồng bào miền núi đã lan tỏa rộng khắp. Nguồn sức mạnh cộng đồng hết sức to lớn, kịp thời và không thể đong đếm.

Anh Phạm Tường Lâm (đoàn viên thanh niên Công an tỉnh) cùng nhóm của mình kêu gọi nhà hảo tâm chung tay thực hiện chương trình từ thiện về với đồng bào xã Phước Thành (Phước Sơn). Anh Lâm chia sẻ: “Vẫn biết có nhiều nhà hảo tâm, có những đoàn cứu trợ, cả nguồn lực từ chính quyền, đoàn thể, nhưng tôi và nhóm thiện nguyện vẫn muốn góp một phần để giúp đỡ bà con - những người đang chịu cực khổ từng ngày do hậu quả của thiên tai”.

Sống ở Tam Kỳ, công tác tại Nam Trà My, anh Nguyễn Trần Vỹ có tình cảm đặc biệt với bà con vùng cao. Sau thảm họa lở núi, anh bắt tay ngay làm trung gian kết nối nhà hảo tâm trong nước hướng về đồng bào Trà My. Với những hình ảnh xúc động, thông tin đầy đủ, cụ thể, chính xác từ hiện trường sạt lở núi Trà Vân, Trà Leng…, anh Vỹ đã cung cấp thông tin, kết nối nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm chia sẻ kịp thời khó khăn với bà con.

Khi nhận thấy phong trào thiện nguyện tự phát, “nhiều nhưng chưa mạnh”, anh Vỹ lập tức truyền thông điệp: “Ước gì mỗi nhóm thiện nguyện tập trung xây nhà thì giờ chắc đã đủ hết cho các hộ bị lấp hoàn toàn (xây cấp 4 tầm 60 - 80 triệu đồng tùy địa điểm). Nhóm nào không đủ lực thì chúng ta kết hợp lại”.

Ngoài ra, anh Vỹ cũng kịp thời đưa ra lời khuyên cho các đoàn từ thiện nên chờ thời tiết ổn định rồi tiếp cận, đồng thời phối hợp với địa phương để giúp bà con hiệu quả nhất.

“Công tác tái thiết, dựng nhà, ổn định đời sống nhân dân và hỗ trợ lâu dài cần rất nhiều nguồn lực. Cái cần lâu dài là giúp họ làm lại căn nhà, vật nuôi cây trồng, vật dụng sản xuất để tiếp tục cuộc sống. Người dân vùng sạt lở ở đang cần tiền, tôn, xi măng để dựng lại nhà, gạo để ăn… Xin hạn chế hết mức việc mang mì tôm lên mấy điểm sạt lở vì họ nhận khá nhiều rồi; có thể chia sẻ cho các vùng, xã lân cận ở địa phương khác đang thiếu” - những thông tin hết sức cần thiết được anh Vỹ chia sẻ.

TRIỆU TẤM LÒNG

Sau thiên tai bão lũ, hàng triệu tấm lòng, con tim của đồng bào cả nước hướng về nhân dân Quảng Nam bằng sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhất.

San sẻ đau thương, mất mát

Những phần quà kịp thời sau bão lũ không chỉ chia sẻ một phần khó khăn, thiếu thế về vật chất mà lớn hơn là sự động viên, an ủi để bà con vượt qua khó khăn. Ngay ngày đầu tiên của tháng 11, từ miền Nam, đoàn cứu trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh đã kịp đáp chuyến bay sớm nhất về với bà con các địa phương bị thiệt hại do bão lũ tại Núi Thành và TP.Tam Kỳ. 200 suất quà gồm tiền mặt 1 triệu đồng/suất cùng nhu yếu phẩm đã được trao tận tay bà con ngay sau bão số 9. Đoàn cứu trợ còn đến tận nơi một số gia đình có nhà bị sụp đổ hoàn toàn sau bão để thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí kiến thiết.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Phạm Văn Tam (40 tuổi, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) bị cuồng phong bão số 9 đánh sập. Toàn bộ mái tôn bị thổi bay, một phần tường bị đánh sập… Chưa có điều kiện sửa lại nhà, anh Tam kéo tạm miếng bạt và lượm ít tôn cũ che lên để có chỗ cho vợ nấu ăn và cho 3 con nhỏ nằm nghỉ. Giữa lúc khó khăn đó, gia đình anh được đoàn cứu trợ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh đến thăm, hỗ trợ 40 triệu đồng dựng lại nhà.

