Ngăn ngừa dịch bệnh sau thiên tai

XUÂN HIỀN 05/11/2020 06:40

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau thiên tai tại một số địa phương nếu không có các biện pháp phòng ngừa hợp lý. Bộ Y tế yêu cầu Quảng Nam hỗ trợ, tư vấn dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già...

Nhân viên y tế sơ cấp cứu ban đầu cho người dân vùng gặp nạn. Ảnh: C.Đ
Nhân viên y tế sơ cấp cứu ban đầu cho người dân vùng gặp nạn. Ảnh: C.Đ

Tại cuộc làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt việc xử lý môi trường theo những văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời tổ chức đánh giá nguy cơ, tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của y tế địa phương...

Cảnh giác bệnh nguy hiểm

Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong và sau mưa, lũ lụt, nguồn nước ngoài bị nhiễm vi khuẩn và vi rút thì cũng bị ô nhiễm ký sinh trùng một cách đáng kể.

PGS-TS. Trần Đắc Phu - Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ dẫn đến nguồn nước, nguồn thực phẩm gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo. Người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh. Ngoài việc dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do mất an toàn thực phẩm, người dân còn dễ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác.

“Trong thời điểm hiện nay, tôi đặc biệt lưu ý người dân phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhất là những người dân ở miền Trung, sống trong vùng rừng núi cần chủ động phòng dịch bệnh” – PGS-TS.Trần Đắc Phu nói.

Ông Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) cho biết, trung tâm đã triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại các địa phương gặp thiên tai, kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật.

“Đơn vị đã rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp sau bão lụt. Tăng cường nhân lực cho các đội cơ động, chỉ đạo các đội bám sát địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xử lý vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt sau thiên tai. Hiện Quảng Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) với các hóa chất và một số trang thiết bị phục vụ cho phòng chống dịch trong và sau thiên tai” – ông Trần Văn Kiệm nói.

Ngoài việc phải chuẩn bị phương án đối diện với dịch bệnh sau thiên tai, một số trung tâm y tế tại các địa phương miền núi hiện gặp tình trạng hư hại về cơ sở vật chất cũng như thiếu thốn nguồn nhân lực phục vụ công tác sơ cấp cứu người bị nạn tại các vùng thiên tai.

Ông Trần Văn Thu – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết, một số nhân viên y tế của huyện có người thân bị mất trong đợt sạt lở đất vừa rồi. Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My chỉ có một chiếc xe cấp cứu, đang phải hoạt động quá công suất và đang cần thêm một chiếc xe nữa. Máy phát điện 100kVA của trung tâm đã bị hư hỏng nên rất cần chiếc máy phát điện khác thay thế.

Chia sẻ khó khăn

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh sau mưa lũ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh đã phát huy phương châm “4 tại chỗ” - đảm bảo tốt công tác điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân, không để bệnh nhân phải thiếu ăn, thiếu thuốc trong những ngày điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Lương Trung - Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho hay, đơn vị đã khẩn trương thực hiện các biện pháp dự phòng, tiến hành khử trùng tiêu độc tại các địa điểm sạt lở đất, chôn xác gia súc gia cầm để không gây ô nhiễm môi trường. Riêng các bệnh viện tuyến trung ương tại miền Trung như Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam sẵn sàng đưa xe cấp cứu, trang thiết bị, nhân viên y tế trợ giúp Trung tâm Y tế của hai huyện Bắc và Nam Trà My.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện - Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, bệnh viện sẵn sàng chuyển cho Trung tâm Y tế Nam Trà My máy siêu âm, máy phát điện 25kVA và một số trang thiết bị khác theo nhu cầu cụ thể của hai Trung tâm Y tế Bắc Trà My và Nam Trà My.

Tại cuộc làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh sau thiên tai tại Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam triển khai các khâu xử lý vệ sinh môi trường, không được để dịch bệnh xảy ra, tăng cường dinh dưỡng cho người dân ở những khu vực vừa có thiên tai. Không được để người dân phải ăn mì gói dài ngày và tổ chức trợ giúp tâm lý cho những người có gia đình bị mất do lở đất và lũ lụt. Hiện Bộ Y tế đã cấp cho Quảng Nam 500 nghìn viên xử lý nước Aquatabs và 50 cơ số thuốc phòng ngừa các dịch bệnh theo mùa.

Ngoài việc kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường, thu gom, xử lý xác súc vật chết, CDC Quảng Nam yêu cầu các địa phương tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại khu vực bị ngập sau khi nước rút, xử lý các giếng khoan, giếng đào theo hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn...

XUÂN HIỀN