Du lịch tiếp tục gặp khó
Hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài cộng thêm bão lũ tác động liên tục khiến ngành du lịch Quảng Nam gần như “đóng băng” trong thời gian qua và chưa biết khi nào mới có thể cải thiện.
Lưu trú gặp khó
Hiện nay, Quảng Nam có 731 cơ sở lưu trú với gần 14 nghìn phòng. Tuy nhiên, trong hai tháng trở lại đây bình quân mỗi tháng trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 20 nghìn lượt khách lưu trú (chưa bằng khoảng 10% so với cùng kỳ). Điều này khiến hàng loạt cơ sở lưu trú, chủ yếu tại Hội An hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên, thậm chí tạm thời đóng cửa.
Đơn cử như khách sạn Vĩnh Hưng - một trong những khách sạn có thâm niên hoạt động tại Hội An đã tạm ngừng vận hành từ sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất (tháng 3.2020) đến nay. Một quản lý khách sạn Vĩnh Hưng lý giải, lâu nay khách nội địa ít sử dụng dịch vụ của đơn vị, trong khi nếu mở cửa với khách quốc tế thì phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc đáp ứng quy trình kiểm soát dịch bệnh. Để giải quyết căn cơ vấn đề này chỉ có thể trông chờ khi nào vắc xin Covid-19 được phổ biến đại trà.
Hiện nay miền Trung bước vào mùa thấp điểm khách nội địa, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh càng chật vật hơn do thị trường trong nước vốn không phải là lợi thế. Đã vậy, thời tiết xấu liên tục từ đầu tháng 10 và vẫn đang tiếp diễn khiến hầu hết cơ sở lưu trú rơi vào tình trạng “trống trơn” du khách. Đặc biệt, bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam khiến một loạt khách sạn, resort dọc ven biển Cửa Đại, Cẩm An (TP. Hội An) bị hư hại, tốc mái, sạt lở. Vừa qua tại Hội An có đến 44 cơ sở lưu trú mở cửa tự do đón gần 1.000 người dân tá túc miễn phí tránh bão một phần bởi các cơ sở này thuận lợi trong việc sắp xếp phòng ốc khi không hề có du khách nào trú ngụ.
Sản phẩm “Chợ phiên làng chài Tân Thành” mới tổ chức hai phiên, được kỳ vọng sẽ thu hút thêm du khách về với Hội An cũng đành “gác lại” do mưa gió triền miên. Bà Lương Thúy Hà - quản lý Beachside Boutique Resort (phường Cẩm An) bộc bạch: “Bản thân tôi vừa hoạt động kinh doanh lữ hành lẫn lưu trú thì nhận thấy rõ sự kiệt quệ ở hầu khắp các đơn vị du lịch. Cho đến bây giờ thực sự chúng tôi chưa có lối ra và chỉ biết duy trì sự kết nối thường xuyên với đối tác ở nước ngoài để nắm được các yêu cầu của họ sau khi dịch bệnh đi qua để sẵn sàng thích ứng”.
Loay hoay kích cầu
Khu đền tháp Mỹ Sơn vào thời điểm cuối tháng 10.2020 vắng lặng không một bóng khách tham quan. Khi cơ cấu khách quốc tế tham quan Mỹ Sơn chiếm đến 95% (năm 2019) thì rất khó để Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn có thể tạo ra hiệu ứng mạnh với chương trình kích cầu nội địa. Thực tế từ tháng 6 đến hết tháng 8.2020, điểm đến này đã ưu đãi 50% vé tham quan cùng một số ưu đãi đặc biệt khác nhưng khách đến cũng chỉ lai rai, nên từ tháng 9 vừa rồi, các dịch vụ phục vụ khách đã quay trở lại với mức giá bình thường. Mở rộng trên toàn địa bàn tỉnh, gói kích cầu “Thank you” và dịch vụ du lịch “Ở 3 trả 2” từng được đánh giá cao khi ra mắt vào hồi tháng 6 với sự tham gia của 32 cơ sở lưu trú, cũng bị ngắt quãng và bỏ ngỏ hôm tháng 9 vừa rồi do số lượng thưa thớt du khách đăng ký hưởng thụ các dịch vụ này.
Với những khó khăn trên cùng khuyến cáo đề cao yếu tố an toàn từ các cấp quản lý, một bộ phận doanh nghiệp du lịch tại địa phương không mấy mặn mà với việc kích cầu đợt hai này. Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc điều hành Công ty Hội An Express cho biết: “Phản hồi từ một số du khách là Hội An thời gian qua buồn quá, thành phố cần khuyến khích hàng quán hoạt động trở lại. Còn không, nên chăng ta gom lại tổ chức “phố cổ thu nhỏ” với đầy đủ sản phẩm để du khách thưởng lãm gói gọn ít nhất trong vòng hai giờ đồng hồ buổi tối thì mới phần nào cải thiện được tình hình”.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, diễn biến khó lường của dịch bệnh đã khiến chương trình kích cầu du lịch ở Hội An được thực hiện hồi mùa hè hầu như không phát huy hiệu quả và cũng đã hết hiệu lực. Hiện thành phố đã xây dựng một số chính sách ưu đãi mới về phí tham quan cả với du khách lưu trú lẫn vãng lai đến giữa năm 2021 và đang chờ tỉnh thông qua.