Anh Tam bày tỏ: “Ngôi nhà nhỏ trước đây nhưng tự tay tôi ngày ngày xây dựng nên (anh Tam là thợ hồ - PV). Ở chưa được bao lâu thì bão vào cuốn đi tất cả. Gia đình tôi biết ơn đoàn cứu trợ. Đây là nguồn an ủi để vợ chồng tôi gượng dậy sau thiên tai”.

Với cử chỉ ân cần, thái độ nhỏ nhẹ của người miền Nam, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh luôn gắng hỏi thăm tình hình, hoàn cảnh của bà con nhân dân sau thiên tai. Nói chuyện với người dân Núi Thành, bà Châu cho biết, người dân TP.Hồ Chí Minh và miền Nam luôn dõi theo tình hình mưa lũ, thiên tai mà bà con Quảng Nam đang gánh chịu. Mất mát, đau thương của bà con Quảng Nam cũng là nỗi đau chung của người dân TP.Hồ Chí Minh.

Bà Châu cho biết, thông qua lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh, đến nay các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã chung tay ủng hộ hơn 65 tỷ đồng hướng về miền Trung. Trước mắt, chuyển về Quảng Nam 2 tỷ đồng, sau đó sẽ tiếp tục chuyển 10 tỷ đồng để Quảng Nam hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả bão lũ.

Lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bến Tre, Bình Phước… cũng đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đến thăm, chia sẻ khó khăn với Quảng Nam. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hải Phòng hỗ trợ 120 tỷ đồng cho 6 tỉnh miền Trung, trong đó riêng Quảng Nam 20 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa cũng đang xúc tiến các hoạt động cứu trợ hướng về nhân dân, các địa phương kết nghĩa ở Quảng Nam sau bão lũ.

Xung kích giúp dân

Không để người dân sống “màn trời chiếu đất”

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác cứu trợ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca đề nghị, Mặt trận các địa phương bám sát Hướng dẫn số 38 ngày 19.10.2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung - Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Từ nguồn Ban cứu trợ tỉnh phân bổ và tiếp nhận từ cơ sở, Mặt trận các địa phương phối hợp với chính quyền triển khai ngay việc giải ngân, hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa lại nhà ở bị thiệt hại do bão lũ, đảm bảo công khai, công bằng, đúng đối tượng. Khi bà con chưa kịp làm lại nhà, Mặt trận cùng các đoàn thể cần quan tâm, sắp xếp làm thế nào đừng để bà con chịu cảnh “màn trời chiếu đất”. Đồng thời phát huy tình đoàn kết, giúp đỡ, san sẻ nhau trong từng cộng đồng, làng xã, giữa xã này với xã khác.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ, các đội Thanh niên xung kích phòng chống tiên tai của tổ chức đoàn các cấp triển khai ngay các hoạt động giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ như: tổ chức sửa chữa nhà, cắt tỉa cây cối ngã đổ, phát dọn hành lang giao thông, cung cấp nước sinh hoạt cho bà con…

Đặc biệt, vào những ngày vừa qua, nhân dân các địa phương Núi Thành, Thăng Bình và Duy Xuyên còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực từ Đội thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh khắc phục hậu quả bão lũ, do Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh tổ chức.

Anh Lê Hoàng Minh - Trưởng ban Công nhân lao động Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh cho biết, ngoài nguồn vật lực gồm tiền, hàng hóa, hạt giống…, Thành Đoàn cử ngay lực lượng “tinh nhuệ” nhất để hỗ trợ cho bà con nhân dân 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

“Tại Quảng Nam, đội tình nguyện khoảng 40 thành viên bao gồm kỹ sư các công ty điện lực, lắp máy; sinh viên kỹ thuật các trường đại học, cao đẳng và y, bác sĩ các bệnh viện Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược… giúp đỡ bà con sửa chữa lại nhà ở, khám bệnh, phát thuốc” - anh Minh chia sẻ.

Hoạt động đã diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 2 - 4.11) tại 3 huyện Núi Thành, Thăng Bình và Duy Xuyên. Tại đây, bên cạnh hoạt động sửa chữa nhà, đội thanh niên tình nguyện đã trao tặng tổng cộng 600 suất quà tiền mặt 1 triệu đồng, 50kg hạt giống giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão và 5.000 tập vở cho học sinh huyện Duy Xuyên.

Có mặt tại buổi sửa chữa nhà ở cho một hộ dân xã Duy Trung (Duy Xuyên), chúng tôi hết sức bất ngờ trước sự chuyên nghiệp của lực lượng thanh niên tình nguyện. Với đầy đủ dụng cụ, đồ nghề chuyên dụng và tay nghề vững vàng, các thanh niên tình nguyện bắt tay sửa chữa lại nhà ở cho người dân sau bão một cách nhanh chóng. Lực lượng được chia làm 3 tổ (xây dựng, điện, hậu cần), làm việc hết sức nhịp nhàng, gọn lẹ. Vì thế mà, chỉ trong 3 ngày, gần 18 ngôi nhà hư hỏng sau bão số 9 của người dân các địa phương đã được đoàn sửa lại.  

Ngôi nhà cấp 4 mái tôn của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Lan (thôn Hòa Lâm, xã Duy Trung) bị bão số 9 làm tốc mái, sụp trần, hư hỏng nặng. Mấy hôm nay 3 mẹ con phải ở tạm dưới tấm bạt che đỡ, việc sinh hoạt hết sức vất vả. Tuy nhiên, chiều ngày 4.11, dưới sự giúp đỡ của người dân địa phương, nhất là lực lượng thanh niên tình nguyện, căn nhà đã được sửa chữa lại toàn bộ gồm mái, trần nhà, hệ thống điện…

Không tin vào mắt mình khi nhìn nhà được sửa chữa, chị Lan xúc động: “Mấy đêm trước, ba mẹ con nằm ngủ dưới tấm bạt che tạm mà nơm nớp lo mưa xuống, ướt hết. Chừ thì hết rồi, đêm nay và các ngày sau mẹ con tôi không lo mưa gió nữa. Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành tới các bạn thanh niên đã giúp đỡ mẹ con tôi trong lúc khó khăn”.

NHỮNG “CHIẾN BINH SAO VÀNG”

Khi thiên tai xảy ra, lực lượng vũ trang tỉnh đã kịp thời có mặt, giúp dân vượt qua hoạn nạn, ổn định cuộc sống. Tinh thần vì cộng đồng của những “chiến binh sao vàng” luôn được phát huy, thắp lên niềm tin cho đồng bào vượt qua sóng gió.

Các chiến sĩ dầm mưa tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng (Nam Trà My). Ảnh: NGƯỚC ANH
Các chiến sĩ dầm mưa tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng (Nam Trà My). Ảnh: NGƯỚC ANH

Vì dân phục vụ

Một ngày sau khi người dân ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, Nam Trà My) gặp nạn, chúng tôi quyết định lên đường và tìm mọi cách để vào hiện trường vụ lở đất. Hơn 1 giờ đồng hồ ngược núi, chúng tôi băng qua hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm. Nhưng, khi vào tận nơi, đã thấy hàng chục cán bộ, chiến sĩ có mặt, cùng các lực lượng dân quân tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Trung tá Nguyễn Phước Trung - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 885 (Bộ CHQS tỉnh) cho biết, mưa lớn nhiều ngày qua khiến việc tiếp cận hiện trường của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Để cứu dân, các chiến sĩ phải băng rừng, lội suối, qua hàng chục cây số đường hiểm trở hành quân trong đêm tối. Khi vừa đến nơi, dù mệt nhưng các chiến sĩ đã bắt tay ngay vào công tác cứu hộ, với niềm mong là sẽ tìm thấy nhanh nhất các nạn nhân còn mất tích.

“Vì nhân dân, vì cộng đồng, bằng tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi động viên các chiến sĩ phải nỗ lực hết sức để không phụ lòng mong mỏi của bà con, nhất là người thân các nạn nhân xấu số” - Trung tá Nguyễn Phước Trung chia sẻ.

Với các chiến sĩ, hướng về cộng đồng, về những gia đình bà con đang gặp nạn vừa là mệnh lệnh, vừa là tinh thần của người lính. Sự “tận hiếu với dân” được thực hiện như một lời hứa của từng chiến sĩ với nhiệm vụ được giao phó. Mới đây, khi thông tin về vụ sạt lở đất khiến 13 cán bộ và người dân ở xã Phước Lộc (Phước Sơn) bị vùi lấp, ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được huy động cứu hộ. Nhưng do mưa lũ, đường vào các xã của Phước Lộc, Phước Thành đều bị chia cắt. Hàng chục khu dân cư đồng bào Bh’noong đang đứng trước nguy cơ thiếu đói, do lương thực dự trữ dần cạn kiệt. Một đội quân được giao nhiệm vụ cõng hàng cứu trợ khẩn cấp.

Nhận lệnh, các chiến sĩ đã tìm cách cắt rừng để tiếp cận bà con, vừa làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, vừa trinh sát giúp lực lượng cứu hộ nắm bắt được tình hình bên trong. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của từng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và các lực lượng, chỉ vài ngày sau đó, người dân đã được tiếp cận. Hình ảnh đầu tiên từ hiện trường được chuyển về, giúp công tác cứu hộ, cũng như tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ lở đất được triển khai một cách nhanh chóng.

Thắp lên niềm tin

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 nói, các đơn vị quân đội, mỗi nơi có một cách để giúp dân, nhưng đều có chung mục đích là thắp sáng niềm tin cho cuộc sống cộng đồng. Vì thế, tất cả cán bộ, chiến sĩ phải vượt qua mọi thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quyết tâm này thấy rõ trong những ngày lực lượng cứu hộ dầm mưa triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Trà Leng, Phước Lộc.

“Bộ đội lúc nào cũng hướng về nhân dân. Vì thế, chúng tôi luôn động viên anh em, bằng mọi giá phải quyết tâm đưa người gặp nạn đến nơi an toàn” - Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, sau lũ, hàng chục cầu treo trên tuyến biên giới Tây Giang bị hư hỏng nặng, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo cuộc sống người dân, cùng với khắc phục hậu quả mưa lũ, chính quyền địa phương huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn triển khai việc dựng cầu tạm, giúp người dân ở các vùng bị cô lập đi lại dễ dàng hơn.

Những ngày qua, dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng các cán bộ, chiến sĩ quân đội và lực lượng dân quân địa phương đã cùng nhau tìm đốn gỗ để dựng cầu, nối lại các điểm dân cư bị chia cắt sau lũ. Đến nay, Tây Giang đã dựng tạm 4 cây cầu gỗ và tre nứa giúp người dân đi lại thuận tiện, mua sắm lương thực, thực phẩm dự trữ trong thời gian mưa lũ kéo dài.

“Thời điểm nhà dân bị sạt lở, cũng nhờ có lực lượng quân đội nên nhiều tài sản được kịp thời di chuyển, hạn chế thiệt hại lớn. Những ngày qua, dù mưa gió, nhưng anh em chiến sĩ vẫn hoàn thành nhiệm vụ sơ tán người dân đến nơi an toàn, cũng như giúp dân khắc phục hậu sau thiên tai, bão lũ” - ông Linh chia sẻ.

Sự xuất hiện của các “chiến binh sao vàng” đã thắp lên niềm tin, hy vọng cho đồng bào trong thời điểm gian khó nhất. Dù gian khổ, dù phải đương đầu với hiểm nguy, nhưng các chiến sĩ vẫn quyết tâm ở lại núi rừng, giúp người dân hoàn thành nguyện ước, ổn định cuộc sống mới lâu dài, bền vững.

VINH ANH - ALĂNG NGƯỚC